Tên đề tài: Vấn đề con người trong Triết học Mác thời kỳ 1844-1848 và ý nghĩa lịch sử của nó
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Cù Ngọc Phương
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, triết học Mác trải qua các thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, thời kỳ hình thành những luận điểm đầu tiên của triết học Mác - thời kỳ 1844-1848 luôn có ý nghĩa đặc biệt, vì nó mở ra khả năng phát triển và hoàn thiện triết học Mác trong thời kỳ khó khăn nhất - thời kỳ thể hiện bước ngoặt có tính cách mạng trong lịch sử triết học. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử triết học, bằng quan điểm thực tiễn, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã xem xét các vấn đề về khái niệm, vai trò và bản chất của con người từ hoạt động thực tiễn. Đồng thời, các nhà kinh điển của triết học Mác còn tìm ra căn nguyên của sự áp bức, nguồn gốc của sự tha hóa con người trong chủ nghĩa tư bản để tìm ra điều kiện và phương thức để giải phóng khỏi sự tha hóa và tạo ra những tiền đề vật chất cho sự phát triển con người nói chung.
Đối với triết học mác -xít, quan niệm về con người trong triết học Mác thời kỳ 1844-1848 đã góp phần đặt nền tảng cho sự phát triển quan niệm về con người của triết học Mác giai đoạn sau này; góp phần việc thức tỉnh và giải phóng con người lao động, chỉ ra con đường xây dựng xã hội tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Đồng thời, quan niệm này, còn có ảnh hưởng đến các nhà triết học mác- xít sau Mác, trở thành niềm cảm hứng và xuất phát điểm có tính nguyên tắc trong việc nghiên cứu vấn đề con người trên bình diện triết học.
Đối với triết học ngoài mác- xít, quan niệm về con người của triết học Mác thời kỳ 1844-1848 đã mang lại cho các nhà tư tưởng của xã hội phương Tây hiện đại kích thước xã hội trong việc nghiên cứu con người và giúp họ có được cơ sở lý luận để nhận diện thân phận con người trong xã hội hiện đại và phê phán các định chế chính trị xã hội đang áp bức và nô dịch con người dưới mọi hình thức khác nhau, góp phần làm phong phú thêm bức tranh tư tưởng của triết học hiện đại. Quan niệm về con người trong triết học Mác thời kỳ 1844-4848 cũng để lại dấu ấn trong học thuyết nữ quyền, chủ nghĩa hiện sinh; trường phái Frankfurt học thuyết cấu trúc và các khoa học xã hội và nhân văn…
Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước đang phát triển kinh tế. Với sự biến đổi của hoàn cảnh xã hội, việc tái khám phá các giá trị của học thuyết Mác thông qua một cách tiếp cận mới, cởi mở và khách quan hơn, từ đó vận dụng vào thực tiễn Việt Nam về giải phóng con người trong mối liên hệ biện chứng với việc thực hiện quyền con người hiện nay; về việc phát triển con người, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Những kết quả mới của luận án
Một là, luận án trình bày được cơ sở hình thành và quá trình phát triển quan điểm về con người trong triết học Mác thời kỳ 1844-1848, đặc biệt là phân tích được vai trò của nhân tố chủ quan trong việc hình thành quan điểm về con người cũng như chỉ ra được quá trình phát triển quan điểm này thời kỳ 1844-1848. Đồng thời, luận án phân tích có hệ thống, toàn diện nội dung và đặc điểm vấn đề con người theo quan điểm của triết học Mác thời kỳ 1844-1848. Đặc biệt, nói về đặc điểm của quan niệm về con người thời kỳ này là rất ít công trình nào trước đây công bố.
Hai là, tác giả đã luận giải ý nghĩa lịch sử quan niệm về con người trong triết học Mác thời kỳ 1844-1848 đối với triết học mác-xít và triết học ngoài mác-xít; đồng thời phân tích nghĩa lịch sử quan niệm về con người thời kỳ này đối với việc giải phóng con người và phát triển con người Việt Nam hiện nay. Trong đó, luận giải ý nghĩa của quan niệm về con người trong triết học Mác thời kỳ này đối với triết học ngoài mác-xít là điều khá mới mẻ trong nghiên cứu triết học về con người.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Thứ nhất, luận án trình bày một cách có hệ thống và toàn diện nội dung cơ bản vấn đề con người trong triết học Mác về thời kỳ 1844-1848. Luận án không chỉ giúp độc giả thấy được những nội dung và đặc điểm riêng trong quan niệm của triết học Mác về con người ở thời kỳ này so với các thời kỳ trước và sau đó mà còn góp phần đánh giá ý nghĩa của nó đối với triết học mác-xít, đối với triết học hiện đại ngoài mác-xít và đối với việc giải phóng con người, phát triển con người Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, ý nghĩa lịch sử từ quan niệm của triết học Mác về con người sẽ góp phần làm luận cứ khoa học cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách nhằm phát triển con người Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ trong giảng dạy, nghiên cứu lịch sử triết học phương Tây nói chung, triết học Mác về con người nói riêng.
Hãy là người bình luận đầu tiên