Tên luận án: Văn hóa đình làng trong bối cảnh đô thị hóa ở Đồng Nai
Chuyên ngành: Văn hoá học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Xuân Hậu
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Luận án nghiên cứu về: Văn hóa đình làng trong bối cảnh đô thị hóa ở Đồng Nai. Thông qua phương pháp so sánh, phương pháp quan sát tham dự, phương pháp phỏng vấn sâu; các thao tác nghiên cứu (phân tích, tổng hợp, kỹ thuật phân tích SWOT) luận án làm rõ thực trạng văn hóa đình làng của người Việt ở Đồng Nai trên góc độ truyền thống và biến đổi dưới tác động từ quá trình đô thị hóa; nhận diện nguyên nhân, xu hướng biến đổi; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng trong bối cảnh hiện nay.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
- Luận án có thể xem như một công trình nghiên cứu có hệ thống, khoa học, chuyên sâu về văn hóa đình làng (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) trong suốt quá trình hình thành và phát triển ở phương diện giá trị truyền thống và những biến đổi của nó đặt trong bối cảnh đô thị hóa.
- Thông qua việc xem xét văn hóa đình làng như một hệ thống với một cấu trúc chặt chẽ của hai thành tố: (1) văn hóa vật thể, (2) văn hóa phi vật thể sẽ thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố trên; qua đó, đã bổ sung hướng tiếp cận cho nghiên cứu các đặc điểm truyền thống, những đặc điểm biến đổi của văn hóa đình làng trong bối cảnh đô thị hóa. Luận án góp phần bổ sung nguồn tư liệu, phương pháp luận khoa học cho nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa đình làng nói riêng theo hướng nghiên cứu văn hóa ứng dụng.
- Quá trình nghiên cứu, luận án đã đưa ra những đánh giá, kết luận, kiến giải làm tiền đề cho các định hướng hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
2.2. Về ý nghĩa thực tiễn
- Thực hiện đề tài nghiên cứu: Văn hóa đình làng trong bối cảnh đô thị hóa ở Đồng Nai nhằm góp phần nhận diện các giá trị, đặc điểm văn hóa đình làng truyền thống (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể), cùng những đặc điểm biến đổi của nó trong bối cảnh đô thị hóa ở Đồng Nai. Trên cơ sở đó, xác định những tác nhân, xu hướng biến đổi của văn hóa đình làng trong truyền thống cũng như giai đoạn hiện nay; dự báo xu hướng biến đổi trong giai đoạn tiếp theo.
- Luận án góp phần cung cấp những cơ sở khoa học nhằm đề xuất những giải pháp mang tính thực tế cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đồng Nai.
- Các thông tin của luận án có thể tham khảo cho quy hoạch, phát triển văn hóa ở địa phương; tìm kiếm giải pháp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng trong giai đoạn hiện nay; là nguồn tài liệu để nghiên cứu, học tập về di sản văn hóa.
3. Hướng phát triển tiếp theo của luận án
Trong những nghiên cứu tiếp theo, tác giả sẽ tập trung theo hướng nghiên cứu sâu hơn về những tác động từ bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng nói riêng và di sản văn hóa nói chung ở Đồng Nai.
Hãy là người bình luận đầu tiên