Tên đề tài: Ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Phật giáo đến giáo dục đạo đức gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 922.90.01
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Bích Cần
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Vũ Văn Gầu, TS. Đào Tuấn Hậu
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ VI trước Công nguyên, với các giá trị cốt lõi như từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha…v.v… tư tưởng đạo đức Phật giáo hướng con người đến nếp sống bình đẳng và hướng thiện; không chấp trước vào danh lợi, vật chất, luôn giữ được tâm hồn thanh tịnh;...v.v... đó là nền đạo đức dựa trên hành động thiết thực của mỗi cá nhân; xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Vì vậy, việc áp dụng các giá trị này vào cuộc sống hàng ngày sẽ giúp mỗi cá nhân trở thành những người tốt hơn và góp phần xây dựng gia đình, xã hội tốt đẹp hơn.
Ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, nhất là thời kỳ công nghệ số, đời sống của các gia đình Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến quan trọng về mọi mặt như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục,…v.v… gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, các chức năng của gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh đang cũng có nhiều biến đổi, tác động tiêu cực đến các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình. Thực trạng suy thoái về đạo đức; ý thức củng cố và lưu giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình chưa được xem trọng đúng mức, điều này có thể gây nên sự thiếu hụt văn hóa, đạo đức trong xã hội, giảm sút các giá trị truyền thống và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, việc phát huy các giá trị tích cực của tư tưởng đạo đức Phật giáo cũng sẽ là một trong các nhân tố góp phần không nhỏ trong việc giáo dục đạo đức, điều chỉnh hành vi và lối sống cho các thành viên trong gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
2. Những kết quả của luận án
Một là, trên cơ sở làm rõ nội dung tư tưởng đạo đức Phật giáo, luận án chỉ ra các ảnh hưởng tích cực và các hạn chế phát sinh của tư tưởng đạo đức Phật giáo đến giáo dục đạo đức trong gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, luận án đưa ra các dự báo và đề xuất một số khuyến nghị để phát huy mặt tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực của tư tưởng đạo đức Phật giáo đối với việc giáo dục đạo đức trong gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án góp phần cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách, hướng tới xây dựng kế hoạch phục vụ công tác tham mưu của các đơn vị chức năng trong việc đề xuất chủ trương, chính sách, chương trình đối với công tác giáo dục của gia đình và phát huy tầm ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Phật giáo đến giáo dục đạo đức gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Luận án còn có giá trị tham khảo bổ ích phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về triết học xã hội, triết học tôn giáo, đạo đức; gia đình...v.v... cho các cá nhân và tổ chức quan tâm lĩnh vực này.
Hãy là người bình luận đầu tiên