Trong 30 năm phát triển, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã không ngừng mở rộng hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp, tạo ra những thành tựu đáng tự hào trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, và phục vụ cộng đồng. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.

Đồng hành cùng địa phương: Kết nối tri thức – Phát triển toàn diện
ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên và trực thuộc đã ký kết 249 văn bản hợp tác với 31 tỉnh, thành phố và các triển khai hàng trăm hoạt động, chương trình hợp tác với các địa phương hàng năm, tập trung vào 03 nhóm hoạt động chính: Góp ý, tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch và chiến lược phát triển; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Hợp tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tính riêng giai đoạn 2021-2025, ĐHQG-HCM đã cũng các địa phương thực hiện 412 hoạt động, chương trình hợp tác, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Đặc biệt, các dự án, chương trình tư vấn trên các lĩnh vực nông thôn mới, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, quy hoạch du lịch và làng nghề, lịch sử - văn hoá được triển khai thành công đã mang lại những tác động thực tiễn lớn cho các địa phương.
Một điểm sáng khác trong hợp tác với địa phương chính là việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sinh viên ĐHQG-HCM. Từ ý tưởng và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Minh Triết, đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng về việc xây dựng ký túc xá từ nguồn đầu tư của địa phương và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, khu ký túc xá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với hơn 50.000 chỗ ở đã được hoàn thành. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, ký túc xá đã tạo điều kiện cho gần 450.000 sinh viên có nơi ở an toàn, tiện nghi.
Các hoạt động phục vụ cộng đồng của thanh niên, sinh viên, học sinh ĐHQG-HCM cũng góp phần quan trọng vun đắp mối quan hệ bền chặt giữa ĐHQG-HCM với các địa phương; tiêu biểu như chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của thanh niên, sinh viên chiến dịch Kỳ nghỉ hồng của cán bộ, viên chức, người lao động trẻ; chiến dịch Hoa phượng đỏ của học sinh trường Phổ thông Năng khiếu đã ghi đậm dấu ấn tại nhiều tỉnh thành trong các năm qua. Với sự tham gia của gần 100.000 lượt thanh niên, sinh viên, học sinh, các chương trình đã huy động được nguồn lực của xã hội khoảng 500 tỷ đồng và triển khai thực hiện được 11.000 công trình thanh niên: xây và sửa chữa 1.500 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà tình bạn; bê tông hóa, nâng cấp, sửa chữa 230 km đường, 90 cầu nông thôn; lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên150 tuyến đường nông thôn, tuyến hẻm; trồng 120.000 cây xanh…
.jpg)
Hợp lực cùng doanh nghiệp: Phát triển nhân lực – Thúc đẩy sáng tạo
ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên và trực thuộc đã kết nối, phát triển hợp tác với hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Becamex IDC, Tập đoàn Hoa Sen, Samsung, Intel, VinaCapital,... Hàng năm, ĐHQG-HCM cung cấp cho thị trường lao động khoảng 20.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Các doanh nghiệp đã cùng các trường thành viên ĐHQG-HCM xây dựng nhiều chương trình thực tập sinh, tài trợ xây dựng các phòng thí nghiệm, cung cấp phần mềm phục vụ giảng dạy tạo điều kiện cho sinh viên ĐHQG-HCM có cơ hội học tập, thực hành thực tế, nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng tìm việc làm tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao của các doanh nghiệp tham gia vào Hội đồng ĐHQG-HCM, Hội đồng trường của các trường đại học thành viên và các hội đồng khoa học đào tạo ở cả cấp ĐHQG-HCM và cấp các trường thành viên, đã có nhiều đóng góp, tư vấn quý báu cho các chiến lược phát triển của cả hệ thống ĐHQG-HCM. Ngoài ra, hoạt động góp ý xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo với sự tham gia của các đại diện các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do ĐHQG-HCM đào tạo.
.jpg)
ĐHQG-HCM và các đối tác doanh nghiệp đã cùng hợp tác thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tính riêng giai đoạn 2020-2024 đã có 225 dự án được thực hiện, mang đến nhiều giải pháp có giá trị cho các doanh nghiệp liên quan đến ứng dụng AI, dữ liệu lớn và tự động hóa trong quản lý sản xuất, năng lượng và môi trường. Kết quả của các dự án hợp tác này hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường.
Điểm nhấn quan trọng trong hoạt động hợp tác giữa ĐHQG-HCM và các doanh nghiệp là sự ra đời Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM (QPT). Đây là mô hình quỹ giáo dục với quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Từ ngày thành lập đến nay, QPT đã vận động và tham gia vận động tài trợ cùng các đơn vị thành viên, trực thuộc của ĐHQG-HCM được gần 400 tỷ đồng. Kinh phí tài trợ đã được sử dụng cho nhiều hoạt động chăm sóc học sinh, sinh viên, hỗ trợ công tác đào tạo, khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM. Tiêu biểu như:
-
Triển khai các chương trình học bổng: Chương trình học bổng toàn phần dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật (đã trao 178 suất); Chương trình học bổng vượt khó, học tốt dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có kết quả học tập tốt (đã trao 1050 suất); Chương trình học bổng thủ khoa tuyển sinh và thủ khoa tốt nghiệp (đã trao 272 suất); Chương trình học bổng Sau đại học dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc (đã trao 110 suất); cùng nhiều chương trình học bổng thường niên do các cá nhân, doanh nghiệp tài trợ (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Toshiba, Tập đoàn Posco, Tập đoàn Mitsubishi v.v…).
-
Triển khai Chương trình cho vay ưu đãi, không lãi suất, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chi trả toàn bộ hoặc một phần học phí: đã có 367 sinh viên được hỗ trợ vốn vay kể từ năm học 2020 - 2021 đến nay.
-
Tài trợ Quỹ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên ĐHQG-HCM nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng.
-
Tài trợ cho các hội nghị, hội thảo khoa học, các đề tài nghiên cứu, các dự án đào tạo và nghiên cứu của ĐHQG-HCM; khen thưởng giảng viên, sinh viên đạt thành tích nổi bật tại các kỳ thi quốc tế, trong công bố quốc tế,...
.jpg)
Nhìn lại 30 năm đồng hành và phát triển, hợp tác giữa ĐHQG-HCM với các địa phương và doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Với sự cam kết mạnh mẽ từ cả ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
Hãy là người bình luận đầu tiên