Tên luận án: Thúc đẩy sự chấp nhận chính phủ số tại việt nam:Vai trò của niềm tin, chất lượng quan hệ và sự tham gia mạng xã hội của người dân
Chuyên ngành: Quản lý công
Mã ngành: 9340403
Họ và tên NCS: Nguyễn Thị Uyên Trang
Giảng viên hướng dẫn: TS. Huỳnh Thị Ngọc Hiền
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Điểm mới của luận án
Luận án không chỉ đưa ra các phát hiện nghiên cứu mà còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa ba bài báo để làm rõ các điểm mới của luận án. Những điểm mới này không chỉ thể hiện sự đóng góp lý thuyết của luận án mà còn cho thấy cách ba bài báo liên kết chặt chẽ với nhau để giải quyết mô hình tổng thể của luận án và tạo ra một bức tranh toàn diện về sự chấp nhận dịch vụ chính phủ số, giúp định hướng và cung cấp nền tảng cho nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo trong quản trị công số.
Luận án đã xây dựng một khung lý thuyết tích hợp từ ba lý thuyết chủ chốt - lý thuyết quản trị tốt, mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), và lý thuyết xã hội công dân (SocioCitizenry). Điểm mới ở đây là cách tiếp cận tổng hợp, không chỉ phân tích từng yếu tố đơn lẻ mà còn làm rõ mối liên kết và tương tác giữa các yếu tố này. Ba bài báo đóng góp các khía cạnh khác nhau để tạo nên khung lý thuyết hoàn chỉnh bao gồm bài báo thứ nhất xác lập nền tảng về niềm tin thông qua các yếu tố quản trị như tính minh bạch và bảo mật, bài báo thứ hai bổ sung bằng cách làm rõ vai trò của các yếu tố công nghệ, cụ thể là tính hữu ích và dễ sử dụng, trong việc củng cố niềm tin và sự hài lòng, bài báo thứ ba mở rộng khung lý thuyết với yếu tố xã hội, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa công dân và Chính phủ. Sự kết hợp này mang lại một cái nhìn đa chiều về các yếu tố thúc đẩy niềm tin và chấp nhận dịch vụ chính phủ số. Khung lý thuyết này cung cấp một nền tảng vững chắc để nghiên cứu sự chấp nhận dịch vụ chính phủ số trong các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam.
2. Đóng góp của luận án
Nghiên cứu này đã mang lại những đóng góp quan trọng về lý thuyết, thực tiễn và khoa học, thông qua việc xây dựng một khung lý thuyết tích hợp với sự gắn kết chặt chẽ giữa ba bài báo. Những đóng góp này đã mở rộng hiểu biết và cung cấp một nền tảng lý thuyết và khoa học để phân tích hành vi công dân trong kỷ nguyên số hóa, đặc biệt khi áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.
2.1. Đóng góp về lý thuyết
Việc mở rộng mô hình mô hình TAM truyền thống này là điểm đóng góp lý thuyết quan trọng của luận án, khi nó cung cấp một cách tiếp cận toàn diện hơn để phân tích hành vi chấp nhận công nghệ của người dân, đưa ra các yếu tố mà chính phủ số cần chú trọng để tăng cường sự chấp nhận và hài lòng của công dân. Đây là một khung lý thuyết mới và có thể được điều chỉnh và áp dụng ở nhiều quốc gia đang phát triển khác.
Việc xác định vai trò trung gian của niềm tin là một đóng góp quan trọng cho lý thuyết về quản trị công, cho thấy rằng niềm tin không chỉ là yếu tố tâm lý riêng lẻ mà còn là cầu nối giữa công nghệ và quản trị, giúp công dân cảm thấy an tâm và tin tưởng khi tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến. Phát hiện này góp phần làm rõ hơn vai trò của niềm tin trong các mô hình lý thuyết về hành vi chấp nhận công nghệ.
Làm rõ vai trò của mạng xã hội trong mô hình quản trị hiện đạ, mạng xã hội không chỉ là kênh thông tin mà còn là nền tảng tương tác hai chiều, giúp công dân giám sát và góp ý về các hoạt động của Chính phủ. Vai trò của mạng xã hội đã được xác định rõ là công cụ thúc đẩy tính minh bạch của Chính phủ, từ đó nâng cao niềm tin và sự tham gia của công dân. Đây là một điểm bổ sung lý thuyết quan trọng, giúp mở rộng hiểu biết về mạng xã hội như một phần không thể thiếu trong quản trị công hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển. Xây dựng và duy trì mối quan hệ công dân - Chính phủ bền vững để duy trì sự tham gia và sự chấp nhận dài hạn
2.2. Đóng góp về khoa học
Bên cạnh những đóng góp về mặt lý thuyết, luận án cũng góp phần cung cấp những hiểu biết cần thiết về các yếu tố thúc đẩy sự chấp nhận chính phủ số và tham gia vào các dịch vụ chính phủ số, từ đó đưa ra những đóng góp khoa học quan trọng.
Xây dựng một mô hình nghiên cứu toàn diện về chính phủ số.
Củng cố vai trò của niềm tin trong lĩnh vực nghiên cứu chính phủ số.
Khẳng định vai trò của mạng xã hội trong xây dựng mối quan hệ công dân - Chính phủ.
2.3. Đóng góp về hàm ý quản trị
Đóng góp quản trị trong xây dựng niềm tin và mối quan hệ công dân - Chính phủ bằng cách xây dựng một môi trường quản trị minh bạch, bảo mật được đảm bảo và bảo vệ thông tin cá nhân của công dân. Đóng góp quản trị trong việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự hài lòng của công dân bằng việc đơn giản hóa và tối ưu hóa các quy trình dịch vụ công trực tuyến, và phát triển hệ thống hỗ trợ và phản hồi trực tuyến. Đóng góp quản trị trong việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ quản trị công hiệu quả. Tận dụng mạng xã hội làm kênh giao tiếp chính thức giữa công dân và Chính phủ. Mạng xã hội có thể được sử dụng như một kênh giao tiếp chính thức, giúp Chính phủ tiếp cận và lắng nghe ý kiến của công dân một cách hiệu quả. Các cơ quan nhà nước có thể sử dụng mạng xã hội để công khai thông tin, thu nhận phản hồi, và lắng nghe những ý kiến đóng góp từ công dân. Điều này tạo ra một kênh tương tác hai chiều, giúp chính quyền hiểu rõ hơn nhu cầu của công dân và từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công. Thúc đẩy trách nhiệm giải trình qua mạng xã hội.
Những hàm ý quản trị từ luận án này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện tính minh bạch, bảo mật, và sự dễ sử dụng của các dịch vụ chính phủ số. Đồng thời, việc tích hợp mạng xã hội và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với công dân cũng là những yếu tố then chốt để thúc đẩy sự chấp nhận và tham gia của công dân vào các dịch vụ này. Các nhà quản lý cần áp dụng những chiến lược này để phát triển các dịch vụ chính phủ số hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân, đặc biệt là trong bối cảnh các nước đang phát triển như Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên