Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ước mơ nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư
Sinh viên ĐHQG-HCM

Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ước mơ nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư

  • 26/12/2023
  • 5 giờ mỗi sáng, Trần Thảo Nguyên đón chuyến xe buýt đầu tiên của ngày, vượt quãng đường hơn 20km đến Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM. Đối với Nguyên, hành trình học vấn của em được thắp sáng và nối dài nhờ đường chỉ may của bà và mẹ, cùng những vòng xe xích lô mòn mỏi của ông ngoại.

    Nhờ tinh thần ham học hỏi và nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Trần Thảo Nguyên - sinh viên năm thứ 2 Khoa Kỹ thuật Hoá học, đã trở thành nhân vật trong tập thứ 3 của chương trình “Ước mơ cho em” và được trao học bổng trị giá 80 triệu đồng. Chương trình do Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp với Quỹ Xã hội Bảo an tổ chức.

    Trần Thảo Nguyên chia sẻ về chiếc máy may của bà ngoại tại chương trình “Ước mơ cho em”. Ảnh: NVCC

    Đậu hai trường đại học

    Ba của Thảo Nguyên qua đời vì căn bệnh ung thư khi em chỉ mới 8 tháng tuổi. Dẫu vậy, Nguyên chưa bao giờ cảm thấy tủi thân, bởi em được lớn lên trong vòng tay yêu thương, chở che của mẹ và ông bà ngoại.
    Nguyên kể ông ngoại của em năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn miệt mài đạp xe xích lô, mỗi cuốc khoảng 20 - 50 ngàn đồng, để kiếm thêm tiền trang trải chi phí cho gia đình. Còn bà ngoại và mẹ làm nghề may gia công tại nhà. Hầu hết áo quần của Nguyên đều do bà may cho.

    Nhìn bà ngoại đầu tóc bạc phơ cần mẫn ngồi bên chiếc máy may cũ để may áo cho em, Nguyên luôn cảm thấy biết ơn. Nguyên chỉ chiếc sơ mi trắng sọc xanh đang mặc rồi mỉm cười: “Chiếc áo này cũng là do bà may. Cả gia đình lúc nào cũng dành tình yêu thương cho em nên em cảm thấy rất hạnh phúc và đủ đầy”.

    Dù cuộc sống gia đình thường xuyên thiếu trước, hụt sau, nhưng Thảo Nguyên chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ học. Đối với Nguyên, học tập là con đường duy nhất giúp em và gia đình có được tương lai tốt đẹp hơn.

    “Em hiểu rằng nếu gặp trở ngại, mình không được nản lòng mà phải cố gắng vượt qua. Hơn nữa, vì hoàn cảnh khó khăn nên em càng phải nỗ lực để có thể gặt hái được những điều mình muốn” - Nguyên bày tỏ.

    Việc theo đuổi con đường học vấn cũng là cách Thảo Nguyên “viết tiếp” ước mơ của mẹ. Nguyên tâm sự: “Ngày xưa, mẹ em muốn làm giáo viên, nhưng nhà nghèo nên phải gác lại ước mơ đó. Đến bây giờ thì mẹ có một mong ước khác, đó là em có thể theo đuổi ước mơ của mình”. 

    Từ những con chữ đầu tiên mà mẹ dạy, Nguyên dần ấp ủ khát vọng đầu đời, đó là trở thành bác sĩ. Tuy vậy, khi nhận được giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Nguyên lại ngập ngừng vì học phí quá cao so với hoàn cảnh gia đình. Thế là Nguyên rẽ hướng sang ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa.

    Nguyên lý giải: “Nếu không thể làm bác sĩ để cứu chữa người bệnh, em muốn trở thành kỹ sư hóa dược, tìm ra phương pháp điều trị hay bào chế thuốc để giúp đỡ mọi người. Ngành học này cũng phù hợp với thế mạnh của em ở bậc THPT là môn hóa học”.

    Ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cựu sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, và ông Đinh Văn Mạnh - Chủ tịch Quỹ Xã Hội Bảo An, trao biểu trưng học bổng cho Trần Thảo Nguyên. Ảnh: NVCC

    Muốn nghiên cứu phương pháp trị ung thư

    Ngay từ đầu năm nhất, Thảo Nguyên đã chủ động tìm kiếm các học bổng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Ngoài học bổng khuyến khích học tập của trường, Nguyên còn được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, học bổng phát triển trẻ em của Saigon Children… Vậy nên từ năm nhất, Nguyên đã có thể tự chi trả học phí nhờ các nguồn học bổng. Đối với nữ sinh sinh năm 2004, học bổng là sự hỗ trợ rất lớn giúp em vững bước đến trường.

    Cuối tháng 10 vừa qua, khi biết tin mình được trao học bổng trị giá 80 triệu đồng và trở thành nhân vật trong tập thứ 3 của chương trình học bổng “Ước mơ cho em”, Thảo Nguyên cảm thấy rất bất ngờ và biết ơn.

    “Bên cạnh số tiền học bổng để trang trải học phí, chương trình còn trao cho em cơ hội mở lòng hơn với mọi người. Em hy vọng qua câu chuyện của mình, những bạn có hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm niềm tin và động lực để phấn đấu chinh phục ước mơ” - Nguyên bộc bạch.

    Thảo Nguyên cũng gặp không ít áp lực trong việc duy trì thành tích, vì hầu hết học bổng đều yêu cầu sinh viên có học lực khá, giỏi. Đặc biệt là vào năm nhất, khi nữ sinh chưa quen với môi trường học tập mới, điểm trung bình học kỳ đầu chỉ khoảng 7,0.

    Nguyên thay đổi phương pháp học, tự giác và kỷ luật hơn, đọc thêm tài liệu, sách tham khảo để cải thiện điểm số. Từ một cô bé rụt rè, Nguyên mạnh dạn kết nối bạn bè trong khoa hơn, có một nhóm bạn cùng học tập, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. 

    Ngoài việc học, Thảo Nguyên còn tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các chương trình tình nguyện như Mùa hè Xanh, Xuân Tình nguyện của khoa để trau dồi kỹ năng mềm.

    Trở về nhà sau mỗi buổi học, Nguyên lại tất bật phụ bà, mẹ may áo quần và công việc nhà. Những lúc rảnh rỗi, Thảo Nguyên tranh thủ học tiếng Anh và đọc tài liệu để chuẩn bị cho việc nghiên cứu khoa học vào đầu năm thứ 3.

    Nguyên im lặng hồi lâu rồi mới cất lời: “Ba em mất vì bệnh ung thư. Mẹ kể cho em về những ngày cuối ba nằm trên giường bệnh, ba đã rất đau đớn cả về tinh thần lẫn thể chất. Đó là động lực để em theo đuổi con đường nghiên cứu điều trị bệnh ung thư”.

    Thảo Nguyên đã manh nha ý tưởng ban đầu về đề tài NCKH, đó là nghiên cứu về cây xạ đen - loại cây được trồng phổ biến ở tỉnh Hòa Bình. Theo Nguyên, trong cây xạ đen có hợp chất flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, giúp phòng chống bệnh ung thư. Hiện tại, Nguyên liên hệ các giảng viên trong khoa để xin vào phòng thí nghiệm, học hỏi kinh nghiệm cũng như trao đổi thêm về hướng nghiên cứu.

    Nữ sinh cũng có những hình dung ban đầu về hành trình của bản thân trong 3 năm tới. Cuối năm nay, Nguyên sẽ đăng ký chương trình đào tạo liên thông đại học - thạc sĩ. Thay vì mất 6 năm, chương trình này giúp Nguyên rút ngắn thời gian học còn 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, Nguyên dự định làm nghiên cứu viên tại các công ty hóa dược.

    Nguyên mỉm cười rạng rỡ: “Ông bà và mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho em. Vậy nên em muốn có một công việc ổn định để cuộc sống gia đình em sau này đỡ khổ hơn, ông bà có thể an hưởng tuổi già, mẹ luôn hạnh phúc và tự hào về em”.

    THU TRANG

    Kỳ thi ĐGNL là nền tảng để chinh phục kiến thức mới

    Để xét tuyển vào Trường ĐH Bách Khoa, Thảo Nguyên đã lựa chọn phương thức 5 xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí, gồm kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG-HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ THPT.

    Vốn học đều các môn nên Nguyên làm khá tốt ở bài thi ĐGNL. Dù đạt số điểm không như kỳ vọng nhưng nữ sinh cho rằng đây là một trải nghiệm đáng giá, giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước.

    “Kỳ thi ĐGNL yêu cầu kiến thức đa dạng, từ các môn tự nhiên, xã hội đến tư duy logic và phân tích số liệu. Đây là một sân chơi bổ ích giúp em kiểm tra năng lực của mình. Việc tham gia kỳ thi cũng giúp em có nền tảng vững chắc để tiếp tục chinh phục những kiến thức mới ở bậc đại học” - Nguyên bày tỏ.

     

    Là người cần mẫn và kiên trì

    Cô Phạm Thị Mỹ Ngọc - mẹ của Thảo Nguyên, cho biết Nguyên rất cần mẫn và kiên trì. Ngày nào cũng học bài đến tận 12 giờ khuya, hôm nào nhiều bài tập thì 2 giờ sáng mới chịu đi ngủ.

    “Hồi trước, Nguyên ít nói và sống khép kín lắm, không dám đi chơi với bạn hay chi xài gì nhiều, chỉ xin mẹ đủ số tiền đi xe buýt. Giờ thấy con cởi mở với bạn bè hơn, có nhóm bạn cùng học tập, tôi mừng lắm. Tôi mong Nguyên sẽ học thành tài để có cuộc sống tốt hơn sau này” - cô Ngọc bộc bạch.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên