Tin tức - Sự kiện

Hoạt động xuất bản ở Sài Gòn – Chợ Lớn (1861-1939) - NCS. Dương Thành Thông

  • 30/06/2025
  • Tên luận án: Hoạt động xuất bản ở Sài Gòn – Chợ Lớn (1861-1939)
    Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
    Mã số: 9229013
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Dương Thành Thông
    Người hướng dẫn khao học: 1. TS. Lê Hữu Phước, 2. TS. Hồ Sơn Diệp
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án 
    Luận án “Hoạt động xuất bản ở Sài Gòn - Chợ Lớn (1861-1939)” tập trung nghiên cứu một cách hệ thống diện mạo và đặc điểm của hoạt động xuất bản tại trung tâm Nam Kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc. Nghiên cứu làm rõ bối cảnh lịch sử, xã hội và chính trị tác động đến ngành xuất bản, đồng thời phân tích sự phát triển của công nghệ in ấn hiện đại và hệ thống các nhà in, nhà xuất bản, thư xã tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Trọng tâm nghiên cứu là các ấn phẩm sử dụng chữ Latin, bao gồm tiếng Pháp và quốc ngữ, qua đó làm nổi bật vai trò của xuất bản phẩm trong đời sống chính trị - xã hội, văn hóa, giáo dục và phong trào dân tộc, dân chủ tại Nam Kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. 
    Phương pháp nghiên cứu chủ yếu dựa trên phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kết hợp phương pháp lịch sử, logic và tiếp cận liên ngành nhằm đánh giá khách quan các hiện tượng, sự kiện trong bối cảnh vận động và chuyển hóa xã hội. Nguồn tư liệu bao gồm tài liệu lưu trữ, ấn phẩm báo chí, tác phẩm văn học cùng các công trình nghiên cứu đã công bố. 
    Kết quả nghiên cứu đã cho thấy hoạt động xuất bản ở Sài Gòn - Chợ Lớn không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là một mặt trận chính trị - văn hóa quan trọng, nơi các giá trị truyền thống và tinh thần khai phóng mới giao thoa và tranh đấu. Xuất bản phẩm đã góp phần quan trọng trong việc định hình ý thức dân tộc, thúc đẩy phong trào yêu nước, đồng thời phản ánh sự phức tạp của xã hội thuộc địa Nam Kỳ. Luận án góp phần bổ khuyết khoảng trống nghiên cứu lịch sử ngành xuất bản Nam Kỳ, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển văn hóa và xuất bản hiện đại.
    2. Những kết quả của luận án
    - Luận án làm rõ bối cảnh lịch sử, chính trị và xã hội của Sài Gòn - Chợ Lớn trong giai đoạn 1861-1939, đồng thời phân tích tác động của chính sách thuộc địa Pháp đến hoạt động xuất bản.
    - Nghiên cứu khẳng định sự phát triển vượt bậc của hệ thống nhà in, nhà xuất bản và công nghệ in ấn hiện đại sử dụng chữ Latin tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
    - Luận án phân loại và làm rõ đặc điểm các loại xuất bản phẩm chính, từ báo chí đến sách giáo khoa và văn học, phản ánh sự đa dạng và ảnh hưởng của ngành xuất bản trong đời sống xã hội.
    - Nghiên cứu chứng minh vai trò quan trọng của hoạt động xuất bản trong việc truyền tải tư tưởng, thúc đẩy phong trào dân tộc và phản ánh các diễn biến xã hội, chính trị ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc.
    - Hoạt động xuất bản được nhận diện như một “mặt trận tư tưởng” nơi giao thoa và đấu tranh giữa các quan điểm thực dân và ý thức dân tộc, góp phần làm thay đổi nhận thức và tư duy xã hội.
    - Luận án góp phần bổ sung và làm rõ bức tranh lịch sử về đời sống văn hóa - xã hội Nam Kỳ, đồng thời tạo cơ sở khoa học cho các nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển ngành xuất bản hiện đại.
    - Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Kết quả luận án cung cấp cơ sở khoa học quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển ngành xuất bản, góp phần xây dựng môi trường đọc lành mạnh, nâng cao nhận thức văn hóa - lịch sử trong cộng đồng và hỗ trợ nghiên cứu liên ngành về lịch sử, văn hóa, truyền thông.
    Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai, như: hoạt động xuất bản bằng chữ Hán; vai trò cụ thể của các cá nhân và tổ chức xuất bản tiêu biểu; phạm vi ảnh hưởng của ấn phẩm ra ngoài Sài Gòn - Chợ Lớn;tác động lâu dài của các chính sách kiểm duyệt và cộng trị. Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và khai thác tư liệu xuất bản thời kỳ Pháp thuộc cũng là hướng nghiên cứu có thể mở rộng.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên