Tin tổng hợp

Khi sinh viên xếp hàng nghe chuyện... trên trời

  • 11/09/2017
  • Chiều 22/7, dù đến 3 giờ, buổi gặp gỡ với GS Gerardus’t Hooft (chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 1999) mới chính thức diễn ra, nhưng hơn 1.000 sinh viên, học sinh đến từ các trường thành viên ĐHQG-HCM cũng như các trường ĐH, THPT tại TP.HCM đã có mặt ở Trường ĐH Bách Khoa. Hội trường A5 hơn 900 chỗ ngồi chật kín người, nhiều bạn trẻ đến muộn phải đứng, ngồi xếp hàng nguyên buổi nhưng vẫn rất háo hức.

    Hơn 1.000 sinh viên tham dự buổi nói chuyện với GS Gerardus’t Hooft.

        Đây không phải là lần đầu tiên sinh viên xếp hàng để nghe chuyện... trên trời, để tiếp cận với khoa học cơ bản. Ngày 13/7/2016, buổi nói chuyện của GS Trịnh Xuân Thuận (Trường ĐH Virginia, Mỹ) cũng làm hội trường này “không có chỗ chen chân”.

        Ai cũng biết trước, chủ đề mà các giáo sư mang đến buổi nói chuyện không hề “nhẹ nhàng” chút nào, toàn là chuyện “trên trời”: GS Gerardus’t Hooft nói về những quy luật vận động cơ bản của tự nhiên; GS Trịnh Xuân Thuận nói về nguồn gốc vũ trụ, số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó, con đường đến vũ trụ… 

        Nhưng những buổi nói chuyện “hóc búa” đó vẫn khiến hàng ngàn bạn trẻ say sưa lắng nghe và liên tục đặt câu hỏi. Có bạn hiểu chuyên môn chất vấn trực tiếp với các giáo sư, nhưng cũng có bạn hỏi về những câu chuyện ngoài lề như trăn trở về khoa học, về định hướng nghiên cứu. Và thậm chí, có bạn muốn lắng nghe các giáo sư chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học, mặc dù những thông tin ấy đầy trên Internet, nhưng như chính bạn trẻ đó chia sẻ “nghe các giáo sư nói cảm thấy có động lực hơn nhiều”.

        Nhìn vào hai buổi nói chuyện, nhìn lại thực tế để thấy một điều rằng: Rất nhiều người trẻ quan tâm đến khoa học cơ bản, nhưng chưa đủ đam mê để theo đuổi nó. Hoặc họ phải tính toán nhiều trên con đường này, bởi điều kiện kinh tế xã hội nước ta hiện nay chưa thực sự tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho họ. Nhiều bạn trẻ vẫn lo sợ “học ngành cơ bản ra trường sẽ làm gì?”, trong khi mà họ có thể lựa chọn nhiều con đường khác, “an toàn” hơn.

        Sự kiện gặp gỡ GS Gerardus’t Hooft nghe “Các định luật cơ bản của tự nhiên”, hay sự kiện GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện vũ trụ có hàng ngàn người trẻ nhiệt thành tham dự đã minh chứng một điều: giới trẻ Việt Nam, trong đó đặc biệt là sinh viên hoàn toàn không thờ ơ với khoa học cơ bản. Và khi được nhen nhóm, tổ chức một cách bài bản thì sẽ thu hút nhiều người trẻ tìm đến.

        Hai buổi nói chuyện, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, rất nhiều cánh tay giơ lên với mong muốn trò chuyện cùng những giáo sư đầu ngành cho thấy khát khao về khoa học cơ bản vẫn còn đó. Và hơn hết, những buổi nói chuyện này chính là những lần “tiếp lửa”, truyền đam mê cho người trẻ.

    Đức Lộc