Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu tác động của hạn hán lên sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận và xây dựng giải pháp thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu - NCS. Nguyễn Hoàng Tuấn

  • 16/09/2024
  • Tên đề tài: Nghiên cứu tác động của hạn hán lên sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận và xây dựng giải pháp thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu
    Ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
    Mã số ngành: 62850101
    Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Hoàng Tuấn
    Khóa đào tạo: 2016 - 2019
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trương Thanh Cảnh
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG.HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án:
    Ninh Thuận được xem là một trong những vùng khô hạn bậc nhất trên cả nước, là khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt và gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với các mục tiêu nghiên cứu hiện trạng ngành trồng trọt trong điều kiện hạn hán, nghiên cứu xu thế biến đổi nhiệt độ, lượng mưa và hạn hán và xây dựng được các nhóm giải pháp thích ứng cho hoạt động trồng trọt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở tỉnh Ninh Thuận. Luận án đã sử dụng các nhóm phương pháp nghiên cứu như: phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp xác định xu thế, phương pháp đánh giá hạn, và phương pháp đánh giá và đề xuất giải pháp.
    Kết quả nghiên cứu về hiện trạng canh tác ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận cho thấy trong giai đoạn 2006–2016, ngành trồng trọt ở Ninh Thuận đã có sự phát triển mạnh mẽ với xu hướng đa dạng hóa cây trồng và áp dụng nhiều mô hình canh tác hiệu quả. Tuy nhiên, ngành trồng trọt vẫn gặp phải nhiều thách thức liên quan đến khí hậu khô nóng, thiếu nước và đất đai kém chất lượng, cùng với vấn đề quản lý tổ chức không hiệu quả.
    Về tác động của hạn hán đến ngành trồng trọt ở Ninh Thuận: Trong giai đoạn 2006–2016, nhiệt độ trung bình tăng 0,0400C/năm và lượng mưa trung bình năm giảm 5,942 mm/năm. Hạn khí tượng xuất hiện trên 15%, với hạn nhẹ chiếm hơn 70% trong giai đoạn 2006–2016. Đối với hạn nông nghiệp, chủ yếu là hạn nặng với MI trung bình 0,59. Giai đoạn 2006–2016, hạn hán đã giảm năng suất và sản lượng của nhiều cây trồng, trong đó lúa vụ Mùa giảm trung bình 0,8%, và các cây trồng ngắn ngày khác giảm 0,3–0,9% trừ cây có hạt chứa dầu.
    Luận án đã đề xuất cho ngành trồng trọt với các giải pháp như: Triển khai các giải pháp hỗ trợ như chính sách chuyển đổi trong trồng trọt, bảo hiểm nông nghiệp, mở rộng thị trường nông sản, và đầu tư vào khoa học công nghệ. Các biện pháp kiểm soát tác động của hạn hán bao gồm đánh giá rủi ro, đào tạo nhân lực, và đầu tư hệ thống cảnh báo thiên tai. Cần thiết quy hoạch sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao và chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp với điều kiện nước tưới. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và tưới tiêu theo vùng trọng điểm cũng là giải pháp quan trọng để cải thiện khả năng ứng phó với hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
    2. Những kết quả mới của luận án:
    Luận án đã đánh giá được đặc điểm, xu thế biến đổi nhiệt độ, lượng mưa và xác định được xu hướng biến đổi theo từng khu vực của tỉnh Ninh Thuận.
    Đã tính toán và phân tích được số tháng hạn, tần suất, phân bố mức độ khắc nghiệt và xu thế biến đổi của hạn khí tượng và hạn nông nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận. Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu về hạn hán ở Ninh Thuận, tuy nhiên chưa có một nghiên cứu thật sự đầy đủ để đánh giá hạn hán một cách chi tiết liên quan đến mức độ nghiêm trọng, sự phân bố theo không gian và thời gian, tần suất, quy mô, và xu thế biến đổi hạn hán. Do đó, kết quả nghiên cứu giúp cung cấp nguồn thông tin đầy đủ về sự hiện diện các loại hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
    Luận án đã xác định và đề xuất các nhóm giải pháp cho ngành trồng trọt ở tỉnh Ninh Thuận bằng mô hình ra quyết định đa tiêu chí. Mặc dù, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có đưa ra những giải pháp cho phát triển ngành trồng trọt liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn hán nhưng các giải pháp thích ứng đó chưa đánh giá được thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong và ngoài địa phương. Do đó, đề xuất các giải pháp dựa trên sự kết hợp hai phương pháp định tính và định lượng cũng sẽ góp phần cơ sở khoa học cho đề xuất các giải pháp dựa trên mô hình ra quyết định đa tiêu chí cho từng đối tượng cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu về xu thế biến đổi nhiệt độ, lượng mưa bằng phương pháp phi tham số.
    Cung cấp những cơ sở khoa học để tỉnh Ninh Thuận có chính sách phát triển nông nghiệp dựa trên xu thế biến đổi của các yếu tố khí tượng và hạn hán.
    Luận án cung cấp cách tiếp cận trong đề xuất các giải pháp dựa trên các tiếp cận định tính và định lượng trên cơ sở khoa học để các cơ quan trong tỉnh Ninh Thuận sử dụng trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động trồng trọt trong việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ở các vùng hạn và nguy cơ hạn.
    Các công việc cần tiếp tục nghiên cứu như: Nghiên cứu vận dụng chỉ số SPI và MI thành công cụ giám sát và cảnh báo hạn hán cho tỉnh Ninh Thuận theo thời gian thực thông qua mô hình WebGIS.
    Đề xuất thử nghiệm mô hình SWOT – FANP cho hoạt động trồng trọt ở lưu vực sông Cái – Phan Rang.
    Nghiên cứu mô hình các bên liên quan trong xây dựng chiến lược quản lý toàn diện về hạn hán trên cơ sở quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước tưới trong bối cảnh hạn hán.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên