Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu folklore trong bối cảnh: Lý thuyết và ứng dụng (Trên cứ liệu tục ngữ trong văn học Việt Nam) - NCS. Lê Thị Thanh Vy

  • 11/11/2020
  • Tên đề án: Nghiên cứu folklore trong bối cảnh: Lý thuyết và ứng dụng (Trên cứ liệu tục ngữ trong văn học Việt Nam)
    Chuyên ngành: Lý luận văn học
    Mã số: 9220120
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Thanh Vy
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. Chu Xuân Diên
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Hướng tiếp cận bối cảnh được xem là một bước ngoặt quan trọng của folklore học Hoa Kỳ vào những năm 1970, giúp folklore học Hoa Kỳ tách ra khỏi cái bóng của nhân học cũng như của truyền thống folklore học châu Âu, đưa folklore Hoa Kỳ trở thành một nền folklore học có bản sắc, tương thích với tư liệu folklore học sưu tầm được ở Hoa Kỳ và gợi dẫn những hướng nghiên cứu đồng đại, trình diễn cho folklore học thế giới nói chung. Luận án tập trung khảo sát hướng tiếp cận này qua các công trình tiêu biểu, từ đó chỉ ra những đóng góp của hướng tiếp cận này trên các phương diện: định nghĩa folklore; nhìn lại, mở rộng nội hàm và bổ sung các khái niệm cơ bản của folklore học; tăng trưởng nhận thức mới về thể loại cũng như phương pháp sưu tầm và phân tích folklore. Dựa trên các đề xuất về mặt quan niệm và các bộ công cụ nghiên cứu folklore trong bối cảnh, luận án khảo sát sự sử dụng tục ngữ trong giao tiếp qua các tình huống cụ thể trong các tác phẩm văn học Việt Nam, tiến hành phân loại bối cảnh sử dụng của tục ngữ và đề xuất một cách xác định đặc trưng thể loại tục ngữ từ hướng tiếp cận bối cảnh. 
    + Những kết quả của luận án
    1. Trào lưu bối cảnh là một khuynh hướng nghiên cứu tập trung vào quan điểm phản đối việc sưu tầm, nghiên cứu folklore tách rời bối cảnh ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp, biểu đạt và diễn xướng của nó. Tôn chỉ mà trào lưu này hướng đến là đánh thức sự quan tâm đến folklore trong môi trường hoạt động, nhằm thiết lập lại sự cân bằng trong truyền thống nghiên cứu folklore vốn đặt nặng vấn đề văn bản. 
    2. Với quan niệm cơ bản là “folklore là một quá trình giao tiếp” và “folklore là giao tiếp trong nhóm nhỏ” (Dan Ben-Amos), các nhà folklore học thuộc trào lưu bối cảnh đã tiến hành các nghiên cứu liên quan đến bối cảnh sử dụng, tiến trình và tính chất giao tiếp của folklore trong những cảnh huống cụ thể. Để thực hiện điều này, các nhà bối cảnh luận đã tận dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành - nghiên cứu folklore với sự hỗ trợ của các công cụ xã hội học, dân tộc học, tâm lý học, ngôn ngữ học, v.v..
    3. Ngày nay, các khái niệm mà hướng tiếp cận này đề xuất nhấn mạnh như bối cảnh, giao tiếp, trình diễn, nhóm dân gian đã gia nhập vào cách hiểu đương đại về folklore; hoạt động sưu tầm, điền đã, văn bản hóa và phân tích folklore đã từng bước tham chiếu đến bối cảnh giao tiếp hẹp, có tính sự kiện/tình huống, qua đó cho thấy folklore có thể tham dự vào việc kiến tạo nên mối quan hệ năng động giữa các cá nhân trong cộng đồng ra sao. 
    4. Qua khảo sát 218 bối cảnh tình huống giao tiếp có sử dụng tục ngữ trong 66 tác phẩm văn học Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có hai loại bối cảnh sử dụng tục ngữ cơ bản là bối cảnh gắn với chức năng nhận thức và bối cảnh gắn với chức năng hành động của tục ngữ. Bối cảnh gắn với chức năng nhận thức là bối cảnh trong đó tục ngữ được sử dụng để nhận xét hoặc để giải thích về một sự việc, hiện tượng. Bối cảnh gắn với chức năng hành động là bối cảnh qua đó một câu tục ngữ được sử dụng để làm cơ sở cho hành động của chính người nói hay của người tham dự.  
    5. Từ hướng tiếp cận bối cảnh, thể loại tục ngữ có những đặc trưng chính sau: (1) Tục ngữ được truyền đạt chủ yếu bằng lời nói trong giao tiếp hằng ngày. Vị thế của người nói và người nghe thường là ngang hàng hoặc người nghe ở vị thế cao hơn. Người nói ở vị thế thấp hơn khi sử dụng tục ngữ cần có một số yêu cầu về tình huống, cách nói và công thức rào đón; (2) Sự sử dụng tục ngữ thường có một số công thức mở đầu, tuy nhiên, cách nhận biết trình diễn tục ngữ với tư cách là một hình thức diễn xướng văn học dân gian ngắn gọn nhất, khu biệt tục ngữ với các phát ngôn thông thường là nhờ những đặc trưng về vần, nhịp và hình ảnh; (3) Muốn hiểu được nghĩa sử dụng của tục ngữ trong một tình huống giao tiếp nhất định, phải xác định được nghĩa cơ bản của tục ngữ, sự đánh giá trình huống giao tiếp và chiến lược giao tiếp của người sử dụng. 
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Với những kết luận trên, luận án “Nghiên cứu folklore trong bối cảnh: Lý thuyết và ứng dụng (Trên cứ liệu tục ngữ trong văn học Việt Nam)” có thể là: 
    (1) Tài liệu tham khảo cho nghiên cứu tục ngữ, nghiên cứu văn học dân gian. 

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên