Tên luận án: Nghiên cứu và chuẩn hóa phương pháp phân tích hoạt độ phóng xạ mẫu môi trường dạng rắn sử dụng hệ phổ kế gamma độ phân giải cao
Ngành: Vật lý nguyên tử và hạt nhân
Mã số ngành: 62 44 05 01
Họ tên nghiên cứu sinh: Lê Quang Vương
Khóa đào tạo: 2016
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thiện Thanh, PGS.TS. Lê Công Hảo
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG-HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Luận án đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu đề ra, với một số đóng góp khoa học có ý nghĩa và có khả năng ứng dụng thực tiễn. Trước hết, phương pháp phân tích phổ gamma sử dụng hệ phổ kế HPGe được chuẩn hóa để xác định hoạt độ các đồng vị phóng xạ tự nhiên trong mẫu môi trường dạng rắn. Đồng thời, đường chuẩn hiệu suất ghi đỉnh năng lượng toàn phần (FEPE) được xây dựng từ phổ thực nghiệm của mẫu chuẩn RGU trong khoảng năng lượng từ 46,5 keV đến 2447,9 keV. Phương pháp phân tích sau khi được chuẩn hóa đã được kiểm chứng thông qua các mẫu chuẩn IAEA-434, IAEA-447 và RGTh.
Luận án cũng đã khảo sát ảnh hưởng chồng đỉnh tại vùng năng lượng 63 keV và 186 keV, góp phần nâng cao độ chính xác của phép đo. Phương pháp được đánh giá là phù hợp theo tiêu chuẩn IAEA và có thể áp dụng cho nhiều loại mẫu khác nhau, kể cả mẫu giàu thorium hoặc mẫu không đạt cân bằng phóng xạ. Cuối cùng, tác giả đã ứng dụng phương pháp vào phân tích mẫu môi trường thực, xác định hoạt độ phóng xạ, đồng thời tính toán các chỉ số nguy cơ phóng xạ như: hoạt độ tương đương radium, chỉ số nguy hiểm chiếu xạ ngoài và trong, suất liều hấp thụ và liều hiệu dụng hàng năm. Những kết quả này không chỉ minh chứng tính đúng đắn và tin cậy của phương pháp mà còn cho thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong giám sát và đánh giá an toàn phóng xạ môi trường.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Những vấn đề còn bỏ ngỏ và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Kiểm chứng thực nghiệm hệ số tự hấp thụ tại năng lượng 63,3 keV: mặc dù luận án đã triển khai tính toán hệ số tự hấp thụ tại năng lượng 63,3 keV bằng mô phỏng MCNP-CP và các kết quả tính toán khá phù hợp với một số nghiên cứu trước đó đã công bố, nhưng chưa có kết quả thực nghiệm kiểm chứng. Do vậy, trong tương lai cần thực hiện các công trình nghiên cứu tiếp theo nhằm đo đạc thực nghiệm hệ số tự hấp thụ tại năng lượng này nhằm xác minh và cải tiến các mô hình tính toán.
- Khảo sát hiệu suất ghi đỉnh năng lượng toàn phần (FEPE) và hiệu suất tổng (TE): luận án chỉ xây dựng đường chuẩn FEPE cho mẫu dạng hình học trụ sử dụng mẫu chuẩn RGU nhằm mục đích phân tích hoạt độ đồng vị phóng xạ. Tuy nhiên, để đánh giá ảnh hưởng của cấu trúc hình học đo đến hiệu suất ghi của đầu dò, cần khảo sát đường cong FEPE và TE với các nguồn điểm chuẩn đơn năng lượng. Từ đó, đường cong hiệu chỉnh hiệu suất có thể được sử dụng để so sánh, đánh giá với kết quả khi sử dụng mẫu chuẩn RGU.
- Mở rộng phân tích đối với các loại mẫu khác nhau: luận án chỉ tập trung xây dựng phương pháp phân tích cho các mẫu môi trường dạng rắn. Do vậy, cần thực hiện phân tích, đánh giá trên nhiều loại mẫu khác nhau (ví dụ như mẫu lỏng, mẫu thực vật, mẫu thực phẩm,…) để kiểm chứng và cải tiến phương pháp phân tích. Việc mở rộng này sẽ giúp xác định tính khả thi và độ chính xác của phương pháp phân tích đã chuẩn hóa.
Hãy là người bình luận đầu tiên