Cổng thông tin việc làm

Thất bại luôn mở ra một hướng đi mới

  • 27/03/2019
  • “Hãy chủ động tìm kiếm và trang bị cho mình kiến thức cơ bản, tham gia các nhóm nghiên cứu để tìm kiếm cơ hội học tập, mở mang kiến thức không chỉ từ sách vở mà từ mọi người xung quanh…”. Đó là những lời nhắn nhủ của Tôn Thất Vĩnh - chàng sinh viên đến từ xứ Huế của lớp Cử nhân tài năng Khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.

    Tôn Thất Vĩnh trao đổi cùng thầy hướng dẫn - PGS.TS Trần Minh Triết. Ảnh: Quốc Linh

    Tôn Thất Vĩnh là một trong 9 Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2018.

    Tin học như một môn nghệ thuật

    Niềm đam mê tin học của Tôn Thất Vĩnh bắt đầu từ năm lớp 10, khi học tại lớp chuyên Tin Trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Thất Vĩnh chia sẻ, tin học đã mang đến cho mình những niềm thú vị đặc biệt: “Tin học cũng như một môn nghệ thuật. Ở đó người học được khám phá những bài toán, thuật toán, những mã code, những ứng dụng… Và những thao tác trên máy tính như đang trình diễn nghệ thuật vậy”.

    Được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng Khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, Thất Vĩnh tâm sự rằng ngay từ năm II, Vĩnh đã chủ động tham gia nghiên cứu tại trường để học tập kiến thức, kỹ năng. Và ở môi trường này Thất Vĩnh được PGS.TS Trần Minh Triết cùng nhiều anh, chị khóa trước tận tình hướng dẫn. Con đường theo đuổi nghiên cứu khoa học của Vĩnh cũng bắt đầu từ đó.

    Trong suốt hai năm theo đuổi đam mê, với khả năng tự học tốt, chàng trai xứ Huế đã giành nhiều giải thưởng lớn. Nổi bật là giải Nhất kỳ thi Quốc tế SHREC’18 Track; hạng III kỳ thi quốc tế về lĩnh vực Video Segmentation tại hội nghị Quốc tế CVPR 2017; bằng khen dành cho sinh viên có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của ĐHQG-HCM…

    Đặc biệt, Tôn Thất Vĩnh đã có 6 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 2 bài đứng tên tác giả chính và 4 bài đồng tác giả được đăng tải tại các hội nghị khoa học công nghệ máy tính uy tín trên thế giới.

    Chia sẻ về những khó khăn trên con đường nghiên cứu khoa học, Thất Vĩnh cho biết điều khó nhất là thiếu kiến thức cơ bản. “Mình tham gia nghiên cứu từ năm II nên kiến thức còn nhiều lỗ hổng. Thế nhưng, khi được làm việc cùng một nhóm, có thầy giáo hướng dẫn, có mọi người giúp đỡ, chia sẻ với nhau nên lượng kiến thức lẫn kỹ năng được bù đắp một cách nhanh chóng. Quãng thời gian ấy, mình cảm thấy may mắn vì gặp được những người thầy như PGS.TS Trần Minh Triết. Thầy rất nhiệt tình, hướng dẫn mình từ những kiến thức cơ bản đến những kiến thức mới cập nhật. Thầy luôn cổ vũ mình chủ động thử những ý tưởng mới, và giúp đỡ mình đánh giá mọi thứ một cách khoa học. Mình cảm thấy thật sự rất may mắn khi là một trong những sinh viên được thầy hướng dẫn” - Vĩnh tâm sự.

    Nói về người học trò của mình, PGS.TS Trần Minh Triết nhận xét: “Vĩnh có khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, làm việc kiên trì, tinh thần trách nhiệm cao, cộng với kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề sắc sảo nên trong quá trình nghiên cứu, em đã đề xuất được các giải pháp tiềm năng để đạt kết quả tốt”.

    Thất bại hay thành công đều là động lực

    Trong suốt hai năm cọ xát với những cuộc thi trong nước cũng như quốc tế, chàng sinh viên năm IV đã có những trải nghiệm thú vị cùng nhóm nghiên cứu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích.

    Vĩnh kể, có lần nhóm nghiên cứu của Vĩnh tham gia kỳ thi DAVIS Challenge 2017 với tinh thần “học hỏi kinh nghiệm là chính” nên không đặt nặng vấn đề kết quả. Tuy nhiên, khi công bố nhóm của Vĩnh giành hạng III chung cuộc, một điều mà cả nhóm rất bất ngờ.

    “Mình rất ngạc nhiên và vui sướng khi nhận được kết quả dù mình chỉ là người hỗ trợ nhóm nghiên cứu. Từ đó mình tin tưởng rằng, dù ở đâu, mình cũng có thể tìm ra được những giải pháp có kết quả cao. Kỳ thi đó giúp mình thêm động lực, tự tin để tiếp tục tham gia nhóm và cùng mọi người đạt được những thành công khác” - Thất Vĩnh khẳng định.

    Một lần khác, Vĩnh cùng nhóm nghiên cứu tham gia kỳ thi quốc tế. Lúc đầu, nhóm tự tin về phương pháp tiếp cận. Vậy nên, dù phương pháp này đòi hỏi thực hiện nhiều thí nghiệm kéo dài, nhóm vẫn quyết định theo kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, nhóm phát hiện thí nghiệm đó không tốt như mong muốn. Vĩnh chia sẻ: “Sau cuộc thi lần đó mình rút ra là không nên chủ quan trong khi làm việc. Mình chỉ nên dùng nó như một thứ để định hướng cho những công việc, hay hướng phát triển tiếp theo mà thôi”.

    Khi được hỏi về những tiếc nuối trong những cuộc thi nghiên cứu khoa học, chàng sinh viên 22 tuổi tự tin trả lời rằng bản thân chưa cảm thấy hối tiếc trong bất kỳ giải thưởng hay cuộc thi nào cả. Thất Vĩnh cho rằng: “Để hoàn thành một công trình nghiên cứu không thể tránh khỏi những thất bại… Với những ai đam mê nghiên cứu khoa học, thì từ thất bại, biết đâu nó mở ra cho bạn một hướng đi mới”.

    Hãy cứ dấn thân

    Cuối tháng 9 vừa qua, Vĩnh trở về nước sau hơn 3 tháng thực tập tại Trường ĐH Illinois, Mỹ. Vĩnh cho biết đã học hỏi được nhiều điều bổ ích trong thời gian sinh hoạt và nghiên cứu trên đất nước hàng đầu về công nghệ.

    Những ngày đầu trên xứ cờ hoa, Vĩnh không khỏi bỡ ngỡ vì sự khác biệt ngôn ngữ cũng như văn hóa của phương Tây. “Khó khăn đầu tiên là về ngôn ngữ, mặc dù có cố gắng chuẩn bị rất nhiều. Mình đã chủ động giao tiếp với mọi người, để có thể hòa nhập nhanh hơn. Ngoài ra còn có những khó khăn khác như việc tìm kiếm chỗ ở trong thời gian ngắn hạn, việc đi lại, quá trình hoàn thành các thủ tục… Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của  mọi người ở phòng nghiên cứu tại Mỹ nên mọi việc đều ổn thỏa cả” - Thất Vĩnh nhớ lại.

    Cũng trong kỳ thực tập này, Vĩnh tiếp cận hướng nghiên cứu khá mới mẻ, đề xuất ý tưởng tách tế bào trong ảnh y khoa. Ở cuộc thi về tách tế bào trong ảnh y khoa tại hội nghị hàng đầu thế giới về ứng dụng tin học trong y khoa, bên cạnh chuyên gia tên tuổi thì Vĩnh, chàng sinh viên năm IV đã nhận kết quả xuất sắc.

    Thất Vĩnh cũng có cơ hội tham gia vào hội nghị CVPR 2018, được xem là hội nghị lớn nhất thế giới về lĩnh vực thị giác máy tính. “Ở đó mình đã gặp rất nhiều người xuất sắc trong lĩnh vực, được nghe họ trình bày những phương pháp, những bài nghiên cứu mới nhất. Có những công trình mình hoàn toàn không hiểu họ nói về cái gì, về kiến thức gì, đôi khi cả ngôn ngữ luôn. Nhưng mà nó để lại tác động lớn, thôi thúc mình hơn trong quá trình học tập” - Vĩnh tâm sự.

    Trong khoảng thời gian ở Mỹ, Vĩnh chỉ có hai ngày cuối cùng để thăm thú Chicago. Còn lại, chàng sinh viên năm IV dành hết cho các công trình nghiên cứu của mình. Tôi hỏi Vĩnh rằng liệu có cảm thấy áp lực hay mất cân bằng trong cuộc sống hay không. Vĩnh chỉ cười bảo: “Vừa học ở trường, vừa tham gia nhóm nên đôi khi cũng hơi căng thẳng. Nhưng mình vui với nó. Mình nghĩ rằng còn trẻ thì có thể mất cân bằng một chút cũng không sao, đổi lại mình sẽ có nhiều trải nghiệm mới, nhiều kiến thức mới”.

    NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên