Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Mối quan hệ giữa đa dạng kinh tế và dấu ấn sinh thái tại Việt Nam - NCS. Phan Thị Liệu
Tin tức - Sự kiện

Mối quan hệ giữa đa dạng kinh tế và dấu ấn sinh thái tại Việt Nam - NCS. Phan Thị Liệu

  • 07/02/2025
  • Tên luận án: Mối quan hệ giữa đa dạng kinh tế và dấu ấn sinh thái tại Việt Nam    
    Chuyên ngành: Kinh tế học                       
    Mã số: 9310101    
    Họ tên NCS: Phan Thị Liệu         
    Mã số NCS: N20702004    
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Trần Quang Văn, TS. Nguyễn Thanh Trọng    
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Các nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng đa dạng kinh tế không chỉ có mối quan hệ đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong tương lai, mà còn đối với môi trường sinh thái. Tuy nhiên, mối quan hệ này có sự khác biệt khi thực nghiệm ở các quốc gia và khu vực khác nhau. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có mức độ đa dạng kinh tế thấp, thể hiện thông qua cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chưa đa dạng, tính phổ biến cao. Cùng với đó, sự gia tăng nhanh của dấu ấn sinh thái tại Việt Nam trong những năm gần đây làm dấy lên lo ngại về mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng trưởng và phát triển kinh tế theo chiều sâu, tiến tới đa dạng nền kinh tế và giảm thiểu suy thoái môi trường. Điều này đặt ra mối quan tâm Việt Nam có thể cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu về đa dạng kinh tế và giảm thâm hụt dấu ấn sinh thái? Liệu có hay không sự đánh đổi giữa hai mục tiêu đa dạng kinh tế và giảm suy thoái môi trường tại Việt Nam? Xuất phát từ lý do đó, nghiên cứu này tập trung phân tích, làm rõ mối quan hệ giữa đa dạng kinh tế và dấu ấn sinh thái tại Việt Nam. Trong đó, đa dạng kinh tế được đo lường dựa trên sự đa dạng và phức tạp trong giỏ hàng xuất khẩu một quốc gia, thông qua chỉ số phức hợp kinh tế theo tiếp cận của Hausmann-Hidalgo. Dấu ấn sinh thái sản xuất được sử dụng đại diện cho mức độ ảnh hưởng từ các hoạt động của con người lên môi trường. Dựa trên mô hình nghiên cứu và phương pháp ước lượng, tác giả thực hiện phân tích thực nghiệm mối quan hệ giữa đa dạng kinh tế và dấu ấn sinh thái tại Việt Nam. Thông qua dữ liệu chuỗi thời gian giai đoạn 1986-2022 và phương pháp ước lượng tự hồi quy phân phối trễ ARDL, tác giả làm rõ ảnh hưởng của đa dạng kinh tế lên dấu ấn sinh thái. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dấu ấn sinh thái lên đa dạng kinh tế của Việt Nam trong mối quan hệ với một số quốc gia đang phát triển khu vực Đông Nam Á cũng được phân tích thông qua phương pháp ước lượng nhóm trung bình gộp PMG. Kết quả ước lượng cho thấy tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa đa dạng kinh tế và dấu ấn sinh thái. Đa dạng kinh tế ảnh hưởng lên dấu ấn sinh thái theo hình chữ U ngược. Ở chiều ngược lại, dấu ấn sinh thái ảnh hưởng ngược chiều có ý nghĩa thống kê lên đa dạng kinh tế trong dài hạn. Dựa trên kết quả phân tích thực nghiệm, một số hàm ý chính sách giúp giảm thiểu thâm dụng dấu ấn sinh thái, đặc biệt là các chính sách dựa trên đa dạng kinh tế được đề xuất. Điều này không chỉ góp phần làm giảm thiểu dấu ấn sinh thái, mà còn là cơ sở giúp gia tăng mức độ đa dạng của nền kinh tế tại Việt Nam.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Một trong những điểm nổi bật mà nghiên cứu này đạt được đó là kiểm tra có hay không tồn tại đường cong Kuznets về môi trường trong ảnh hưởng của đa dạng kinh tế lên dấu ấn sinh thái tại Việt Nam. Để làm được điều đó, nghiên cứu sử dụng mô hình phi tuyến với chỉ số phức hợp kinh tế và phức hợp kinh tế bình phương. Kết quả tìm thấy khẳng định rằng, đa dạng kinh tế ảnh hưởng lên dấu ấn sinh thái tại Việt Nam ủng hộ giả thuyết đường cong Kuznets về môi trường (theo hình chữ U ngược). Có nghĩa là trong giai đoạn đầu, khi đa dạng kinh tế còn thấp, ảnh hưởng này là cùng chiều. Nhưng khi đa dạng kinh tế của Việt Nam tăng lên đến một mức độ nhất định (đa dạng kinh tế tại giá trị là 1,35), ảnh hưởng của đa dạng kinh tế lên dấu ấn sinh thái sẽ đảo chiều. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm thấy vai trò khác biệt của đa dạng kinh tế lên từng chỉ số dấu ấn sinh thái thành phần của Việt Nam. Việc gia tăng đa dạng kinh tế không có ảnh hưởng tích cực đồng bộ lên tất cả các dấu ấn sinh thái thành phần tại Việt Nam. Gia tăng đa dạng kinh tế có thể gây tiêu cực cho các dấu ấn đất xây dựng, đất chăn thả, diện tích bề mặt nước. Duy nhất chỉ có dấu ấn sinh thái đất hấp thụ carbon, đa dạng kinh tế có ảnh hưởng theo hình chữ U ngược.
    Bên cạnh yếu tố đa dạng kinh tế, tăng trưởng kinh tế, được đo lường thông qua tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, cũng là một yếu tố được tác giả sử dụng trong mô hình phân tích. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế là yếu tố đóng vai trò quan trọng vào việc cải thiện dấu ấn sinh thái của Việt Nam. Nếu như đa dạng kinh tế phản ánh khía cạnh “chất” của tăng trưởng kinh tế thì tốc độ tăng trưởng hàng năm cho thấy mặt “lượng” của tăng trưởng. Kết quả này cho thấy, việc cải thiện về mặt “chất” và “lượng” của nền kinh tế đều góp phần giúp Việt Nam cải thiện thâm dụng dấu ấn sinh thái. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế góp phần vào việc giảm thiểu suy thoái môi trường là đúng với trường hợp của Việt Nam.
    Kết quả nghiên cứu còn khẳng định tồn tại giả thuyết “thiên đường ô nhiễm” trong ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài lên dấu ấn sinh thái. Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài làm trầm trọng hơn mức độ thâm dụng dấu ấn sinh thái tại Việt Nam.
    Thêm nữa, nghiên cứu này có thể được xem là nghiên cứu đầu tiên đi vào tìm hiểu vai trò của dấu ấn sinh thái lên đa dạng kinh tế, đặc biệt là tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng khẳng định những chính sách góp phần giảm thiểu thâm dụng dấu ấn sinh thái tại Việt Nam có tác dụng thúc đẩy gia tăng mức độ đa dạng kinh tế trong dài hạn. Đây là bằng chứng thú vị giúp kiểm định mô hình IAMs của Nordhaus và Romer - những người được cho là tiên phong trong việc điều chỉnh lý thuyết kinh tế để đánh giá tốt hơn ảnh hưởng của các vấn đề môi trường và tiến bộ kỹ thuật đối với tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng thống kê giúp kiểm định lý thuyết về vai trò của vốn vật chất, công nghệ thông tin và truyền thông, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đô thị hóa đối với việc cải thiện mức độ đầu ra của nền kinh tế thông qua đa dạng kinh tế.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Dựa trên cách tiếp cận mới mẻ về đa dạng kinh tế (thông qua giỏ hàng xuất khẩu) và suy thoái môi trường (thông qua dấu ấn sinh thái), nghiên cứu cũng mang lại những đóng góp thực tiễn có giá trị. Những kết quả tìm thấy trong nghiên cứu có thể là cơ sở cho những nhà làm chính sách cân nhắc trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp để không có sự đánh đổi trong quá trình thực hiện mục tiêu đa dạng nền kinh tế và giảm thiểu suy thoái môi trường. Theo đó, việc gia tăng đa dạng kinh tế không chỉ góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia trên thị trường thế giới, mà còn là giải pháp hiệu quả để Việt Nam giảm thiểu nguy cơ thâm dụng dấu ấn sinh thái. Ngoài ra, việc giảm thiểu dấu ấn sinh thái hứa hẹn sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực lên cơ cấu sản xuất, thúc đẩy sự đa dạng của nền kinh tế. Điều này cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu quan trọng này trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.
    Mặc dù tác giả đã nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên luận án vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Hạn chế đầu tiên của nghiên cứu là do phụ thuộc vào dữ liệu thứ cấp, nên việc phân tích ảnh hưởng của đa dạng kinh tế lên dấu ấn sinh thái và dấu ấn sinh thái lên đa dạng kinh tế không hoàn toàn trùng lặp về thời gian nghiên cứu, cũng như có sự khác biệt về không gian nghiên cứu. Tiếp theo, nghiên cứu không thực hiện kiểm tra đâu là biến dẫn dắt trong mô hình, do vậy việc kiểm định mối quan hệ nhân quả Granger chưa được thực hiện trong nghiên cứu này. Bên cạnh đó, nghiên cứu chưa thực hiện so sánh sự khác biệt trong mối quan hệ giữa đa dạng kinh tế với dấu ấn sinh thái, và giữa đa dạng kinh tế với phát thải CO2 hoặc phát thải nhà kính tại Việt Nam. Cuối cùng, các hàm ý chính sách đề cập chủ yếu vẫn xoay quanh các yếu tố trong mô hình nghiên cứu đã đề xuất. Do vậy, các chính sách có thể chưa thực sự đầy đủ để có thể giải quyết trọn vẹn mục tiêu giảm thâm dụng dấu ấn sinh thái và gia tăng đa dạng kinh tế tại Việt Nam.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên