Hiện thực hóa kỳ vọng từ những ngày đầu sáng lập về một Đại học quốc gia sẽ giữ vai trò tiên phong và nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức ở thế kỷ XXI, ĐHQG-HCM xác định rõ và kiên trì với sứ mạng đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, có năng lực dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trong hành trình 30 năm qua, ĐHQG-HCM đã là nơi bồi dưỡng, hun đúc và tập hợp những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học sức khỏe, phục vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHQG-HCM đã triển khai Chương trình VNU350 nhằm thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác tại ĐHQG-HCM với số lượng dự kiến khoảng 350 người trong giai đoạn 2024-2030.
Nhờ đội ngũ này, hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM đã có bước tiến dài về số lượng, chất lượng và tầm ảnh hưởng, ngày càng tiệm cận với trình độ quốc tế. ĐHQG-HCM cũng từng bước hội nhập một cách tự tin vào cộng đồng đại học thế giới và được đánh giá cao.
PGS.TS NGUYỄN HOÀNG TÚ ANH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2012 chuyên ngành Toán học cho máy tính và hệ thống tính toán. PGS. TS Nguyễn Hoàng Tú Anh đã hướng dẫn 10 Thạc sĩ, 1 Tiến sĩ, thực hiện 11 đề tài dự án nghiên cứu các cấp, xuất bản 1 sách giáo trình, 14 bài báo quốc tế và trong nước, 28 bài viết hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Năm 2017, cô trở thành Hiệu trưởng nữ đầu tiên của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH CNTT). Năm 2018, cô được phong hàm Phó Giáo sư.
“Bước sang cột mốc 30 năm, ĐHQG-HCM không chỉ là một biểu tượng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam mà còn là nơi nuôi dưỡng những giá trị bền vững. Trường ĐH CNTT – một thành viên gần 20 tuổi – chính là minh chứng sống động cho sự phát triển bền vững và tầm nhìn chiến lược của ĐHQG-HCM. Nếu không có ĐHQG-HCM, sẽ không có Trường ĐH CNTT, bởi ngôi trường này được xây dựng trên nền tảng tâm huyết và nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và các thầy cô giáo, với sứ mệnh trở thành một mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Gắn bó với ĐHQG-HCM ngay khi trở về Việt Nam, tôi đã đồng hành suốt 30 năm và chưa từng rời xa nơi này. Đối với tôi, ĐHQG- HCM không chỉ là một tổ chức giáo dục, mà còn là một hình mẫu của sự tiên phong và đổi mới trong nền giáo dục Việt Nam. Ba thập kỷ qua, ĐHQG-HCM đã không ngừng khẳng định tầm vóc của mình, sánh vai với các đại học danh tiếng trong khu vực.
Để tiếp tục phát triển và đạt mục tiêu lọt vào top 100 trường đại học hàng đầu châu Á, ĐHQG-HCM cần nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ Nhà nước, cùng sự chung tay của thầy, cô, sinh viên và các đối tác. Đây không chỉ là mong ước mà còn là mục tiêu khả thi nếu kiên định với định hướng đã chọn.
Làm việc tại ĐHQG-HCM trong suốt 30 năm, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và vinh dự vì được cống hiến trong môi trường công tâm, minh bạch, hướng tới lợi ích chung. Đặc biệt, cùng với Ban Giám hiệu, giảng viên và sinh viên Trường ĐH CNTT, tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có chung niềm tự hào khi được góp sức xây dựng Trường.
Tôi tin rằng trong chặng đường sắp tới, Ban lãnh đạo ĐHQG- HCM, các trường thành viên, cùng các đơn vị trực thuộc sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống gắn bó, chia sẻ, đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Điều này không phải chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là niềm tin sâu sắc rằng sự đồng lòng sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức.
Với nền tảng vững chắc đã xây dựng và tinh thần gắn kết, tôi tin tưởng ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục tỏa sáng trên một hành trình mới đầy rực rỡ và đáng tự hào”.
GS.TS.NGND LÊ HOÀI BẮC - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
GS.TS.NGND Lê Hoài Bắc hiện là Trưởng Bộ môn Khoa học Máy tính, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH KHTN). GS Bắc là tác giả của nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín chuyên ngành trong và ngoài nước và cũng là tác giả của nhiều giáo trình giảng dạy cho ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam. GS.TS.NGND Lê Hoài Bắc đã có 40 năm giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học với nhiều vai trò khác nhau, trong đó có gần 30 năm gắn bó với Trường ĐH KHTN.
“Làm nghề giáo như chúng tôi, sự thành công của học trò là những trái ngọt từ công lao mình đã gieo trồng. Bởi vậy, thành tựu lớn nhất và cũng là niềm vui, niềm tự hào, hạnh phúc của chúng tôi, là khi được chứng kiến sự thành công của các học trò. Sự thành công đó cũng là sự khẳng định chất lượng đào tạo của Khoa Công nghệ thông tin, là sự khẳng định thương hiệu của Trường ĐH KHTN.
Tôi thực sự mong muốn và kỳ vọng trong chặng đường phát triển sắp tới, ĐHQG-HCM cần phải xây dựng cho mình một bản sắc riêng nổi trội, dễ nhận diện, để khi nói đến ĐHQG-HCM, người ta sẽ nghĩ ngay đến cái bản sắc, cái điểm nổi trội riêng có ấy. Đó cũng là sự định vị thương hiệu để ĐHQG-HCM không bị “hòa lẫn” với các đại học khác, phải hiện diện thật rõ nét trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Định vị thương hiệu gắn với bản sắc riêng cũng là cách để nâng tầm vị thế của ĐHQG-HCM trong khu vực và quốc tế. Muốn vậy, các nhà lãnh đạo cần có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá để thay đổi, từ chiến lược đào tạo và nghiên cứu cần tập trung ưu tiên hơn cho các ngành đào tạo “mũi nhọn” vốn đã có nhiều thế mạnh để có được những thành tựu nổi bật, đến việc đầu tư cho nguồn lực con người – yếu tố có tính quyết định – để xây dựng và quy tụ được đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành cho các lĩnh vực thế mạnh”.
GS.TS.NGND NGUYỄN THỊ CÀNH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT
GS.TS.NGND Nguyễn Thị Cành có nhiều năm làm Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính - Ngân hàng, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính, Trường ĐH Kinh tế - Luật; Chủ tịch Hội đồng liên ngành Kinh tế - Luật - Quản lý của ĐHQG-HCM và là Trưởng ban Biên tập Chuyên san khối ngành Kinh tế, Quản lý, Luật cho Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM. GS Cành đã chủ trì nhiều đề tài hợp tác quốc tế, cấp ĐHQG- HCM và cấp Thành phố; chủ biên 16 đầu sách chuyên khảo, 7 giáo trình, 2 sách giáo khoa; chủ trì 30 chương trình, đề tài cấp Bộ và tương đương, công bố 125 bài báo các tạp chí trong nước và 32 bài báo trên các tạp chí quốc tế. GS Cành được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam (2016), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục (2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (2017), danh hiệu NGND (2020), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ (2024).
“Tôi về Trường ĐH Kinh tế - Luật năm 2003, lúc đó ĐHQG- HCM vừa trải qua biến động với nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa có gì. Lúc ấy, Ban Giám đốc và các trường thành viên đều kỳ vọng biến nơi đây thành nơi gieo mầm xanh. Và trải qua 30 năm, mọi thứ đã thay đổi ngoạn mục. Cơ sở vật chất đã thay da đổi thịt, mảnh đất hoang vu xưa thành Khu đô thị đại học rất đẹp với những hàng cây xanh, hình thành Khu đô thị - dẫu chưa hoàn thiện nhưng thực sự đã rất khác 30 năm trước. Chúng ta cũng là đơn vị đi đầu về đầu tư, mô hình đào tạo, thu hút người học. Chúng ta được công nhận là tốp đầu Việt Nam, được quốc tế công nhận về chất lượng đào tạo, nghiên cứu… Tôi mong trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước bước vào kỷ nguyên mới, ĐHQG-HCM vẫn là đầu tàu với mô hình tự chủ mạnh mẽ, mang tầm vóc mới”.
GS.TS.NGƯT ĐẶNG MẬU CHIẾN - VIỆN CÔNG NGHỆ NANO (INT)
GS.TS.NGƯT Đặng Mậu Chiến là thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng Liên ngành khoa học công nghệ Vật liệu - ĐHQG-HCM (từ năm 2017), Chủ tịch Hội đồng Viện Công nghệ Nano, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luyện kim, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam. GS Chiến tham gia thành lập và lãnh đạo Viện Công nghệ Nano từ 2004 đến 2024. Với thành tích nghiên cứu khoa học và đóng góp cho ngành giáo dục trong suốt 40 năm qua, GS.TS.NGƯT Đặng Mậu Chiến đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM, ĐHQG-HCM. GS Chiến nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục (2006), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ (2015), Huân chương Lao động hạng Ba (2019).
“Quay về thời điểm hơn 20 năm trước, các nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới bắt đầu khởi động các chương trình nghiên cứu công nghệ nano. Nắm bắt thời cơ, vào năm 2003, ĐHQG-HCM đã cử một đoàn cán bộ, trong đó có tôi và PGS.TS Huỳnh Thành Đạt tham dự hội nghị quốc tế về công nghệ nano được tổ chức tại Thái Lan. Đây là điểm khởi đầu cho chương trình phát triển công nghệ nano tại ĐHQG-HCM. Cũng trong năm 2003, lãnh đạo ĐHQG-HCM quyết định sử dụng nguồn kinh phí gần 4 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ để phát triển công nghệ nano. Dự án bắt đầu bằng sự kiện triển khai Đề án “Nghiên cứu chiến lược xây dựng và phát triển công nghệ nano tại ĐHQG-HCM” và thành lập “Ban Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ nano ĐHQG-HCM” do GS.TS Lê Khắc Bình làm Chủ nhiệm và tôi là Phó Chủ nhiệm.
Sau một thời gian, ngày 21/9/2004, Phòng thí nghiệm Công nghệ nano (LNT) trực thuộc ĐHQG-HCM được chính thức thành lập. Vào tháng 11/2016, LNT được ĐHQG-HCM chuyển đổi thành Viện Công nghệ nano. Trong 20 năm hình thành và phát triển, INT đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, đưa các sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế phục vụ cộng đồng, đào tạo nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo chế tạo linh kiện micro-nano và chip bán dẫn. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của các cấp quản lý, đặc biệt là lãnh đạo các thời kỳ của ĐHQG-HCM đã hỗ trợ INT. Tôi xin chúc mừng tập thể INT, và mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục ngọn lửa truyền thống thế hệ đi trước và phát triển INT đạt những thành tựu mới, góp phần phát triển ĐHQG-HCM và phục vụ cộng đồng”.
GS.TS.NGƯT LÊ THANH HẢI - VIỆN MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN
Với 32 năm công tác, GS.TS.NGƯT Lê Thanh Hải đã chủ trì 72 đề tài cấp Bộ và tỉnh thành, 5 đề tài cấp Nhà nước, công bố 40 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS/Scopus) và 60 bài báo trong nước, xuất bản 9 cuốn sách chuyên khảo, giáo trình và phát triển 15 công nghệ/giải pháp hữu ích và khoảng 80 hợp đồng chuyển giao công nghệ khác. GS.TS.NGƯT Lê Thanh Hải được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2018), Giải thưởng Môi trường TP.HCM (2018), Giải thưởng Môi trường Việt Nam (2019), cùng nhiều bằng khen vì thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học.
“Tôi làm nghề môi trường – một nghề gắn bó với cộng đồng, không tách rời cộng đồng, đặc biệt hơn là với cộng đồng dân cư nghèo – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất mỗi khi có thiên tai, lũ lụt. Ví dụ như những khu vực dân cư dễ bị sạt lở, chôn lấp nhất chính là những khu vực nghèo nhất. Hay khi chúng tôi đi đến các nhà máy, gặp những anh chị vận hành các công trình xử lý chất thải. Họ đều là những người có thu nhập rất thấp. Mỗi lần như thế tôi lại thấy đau lòng. Với sức lực bé nhỏ, mình có thể làm gì đây? Chúng tôi phải thường xuyên đối mặt và trăn trở làm sao để giúp đỡ đời sống những người ở tầng lớp thấp ấy, mỗi ngày.
Thế giới phát triển tốt hơn chúng ta nhiều năm, có những nước đi trước chúng ta hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, nhưng ở các nước đó, lĩnh vực môi trường vẫn thu hút được nhiều chuyên gia, nhiều bạn trẻ theo học và làm việc. Thế giới càng phát triển thì càng tiến đến những khái niệm như: Trung hòa carbon, không phát thải tuyệt đối, tiết kiệm tài nguyên, kinh tế tuần hoàn…
Đây là lĩnh vực tạo cho chúng ta những cơ hội để va chạm với xã hội ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cho chúng ta cơ hội để được đi đây đi đó, được đóng góp cho đất nước một cách rõ ràng, trực tiếp. Khi các bạn làm sạch môi trường, các bạn tạo ra sinh kế bổ sung cho người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước”.
GS Lê Thanh Hải hiện là Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, là Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng - Kiến trúc (thuộc Hội đồng Giáo sư Nhà nước).
GS.TS PHẠM VĂN HÙNG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ
GS.TS Phạm Văn Hùng hiện là Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Trường ĐH Quốc tế, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu lĩnh vực Công nghệ sinh học và Hóa Dược của ĐHQG-HCM. GS.TS Phạm Văn Hùng nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2023, đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 và đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019. GS Hùng là nhà khoa học Việt Nam đứng trong tốp 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021, 2022 và 2023.
“Trong thời gian sắp tới, tôi hy vọng sẽ phát triển được nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực liên ngành về khoa học sức khỏe và dinh dưỡng thực phẩm, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh giỏi hơn nữa cho tương lai. Điều này sẽ góp phần vào sự thành công trong việc thực hiện các kế hoạch chiến lược của ĐHQG-HCM nói chung và Trường ĐH Quốc tế nói riêng.
Tôi hy vọng, tuổi 30, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á thông qua việc tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị đại học, tăng cường tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, nâng cao năng lực công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ, ươm tạo các công ty khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ”.
GS.TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
GS.TS Ngô Thị Phương Lan hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV. GS.TS Ngô Thị Phương Lan đã công bố 57 bài trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 7 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín (Web of Science, Scopus), 16 ấn phẩm sách phục vụ đào tạo. Cô chủ nhiệm 10 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Cô được trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự” của tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc, bằng khen của Thống đốc tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc vì sự nghiệp Phát triển nông nghiệp và nông thôn dựa trên tinh thần Saemaul, Hàn Quốc; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ và nhiều bằng khen khác.
“Đối với lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ định hướng chung của ĐHQG-HCM là rất đúng đắn nên Trường ĐH KHXH&NV sẽ bám sát theo, tiếp tục có những công bố để khẳng định vị thế của khoa học xã hội và nhân văn trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng để có những nghiên cứu phục vụ cho đất nước, cho dân tộc. Đặc biệt hơn, tôi muốn nâng tầm hiện đại, tính hội nhập của chương trình đào tạo hiện có của Nhà trường để tạo ra các thế hệ sinh viên năng động, bản lĩnh, sống có lý tưởng, thể hiện tính hội nhập cao.
Tôi muốn khoa học xã hội và nhân văn luôn là một sắc màu, một mảnh ghép rực rỡ trong bức tranh giáo dục của ĐHQG-HCM để làm nên tính bản sắc riêng của dân tộc, của đất nước. Trường ĐH KHXH&NV - một thành viên của ĐHQG-HCM - vốn có vị thế rất quan trọng trong khu vực và trên thế giới, phải có những trường phái lý luận riêng mang màu sắc của khoa học xã hội và nhân văn, từ đó, khẳng định được vị thế của Nhà trường trên bản đồ học thuật quốc tế.
Trong những năm sắp tới, trên nền tảng vững chắc của ĐHQG-HCM với sức mạnh hệ thống, tôi tin là ĐHQG-HCM sẽ có những bước đột phá quan trọng để khẳng định vị thế, thương hiệu của ĐHQG-HCM đối với khu vực và thế giới".
PGS.TS HUỲNH KIM LÂM - TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ
PGS.TS Huỳnh Kim Lâm là Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường, Trường ĐH Quốc tế. Là tác giả, đồng tác giả của hơn 100 bài báo ISI, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm nhiều năm liền nhận các giải thưởng về nghiên cứu khoa học thường niên như Giải thưởng Khoa học xuất sắc ĐHQG-HCM, Giải thưởng Khoa học ĐHQG-HCM, Giải thưởng Khoa học VEFFA.
“Với góc nhìn của người đang làm công tác đào tạo, tôi thấy đóng góp của ĐHQG-HCM là rất lớn cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. ĐHQG-HCM đã tạo điều kiện cho hàng ngàn bạn trẻ hiếu học có cơ hội được tiếp tục học tập, nghiên cứu, tiếp cận tri thức mới và được du học ở nước ngoài. Các thành viên của ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong đào tạo các thế hệ sinh viên nối tiếp nhau. Các cựu sinh viên của ĐHQG-HCM hơn 30 năm qua đã và đang đóng góp cho xã hội, đất nước ở nhiều mặt khác nhau.
Tôi tin tiềm năng của ĐHQG-HCM còn rất lớn vì chỉ cần kết nối được nguồn lực có sẵn (các thầy cô trong nước và nước ngoài, các thế hệ sinh viên, các bạn du học sinh…), tạo thành một nơi để trở về, tôi nghĩ sự phát triển sẽ thật sự bùng nổ. Từng đi ra nước ngoài, khi trao đổi với các đồng nghiệp,tôi nhận thấy ai cũng có ước vọng được trở về quê nhà. Và mọi người đều có tâm tư, nỗ lực riêng và chỉ chờ có gió Đông…”.
GS.TS.NGƯT NGUYỄN THỊ THANH MAI - PHÓ GIÁM ĐỐC ĐHQG-HCM
GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thanh Mai chọn hướng nghiên cứu thuốc từ dược liệu Việt Nam. GS Mai đã phát triển thành công hai sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước và có hơn 80 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư cũng đã nhận Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019 với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi tại Việt Nam. GS Mai vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 và được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới năm 2024.
“Để làm một nhà khoa học thì đầu tiên phải ham học hỏi, phải có đam mê, thường xuyên nâng cấp kiến thức của mình, đọc và học nhiều, phải có một sự nhạy cảm nhất định của một nhà khoa học. Nhà khoa học cũng rất cần đến sự quyết tâm và kiên trì, dám dấn thân vào những điều mới mẻ. Đặc biệt, hiện nay nghiên cứu khoa học không nên nhìn nhận là một ngành riêng lẻ mà là liên ngành. Như hóa học phải liên kết với y, sinh, môi trường thì mới có được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện. Chính vì vậy người làm khoa học cần có tinh thần hợp tác, biết kết nối, giao lưu thì mới có những công trình giá trị.
Trong gần 30 năm làm nghiên cứu, tôi nhận thấy nếu như đứng một mình một ngành thì mình chỉ có thể phát triển mạnh về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nhưng để tiến tới nghiên cứu ứng dụng chắc chắn không thể làm được. Muốn ứng dụng thì mình phải có sự hợp tác giữa các ngành với nhau, vậy nên xu thế liên ngành hiện nay là bắt buộc. ĐHQG-HCM với thế mạnh của từng trường, từng đơn vị thành viên, nếu liên kết hợp lý với nhau, tôi tin sẽ tạo ra được một sản phẩm cụ thể và sản phẩm này sẽ thể hiện rõ nét sức mạnh hệ thống của ĐHQG-HCM”.
GS.TS.NGƯT MAI THANH PHONG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
GS.TS.NGƯT Mai Thanh Phong hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa. Ông đã có nhiều đóng góp trong học thuật cũng như trong việc định hình chiến lược và tầm nhìn dài hạn để đưa Trường ĐH Bách khoa từng bước thực hiện lộ trình tự chủ đại học. Dưới sự lãnh đạo của ông, Trường ĐH Bách khoa đã có những bước chuyển mình quan trọng, sẵn sàng đối mặt với các thách thức của thế kỷ XXI. Ngoài ra, ông còn là tác giả, đồng tác giả của hơn 100 công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của thế giới; chủ trì hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
“Tôi có nhiều kỳ vọng cũng như trăn trở về những thay đổi mang tính căn bản để tạo bước đột phá của Trường ĐH Bách khoa nói riêng và ĐHQG-HCM nói chung, vươn tới những mục tiêu xa hơn, đáp ứng sự đòi hỏi của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình phát triển sắp tới. Đánh giá bối cảnh, xác định hướng ưu tiên chiến lược, tập trung các lĩnh vực mũi nhọn để tạo bước phát triển thật sự bứt phá trong hành trình tiếp theo, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và xu thế của thế giới là điều chúng tôi cần tập trung cao độ trong giai đoạn tới.
Muốn như vậy, bản thân tôi và tập thể lãnh đạo, tập thể viên chức người lao động và người học của Trường ĐH Bách khoa cần biết tận dụng tối đa sức mạnh hệ thống của ĐHQG-HCM và thế mạnh đặc thù của Nhà trường. Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm, phấn đấu không ngừng nghỉ, kiên trì, tâm huyết, cẩn thận, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh chưa có nhiều sự hỗ trợ tương xứng với các nhà khoa học, nhà quản lý trong môi trường đại học. Với riêng tôi, được làm việc trong môi trường giáo dục, thường xuyên tiếp cận tri thức mới, được tiếp xúc với các bạn trẻ năng động, sáng tạo luôn đem lại cho tôi nhiều nguồn năng lượng mới, đồng thời cảm nhận rõ hơn giá trị và ý nghĩa của công việc mình đang theo đuổi. Tôi sẽ cùng tập thể nhà trường nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển chung của Trường ĐH Bách khoa và ĐHQG-HCM".
GS.TS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
GS.TS Huỳnh Như Phương, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí, có 45 năm công tác tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV, là tác giả của 54 bài báo khoa học, 12 công trình in chung và 15 tác phẩm in riêng, trong đó có bộ giáo trình Lý luận văn học 3 tập do Nhà xuất bản ĐHQG-HCM ấn hành.
“Hiện nay, việc tập trung các trường đại học thành cơ sở giáo dục lớn là một xu thế và một thực tế. Việc xuất hiện những đại học nước ngoài và khả năng vươn lên của những đại học truyền thống là một thực tế khác. Sự cạnh tranh đó đòi hỏi ĐHQG-HCM phải không ngừng đổi mới để có thể tiếp tục đảm đương vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học.
Trong điều kiện tự chủ đại học, thiết nghĩ, chiến lược nhân sự của ĐHQG-HCM cần chú ý tái cấu trúc đội ngũ cán bộ, khai thác những nhân tài đúng vị trí của họ: giảng dạy, nghiên cứu hay quản trị; tập trung nguồn lực con người cho những ngành học và lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm để vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tạo thêm nguồn thu tài chính. Vừa qua, ĐHQG-HCM thể hiện nhạy bén khi chủ trương thành lập những nhóm nghiên cứu mạnh và hướng dẫn các tiêu chí cần đáp ứng để những nhóm này được cấp kinh phí hoạt động. Trên thực tế, một số chương trình/đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đang thu hút những nhà nghiên cứu có cùng xu hướng học thuật tham gia.
Chiến lược con người luôn gắn liền với chiến lược học thuật của ĐHQG-HCM và từng thành viên. Chiến lược học thuật đúng hướng sẽ tác động đến phẩm chất, năng lực con người; ngược lại, chiến lược con người đúng hướng sẽ tạo điều kiện hoàn thành chiến lược học thuật. Các ngành nghề đào tạo đa dạng trong ĐHQG-HCM cần được kết nối trên cơ sở một triết lý và quan niệm giáo dục tiến bộ với những giá trị bền vững và phổ quát về tinh thần khoa học cũng như quan niệm con người như là sản phẩm của giáo dục. Một không gian học thuật tự do, sáng tạo sẽ quyết định chất lượng đào tạo những thế hệ trẻ năng động, tự lập. Trong không gian học thuật phong phú đó, ĐHQG-HCM nên quy hoạch ưu tiên cho những ngành học thuật vốn là thế mạnh tạo nên bản sắc của mình, góp phần đưa đất nước, nhất là vùng đất phía Nam, theo kịp đà phát triển của thế giới".
GS.TS.NGƯT VÕ VĂN SEN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Suốt 40 năm cống hiến, GS.TS.NGƯT Võ Văn Sen đã hướng dẫn thành công 20 nghiên cứu sinh, hơn 40 học viên cao học, chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm 17 đề tài nghiên cứu khoa học, xuất bản 1 sách quốc tế, 11 sách trong nước và có nhiều bài báo đăng trên tạp chí quốc tế và trong nước. Ông đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng nổi bật: Nhà giáo Ưu tú (2008), Giải thưởng Trần Văn Giàu (2010), Giải A giải Sách Quốc gia lần II (2019), Huân chương Lao động hạng Nhì (2017), Chiến sĩ thi đua cấp Bộ GD&ĐT (2018, 2022), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (2020), Gương điển hình tiên tiến ĐHQG- HCM (giai đoạn 2015-2020).
“ĐHQG-HCM là một mô hình rất đặc biệt mà chúng ta muốn hiện đại hóa, đi theo các mô hình liên kết các đại học, các tổ hợp trường đại học lớn chứ không phải chỉ là một trường đại học. Đương nhiên chúng ta còn nghèo, chúng ta mới bắt đầu. Hệ thống chúng ta không thể lớn, không thể đông như Mỹ, nhưng đây được xem như một bước đi tắt đón đầu. Tư tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày đó về việc phải đi tắt đón đầu trong phát triển kinh tế cũng như trong phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, rất táo bạo và rất hay.
Trong thời gian qua, số ngành nghề được mở mới ở trường đại học gần như là gấp đôi, thậm chí là gấp ba con số cũ. Số lượng thầy cô giáo và chất lượng đạt được trình độ tiến sĩ trở lên, số lượng giảng viên đạt học hàm, học vị cao cũng tăng gấp 3, gấp 4 lần. Số lượng tăng và chất lượng cũng tăng theo. Đây là những tín hiệu rất tốt, rất tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục như vậy. Tăng về số lượng thầy cô giáo, tăng về số lượng sinh viên, tăng về chất lượng, tăng về đội ngũ tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư…
Chúc cho ngôi nhà chung ĐHQG-HCM tiếp tục hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, dần dần trở thành một hệ thống các trường đại học hiện đại của thế giới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước và mong mỏi của Nhân dân".
GS.TS.NGND TRẦN DOÃN SƠN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
Năm 2022, GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Năm 2024, GS Trần Doãn Sơn là một trong 135 nhà khoa học được vinh danh là Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu toàn quốc. Hơn 40 năm gắn bó với nghiên cứu và sáng tạo, GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn có 11 bằng sáng chế, 13 đề tài nghiên cứu các cấp, 37 bài báo khoa học. GS Sơn cùng các thế hệ sinh viên đã chuyển giao hơn 1.000 dây chuyền chế biến hạt điều, 500 thiết bị chế biến cà phê, triển khai hơn 200 thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm từ lúa gạo.
“Theo tôi, trong trường đại học, các thầy cô phải cố gắng tạo ra những đột phá mà để tạo ra đột phá thì phải hình thành được đội ngũ con người tài năng. Đội ngũ con người tài năng chắc chắn phải được đào tạo từ mái trường đại học. Và tôi tin thế hệ tạo ra sự đột phá c hính là những em sinh viên kỹ sư tài năng, những học sinh xuất sắc từ khắp mọi miền. Các em sẽ thay cho thế hệ chúng tôi, tạo ra những đột phá.
ĐHQG-HCM cần có hướng đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, sản xuất chip,… Sản xuất chip đối với Việt Nam chính là bước đột phá. Muốn có được điều đó thì ĐHQG-HCM phải có đội ngũ và phải đào tạo từ bây giờ. Tôi thấy ĐHQG-HCM cũng đã hình thành trung tâm nghiên cứu với 4 mũi nhọn. Trong 4 mũi nhọn ấy đã có vi mạch (sản xuất chip). Nếu thuận lợi, chúng ta sẽ có sự đột phá. Chúng ta đột phá thì đất nước sẽ đột phá”.
PGS.TS BÙI XUÂN THÀNH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
PGS.TS Bùi Xuân Thành hiện là Trưởng Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐHQG-HCM Công nghệ xử lý chất thải bậc cao và Trưởng Bộ môn Khoa học và Công nghệ nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa. PGS.TS Thành có nhiều công trình ghi dấu ấn quan trọng. Trong đó, công nghệ Wetland roof được cấp bằng sáng chế Hoa Kỳ và các công nghệ màng lọc mới đóng góp rất lớn vào các công bố khoa học đầu tiên về công nghệ màng lọc tiên tiến. PGS.TS Bùi Xuân Thành thuộc nhóm nhà khoa học tốp 2% Highly Cited Researcher in 2023 & 2024 (Scopus & Standford University), nhận giải thưởng Hitachi Global Foundation Asia Innovation 2022 và nhận giải thưởng “Pandey Research Excellence Award” năm 2021 do Hiệp hội Xử lý Sinh học quốc tế trao.
“Cho đến nay tôi vẫn luôn cảm thấy quyết định quay về làm việc ở Trường ĐH Bách khoa là hoàn toàn đúng đắn cho sự nghiệp bản thân. Ưu điểm của Trường ĐH Bách khoa, của ĐHQG-HCM là có chất lượng sinh viên đầu vào tốt, có nền tảng vững chắc với khả năng tự học, tự tìm hiểu; giảng viên chỉ cần gợi mở, định hướng thì các bạn đã có thể làm được và làm tốt. Và tôi tin đây chính là lợi điểm mà nhiều thầy cô muốn gắn bó với nơi đây: được dạy sinh viên giỏi.
ĐHQG-HCM nên tiếp tục duy trì các định hướng phát triển đang có, đồng thời xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ có năng lực và tâm huyết. Đặc biệt, ĐHQG-HCM cần quan tâm hơn, đẩy mạnh hơn đầu tư và phát triển cho nghiên cứu khoa học hướng đến phục vụ xã hội và cộng đồng. Ngoài ra, để giữ được hình ảnh của ĐHQG–HCM trong tương lai, bên cạnh việc phát triển về quy mô, việc nâng cao chất lượng đầu ra trong việc đào tạo các bậc từ đại học đến tiến sĩ cũng cần được rà soát, cải tiến và đánh giá kỹ lưỡng”.
GS.TS PHAN BÁCH THẮNG - TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VẬT LIỆU CẤU TRÚC NANO VÀ PHÂN TỬ (INOMAR)
GS.TS Phan Bách Thắng công bố hơn 200 bài báo trên tạp chí SCIE (10 công bố Nature index), 2 sáng chế quốc tế (Hoa Kỳ, Hàn Quốc), 1 sách chuyên khảo, đào tạo thành công 5 tiến sĩ; là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh lĩnh vực Vật lý của ĐHQG-HCM 2019-2029 và Quỹ NAFOSTED 2023-2027; chủ nhiệm hơn 10 đề tài nghiên cứu (5 đề tài cấp Nhà nước); H-index = 30; Chủ nhiệm chương trình Trung tâm xuất sắc tại ĐHQG- HCM 2018-2023; Chủ nhiệm chương trình Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế tại TP. HCM 2024-2029. GS Thắng hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Từ học Việt Nam, Ủy viên Liên minh Ban chấp hành Từ học Á Châu, Thành viên Hội đồng khoa học ngành Vật lý Quỹ NAFOSTED 2017 - 2024, Ủy viên Hội đồng khoa học liên ngành Khoa học và Công nghệ Vật liệu ĐHQG-HCM.
“Khi là sinh viên tôi chưa bao giờ nghĩ trở thành thầy giáo. Khi bắt đầu được đứng lớp, tôi lại chưa bao giờ nghĩ mình trở thành giáo sư. Nghiệm lại, tất cả những điều tôi có hiện nay đều đến từ ĐHQG-HCM. Chính môi trường này đã tạo ra sự thành công của bản thân, đồng nghiệp và rất nhiều thế hệ sinh viên khác nhau của ĐHQG-HCM trong 30 năm qua. Tôi thấy được sự hạnh phúc, vui vẻ trong sự nghiệp của các bạn cùng lớp của tôi, dù có bạn theo con đường giảng dạy, có bạn đi làm bên ngoài. Tôi thấy được đồng nghiệp quanh mình hạnh phúc. Và dĩ nhiên, tôi cũng hạnh phúc, thậm chí còn cảm thấy rất may mắn.
Trọng trách của ĐHQG-HCM phải là một đại học thể hiện được trách nhiệm với quốc gia, phải tận dụng được nguồn lực từ TP.HCM để phát triển và trách nhiệm đóng góp phát triển TP.HCM. Vì TP.HCM phát triển thì sẽ hỗ trợ cho cả vùng Đông Nam Bộ, rồi lan tới cả Nam Bộ và đất nước”.
PGS.TS VÕ VĂN THẮNG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG
PGS.TS Võ Văn Thắng là Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH An Giang. Ngoài trách nhiệm chính là Hiệu trưởng và Giảng viên cao cấp, PGS.TS Võ Văn Thắng dành phần lớn cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học về Triết học, Logic học, Văn hóa, Âm nhạc và Giáo dục. PGS.TS Võ Văn Thắng đã công bố hơn 100 bài báo khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước và hơn 20 quyển sách tham khảo và giáo trình với tư cách là tác giả hoặc đồng tác giả. Ông vinh dự nhận Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2014 (đồng chủ biên) cho cuốn sách “Ngôn ngữ miền sông nước”. PGS Thắng hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Triết học, Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
“Cá nhân tôi nhận thấy, khi Trường ĐH An Giang về với ĐHQG-HCM, đó là một cơ hội tuyệt vời để Trường ĐH An Giang phát triển. Khi gia nhập hệ thống ĐHQG-HCM, bên cạnh việc được thấu hiểu, quan tâm chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ kịp thời, đầu tư cơ sở vật chất – trang thiết bị cần thiết cũng như tinh thần, điều quan trọng là Trường được tiếp nhận rất nhiều điều mới, tiến bộ, từ đó Trường ĐH An Giang học tập, trải nghiệm, phấn đấu để đạt được KPIs của ĐHQG-HCM cũng như của Nhà trường đặt ra.
Tôi cũng biết rằng, ĐHQG-HCM có tiềm năng rất lớn khi tập hợp được đội ngũ trí thức với năng lực cao như vậy. Nếu chúng ta có được điều kiện tốt nhất, tôi tin đội ngũ trí thức của ĐHQG-HCM có thể đóng góp rất nhiều điều quan trọng cho sự phát triển đất nước Việt Nam. Vì vậy, bản thân tôi có nguyện vọng, mong sao Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa cho ĐHQG-HCM để ĐHQG-HCM có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện tiếp tục đóng góp cho sự phát triển quốc gia, để chúng ta có cơ hội vươn lên mạnh mẽ hơn, ngang tầm quốc tế”.
PGS.TS NGUYỄN PHƯƠNG THẢO - TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ
Là tác giả của nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí đầu ngành cùng nhiều giải thưởng, PGS. TS Nguyễn Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm ĐHQG-HCM (RCID, ĐHQG-HCM) có nhiều đóng góp nổi bật cho lĩnh vực nghiên cứu sinh học phân tử.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐHQG- HCM trong giai đoạn tới là phải phát triển đúng tầm của mình: định hướng cho sự phát triển giáo dục đại học, định hướng cho khoa học công nghệ và phải là nơi nâng đỡ cho các nhà khoa học xuất sắc thực hiện ước mơ của mình và làm được tối đa những gì mà năng lực của mình cho phép. Tuổi 30 đối với tôi vẫn là lứa tuổi trẻ trung. Đây chính là tuổi sung sức để thực hiện định hướng này và ĐHQG-HCM đã khẳng định vị thế của mình ở tuổi 30. Tôi mong tuổi 30 của ĐHQG-HCM có bước tiến xa về mọi mặt".
GS.TS.DS.NGƯT LÊ MINH TRÍ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC SỨC KHỎE
GS.TS.DS.NGƯT Lê Minh Trí hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Sức khỏe. Ông đã công bố 52 bài báo quốc tế uy tín (hệ thống Scopus), 122 bài báo trong nước (danh mục H - Hội đồng Giáo sư Nhà nước), 16 tham luận tại các hội nghị. Ông cũng là chủ biên hoặc đồng tác giả của 18 giáo trình, chương sách nước ngoài, sách chuyên khảo. GS Trí góp phần xây dựng 8 chương trình đào tạo ngành Y – Dược tại các trường đại học khối ngành Sức khỏe - Y dược tại Việt Nam. Ông có 3 bằng sở hữu trí tuệ, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, Sở… GS Trí nhận được nhiều hình thức khen thưởng khác nhau của Bộ trưởng Bộ Y tế trong nhiều năm qua và nhận danh hiệu NGƯT năm 2023.
“Ban Giám đốc ĐHQG-HCM đã quan tâm trang bị rất nhiều cho các trường đại học thành viên, đặc biệt là Trường ĐH Khoa học Sức khỏe. Ngoài ra, ĐHQG-HCM còn thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và các trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ mà Trường ĐH Khoa học Sức khỏe vừa được Giám đốc ra quyết định thành lập. Hy vọng trung tâm này không chỉ là nơi các nhóm nghiên cứu cho ra đời các ý tưởng nghiên cứu mà còn là nhịp cầu nối với các doanh nghiệp, công ty để chúng tôi chuyển giao công nghệ, để đem ý tưởng thành hiện thực, có sản phẩm áp dụng phục vụ nhu cầu của người dân và xã hội.
Riêng với Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, tôi mong Trường sẽ cứng cáp hơn, lớn mạnh hơn. Tôi tin trong tương lai, nếu được đầu tư đúng mức thì chắc chắn Trường sẽ có những bước chuyển mới, thu hút được nhân tài nhiều hơn, được đầu tư về trang thiết bị hiện đại, đầu tư các phòng thí nghiệm, đầu tư về bệnh viện… Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, tôi tin nhà trường sẽ có đội ngũ thầy cô tốt, giỏi chuyên môn, tận tâm với công việc để có thể làm việc, đào tạo, giảng dạy không phụ sự kỳ vọng của người dân đối với chúng ta”.
PGS.TS TRẦN MINH TRIẾT - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Quá trình học tập của PGS.TS Trần Minh Triết từ bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ đều gắn liền với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – nơi Thầy đang công tác với cương vị Phó Hiệu trưởng. PGS Triết tham gia chương trình Visiting Scholar tại Viện Tin học Quốc gia Nhật Bản (NII) năm 2008 đến 2010 và chương trình Visiting Scholar của VEF tại University of Illinois at Urbana-Champaign (2015- 2016). PGS.TS Triết cũng là tác giả, đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học trong tạp chí khoa học và hội nghị quốc tế. Hướng nghiên cứu của PGS.TS Triết gồm an toàn thông tin, thị giác máy tính, multimedia và tương tác người – máy. PGS Triết luôn nhiệt tình và tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhiều sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập và nghiên cứu tại ĐHQG-HCM.
“Là một cựu sinh viên và đã gắn bó gần 28 năm với ĐHQG- TP.HCM, tôi cảm thấy rất may mắn khi được học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại đây. ĐHQG-HCM luôn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên và giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ có cơ hội học hỏi, phát triển bản thân và theo đuổi những mục tiêu, ước mơ trong cuộc sống. Nơi đây không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là nơi tôi cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các thầy cô, đồng nghiệp. Những định hướng, lời khuyên chân tình từ những người đi trước đã giúp tôi và chắc chắn cả nhiều người trẻ khác, đã và đang tự tin hơn trên con đường mình chọn. Tôi luôn trân trọng tinh thần sẻ chia và động viên của môi trường này, nơi mọi người cùng nhau học hỏi và trưởng thành. ĐHQG-HCM không chỉ là một ngôi trường mà còn là một gia đình, nơi mỗi người đều được tạo cơ hội để vươn lên và đóng góp cho xã hội. Tôi hy vọng rằng các thế hệ sau sẽ tiếp tục nhận được những điều kiện tốt đẹp này để cùng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn”.
PGS.TS NGUYỄN THỊ LỆ THU - TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, Giảng viên Trường ĐH Bách khoa – nhận giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2019 với đề tài nghiên cứu tổng hợp polyurethane “tự chữa lành” ứng dụng trong chế tạo sản phẩm polyme kỹ thuật chống rạn nứt. Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu cũng nhận được Giải thưởng L’Oreal-UNESCO 2017 và Cô còn được vinh danh tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022.
“Trong quá trình nghiên cứu, nhóm gặp nhiều khó khăn về thiết bị phân tích. Phần lớn nhóm phải gửi mẫu đến các nơi khác nhau để phân tích, trong khi kết quả nghiên cứu sẽ không bị gián đoạn và hiệu quả hơn nếu mình được trực tiếp sử dụng thiết bị phân tích. Và cuối cùng nhóm cũng đã vượt qua trở ngại để cho ra kết quả hợp lý nhất. Tương lai, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo và cải thiện tính chất của nhiều hệ vật liệu polyme thông minh ‘tự lành’ với các hướng ứng dụng khác nhau, chẳng hạn sơn tự lành vết xước.
Tôi tự hào nói rằng mình là giảng viên của Trường ĐH Bách khoa khi đi bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước. Tôi tự hào như vậy một phần vì mặt bằng chung các bạn sinh viên của ĐHQG-HCM đều rất giỏi. Làm thầy cô của các bạn giỏi như vậy thì chắc chắn đó là niềm ao ước, tự hào của giảng viên. Chính vì vậy, tôi mong muốn ĐHQG-HCM sẽ phát triển hơn nữa, về chuẩn đào tạo, các chỉ số nghiên cứu khoa học, vì với một đại học, đó là thành quả quan trọng nhất. Và nếu những thành quả đó ngang tầm được trong khu vực và trên thế giới thì chắc chắn trở thành sinh viên ĐHQG-HCM cũng sẽ là niềm tự hào của các bạn trẻ”.
GS.TS.NGƯT TRẦN LINH THƯỚC - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Trong suốt 38 năm công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, từ tháng 12/1986 đến nay, GS.TS.NGƯT Trần Linh Thước đã để lại dấu ấn sâu đậm trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý. GS.TS.NGƯT Trần Linh Thước chủ nhiệm và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng cấp Nhà nước và cấp Bộ. GS Thước đã công bố 121 bài báo khoa học trong và ngoài nước, là đồng tác giả của 2 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ. Những công trình nghiên cứu của Giáo sư không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong các lĩnh vực sinh học phân tử, công nghệ sinh học và y học.
“Tôi là một giảng viên trẻ may mắn của Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được trao cơ hội đi học sau đại học ở nước ngoài vào những năm đầu thực hiện Đổi mới của đất nước. Tốt nghiệp tiến sĩ từ Nhật trở về Trường ĐH KHTN công tác vào tháng 3 năm 1995, chỉ vài tháng sau khi ĐHQG-HCM được thành lập, tôi lại là người may mắn được đồng hành, đóng góp sức mình trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, phát triển trong 30 năm qua của Trường ĐH KHTN và của ĐHQG-HCM.
Áp dụng cách quản lý phòng thí nghiệm nghiên cứu ở nước ngoài và được nhà trường ủng hộ, tôi đã triển khai mô hình xây dựng nhóm nghiên cứu về công nghệ sinh học bằng việc giữ lại sinh viên tốt nghiệp làm nghiên cứu khoa học do nhóm tự đảm bảo lương từ đề tài, thông qua đó đã tạo cơ hội cho nhiều thế hệ học trò được tiếp tục ở lại Trường học tập, phát triển và trưởng thành. Nhận được dự án đầu tư trọng điểm của ĐHQG-HCM vào năm 1999 và 2000, tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng những phòng thí nghiệm làm nền tảng cho sự hình thành các tập thể nghiên cứu hàng đầu của đất nước về lĩnh vực công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, tôi đã vui mừng chứng kiến được sự phát triển thật sự mạnh mẽ về tiềm lực, kết quả hoạt động khoa học công nghệ của các đơn vị thành viên, trực thuộc của ĐHQG-HCM, đặc biệt là trong thập niên qua.
Tôi hy vọng trong giai đoạn tiếp theo với thời cơ mới mang lại bởi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đội ngũ khoa học của chúng ta sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh hiện có, hình thành được nhiều tập thể nghiên cứu tiên phong, xuất sắc tầm vóc quốc gia, quốc tế, góp phần xây dựng vị thế của ĐHQG-HCM trong bối cảnh mới”.
GS.TS.NGND PHAN THỊ TƯƠI - TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA
“Bắt lỗi chính tả tiếng Việt bằng máy tính”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính và ứng dụng dịch xuôi ngược Anh - Việt”, “Xử lý khoảng trống từ vựng cho các bản dịch Anh - Việt” là những đề tài khẳng định tên tuổi của GS.TS.NGND Phan Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (1998-2007) trong lĩnh vực máy tính. Khi ở độ tuổi hơn 70, độ tuổi mà phần lớn mọi người đều muốn nghỉ ngơi, vị nữ Hiệu trưởng đầu tiên trong hệ thống ĐHQG-HCM vẫn miệt mài với công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh.
“Năm nay, tôi đã hơn 70 tuổi và chưa bao giờ tôi nuối tiếc về hành trình tôi đã chọn. Hành trình này giúp tôi có môi trường để phấn đấu, để làm việc và cũng giúp cho hoạt động tri thức của tôi được liên tục, không gián đoạn. Công việc này giúp tôi được gắn bó với các nhà khoa học trẻ, từ đó tôi bắt đầu chắt lọc những gì tinh túy và sẽ học tập suốt đời, chỉ trừ khi mình không còn khả năng làm việc nữa.
Thật ra, tôi học được rất nhiều từ chính các em sinh viên trong nhiều thế hệ mà tôi giảng dạy. Chính các em giúp tôi nhận thức rằng, bản thân tôi còn thuận lợi hơn các em. Có những em ở miền Trung, miền núi… học giỏi dẫu gia đình các em còn nhiều khó khăn. Các em phải vừa làm việc vừa đi học, thậm chí có em mang đôi dép đi học đã mòn hết một nửa. Có em không có tiền để photo tài liệu, không có tiền để về thăm nhà… Vậy mà các em vẫn vươn lên, vẫn cố gắng. Các em vượt qua cái nghèo, vượt qua những khó khăn, vật lộn với cuộc sống và đã thành đạt trong cuộc sống".
Hãy là người bình luận đầu tiên