Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Vai trò của ĐHQG-HCM trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Địa phương

Vai trò của ĐHQG-HCM trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương

  • 25/12/2023
  • Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 đã xác định: “Đến năm 2030 ĐHQG-HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST), gắn kết và phục vụ cộng đồng”.

    Như vậy, trong mục tiêu tổng quát trên đã xác định rõ vai trò của ĐHQG-HCM trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội cho các địa phương.

    Nhu cầu tư vấn, phản biện từ các địa phương

    Các địa phương cần có sự nghiên cứu, tư vấn, phản biện của các trường đại học về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vì 3 lý do sau: 

    Một là, trong quá trình phát triển, các địa phương thường xuất hiện những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, kinh doanh nói riêng. Đồng thời, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước, đòi hỏi công tác dự báo các tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để đưa ra các kịch bản phát triển, các điều chỉnh chính sách thực thi.

    Hai là, trong quá trình phát triển, để định đường lối và chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn và dài hạn, các địa phương (cấp tỉnh, thành phố đương đương) sẽ thực hiện Quy hoạch tỉnh (Luật Quy hoạch 2017). Đây là những nội dung phức tạp có tính liên ngành cao, đòi hỏi sự tham gia của các đơn vị, tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu, trong đó có vai trò của các trường đại học.

    Ba là, khi giảng viên, nghiên cứu viên ở các trường đại học tham gia tư vấn, phản biện chính sách, họ thường cung cấp các luận chứng khoa học, các bằng chứng thực tiễn thuyết phục. Đây là điều hết sức cần thiết, giúp lãnh đạo cấp cao ở các địa phương chỉ ra những yếu kém, điểm nghẽn ở các sở, ban ngành và cũng là cơ hội để các sở, ban ngành nhìn nhận các điểm yếu nội tại, để qua đó đẩy mạnh đổi mới cải cách hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế - luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp…), ĐHQG-HCM sẽ có các giải pháp vừa có tính khoa học cao và vừa phù hợp với thực tiễn địa phương. Cụ thể, ĐHQG-HCM có thể tham gia thực hiện quy hoạch tỉnh cho các địa phương, tư vấn, đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng văn kiện đại hội Đảng cấp tỉnh, đánh giá tình hình thực hiện ở các đơn vị cấp địa phương hay các đề án lớn ở cấp tỉnh. 

    Nghiên cứu điển hình: Đề án Kinh tế tuần hoàn tại huyện Côn Đảo

    Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) ĐHQG-HCM là đơn vị tư vấn cho Đề án: “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

    Vì đây là một chủ đề mới, ICED đã tập trung phát triển khung phân tích lý luận căn cứ vào các nghiên cứu khoa học trên thế giới, thực tiễn địa phương. Khung phân tích được tham vấn, phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế và các sở ban ngành địa phương. 

    Kết quả thực hiện là cơ sở cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 phê duyệt “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó bao gồm kế hoạch triển khai 6 nhóm chiến lược: du lịch bền vững, nâng cao nhận thức, giảm thiểu rác thải (nhựa), tuần hoàn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, giao thông và năng lượng xanh với tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng giai đoạn 2023-2030. Ngoài ra, đại diện ICED còn được mời tham gia ban chỉ đạo triển khai đề án.

    Hội nghị triển khai Đề án Kinh tế tuần hoàn huyện Côn Đảo (tháng 10/2023).

    Một số đề xuất trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương

    Thứ nhất, Luật Giáo dục sửa đổi đã xác định phục vụ cộng đồng là một trong 3 chức năng của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, cần điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các trường đại học đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện chính sách cho các địa phương như là một tiêu chí cần phấn đấu để trở thành cơ sở giáo dục đại học. 

    Thứ hai, cần có sự liên tục, kết nối toàn lực hệ thống ĐHQG-HCM và phân công trách nhiệm các đơn vị thành viên/trực thuộc xây dựng kế hoạch ngắn/trung/dài hạn trong việc gắn kết các địa phương; không chỉ trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách mà cả trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, viên chức. Chính thông qua những trao đổi trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, viên chức sẽ giúp các nhà khoa học nắm được những vấn đề thực tiễn cấp thiết, những bài toán cần giải; từ đó hình thành các ý tưởng, đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao và có khả năng lan tỏa lớn. 

    Thứ ba, cần có sự trao đổi định kỳ và liên tục về các nhu cầu cấp thiết của địa phương trong quá trình chỉ đạo điều hành kinh tế, quản lý xã hội trước những biến động vĩ mô ở trong và ngoài nước cũng như những phát sinh cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính sự trao đổi thường xuyên sẽ giúp hai bên thấu hiểu được các vấn đề mà địa phương cần cũng như năng lực đáp ứng của các đơn vị thành viên nói riêng và ĐHQG-HCM nói chung. Từ đó, sẽ thực hiện được các nghiên cứu đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các địa phương.

    Thứ tư, thúc đẩy triển khai đổi mới sáng tạo trên cơ sở mô hình hợp tác 3 nhà (Triple Helix): nhà nước - trường đại học - doanh nghiệp. Trong đó, đổi mới sáng tạo được khởi sự từ doanh nghiệp, cung cấp và đặt đề bài cho các trường đại học phát triển các giải pháp và công nghệ mới sát với thực tiễn. Về mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, vai trò quan trọng của nhà nước là tạo ra và duy trì khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp luôn phát triển đổi mới sáng tạo.

    Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG QUÂN - ĐỖ PHÚ TRẦN TÌNH - LÊ BÁ NHẬT MINH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên