Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Ý thức cộng đồng của lao động di dân tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay - NCS. Đỗ Hồng Quân
Tin tức - Sự kiện

Ý thức cộng đồng của lao động di dân tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay - NCS. Đỗ Hồng Quân

  • 14/11/2024
  • Tên đề tài: Ý thức cộng đồng của lao động di dân tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
    Chuyên ngành: Xã hội học
    Mã số: 9.31.03.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đỗ Hồng Quân
    Người hướng dẫn khoa học: PGS TS. Trần Hữu Quang
    Tên cơ sở đào tạo: Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Tp HCM)
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu ý thức cộng đồng của lao động di dân tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) – một trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục lớn của Việt Nam, nơi đón nhận lượng lớn lao động từ các địa phương khác. Ý thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược phát triển xã hội bền vững, thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác giữa các tầng lớp dân cư, hướng đến một thành phố hiện đại và đáng sống. Mục tiêu của nghiên cứu gồm: (1) khám phá cấu trúc cộng đồng của lao động di dân tại Tp.HCM; (2) nhận diện các chiều kích cấu thành ý thức cộng đồng tại nơi cư trú; và (3) phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức cộng đồng, bao gồm điều kiện gia đình, thụ hưởng phúc lợi xã hội, không gian chuyển tiếp đô thị và tiểu văn hóa đô thị. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng và định tính. Khảo sát được tiến hành với 340 người lao động di dân tại Quận 7, Quận 12, Quận Bình Tân và Thành phố Thủ Đức, áp dụng kỹ thuật chọn mẫu theo hạn ngạch. Ngoài ra, 20 phỏng vấn sâu được thực hiện để làm rõ các khía cạnh định tính. Kết quả cho thấy cấu trúc cộng đồng của lao động di dân bao gồm ba hình thái: cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng dựa trên tổ chức và cộng đồng tưởng tượng. Bốn chiều kích chính của ý thức cộng đồng được nhận diện là: (1) tư cách thành viên và ý thức sở thuộc tại khu phố; (2) sự ảnh hưởng và tin cậy; (3) sự hội nhập, thỏa mãn nhu cầu liên kết và sẻ chia; và (4) lòng bao dung. Ba nhóm yếu tố tác động mạnh đến ý thức cộng đồng là thụ hưởng phúc lợi xã hội, tiểu văn hóa đô thị và không gian chuyển tiếp đô thị.
    2. Những kết quả của luận án
    Thông qua quá trình nghiên cứu, luận án đã nhận diện được những kết quả nghiên cứu chủ yếu bao gồm:
    Về mặt đặc điểm nhân khẩu-xã hội, kết quả nghiên cứu trong luận án cho thấy rằng phần lớn những người lao động di dân đến Tp HCM đều có tuổi đời tương đối trẻ (trung bình là 27,11 tuổi). Về mặt giới tính, lao động nữ có xu hướng di dân cùng với những người thân trong gia đình, họ hàng… còn lao động nam lại có xu hướng đi cùng với bạn bè… đi đến Tp HCM. Thu nhập trung bình của người lao động khoảng 6,5 triệu đồng/tháng và thu nhập của lao động nam cao hơn so với lao động nữ. Về mặt nghề nghiệp, phần lớn người lao động di dân hiện đang làm công nhân tại các khu công nghiệp, làm nhân viên tại các công ty/doanh nghiệp, lao động tự do (chiếm tỷ lệ hơn 50%). Đồng thời, giống như những trung tâm đô thị khác, Tp HCM chủ yếu là nơi thu hút người lao động đến sinh sống và làm việc vì mục tiêu kinh tế và thu nhập.
    Cộng đồng lao động di dân được hình thành từ những cá nhân với hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt trong giai đoạn đầu nhập cư, khi họ chủ yếu dựa vào các mối quan hệ thân quen như gia đình, họ hàng và đồng hương. Tại đô thị, nhiều lao động chọn sống gần nhau trong các khu phố có người cùng quê hoặc thân tộc, tạo nên những mạng lưới xã hội quan trọng giúp họ thích ứng với cuộc sống đô thị.
    Nghiên cứu cho thấy cấu trúc cộng đồng của lao động di dân tại Tp.HCM khá mở và được xây dựng trên các mối quan hệ sơ cấp chặt chẽ như bạn bè, hàng xóm và gia đình, cùng với các mối quan hệ xã hội dựa trên nghề nghiệp và học vấn. Cộng đồng này đan xen giữa ba loại hình chính: (1) cộng đồng lãnh thổ, (2) cộng đồng dựa trên tổ chức và (3) cộng đồng tưởng tượng. Internet và mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức tương tác, giúp chuyển từ gặp gỡ trực tiếp sang trực tuyến, tạo ra những hình thái cộng đồng mới linh hoạt hơn trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, dù sinh sống tại đô thị, lao động di dân vẫn duy trì ý thức cộng đồng làng quê và hệ thống thân tộc. Công nghệ giúp họ kết nối thường xuyên hơn với gia đình và thực hiện các nghĩa vụ hỗ trợ kinh tế. Đây là một hình thức cơ bản để duy trì mối quan hệ cộng đồng, tính tương trợ cũng như tư cách thành viên của người lao động di dân.
    Dựa trên khung lý thuyết của McMillan và Chavis (1986), David M.McMillan (2011) và Leonard A. Jason, Ed Stevens và Daphna Ram, (2015), luận án đã nhận diện được bốn chiều kích cấu thành nên ý thức cộng đồng của người lao động di dân tại Tp HCM gồm: (1) tư cách thành viên và ý thức sở thuộc vào khu phố; (2) sự ảnh hưởng/tin cậy tại khu phố; (3) sự hội nhập và thoả mãn nhu cầu liên kết và sẻ chia tại khu phố và (4) sự bao dung của khu phố. Trong đó, chiều kích thứ tư (sự bao dung của khu phố) có sự khác biệt so với khung lý thuyết đã được chứng minh bởi nhóm tác giả: McMillan và Chavis (1986), David M.McMillan (2011) và Leonard A. Jason, Ed Stevens và Daphna Ram, (2015). Đây cũng là chiều kích mà luận án đã nhận diện ra trong bối cảnh nghiên cứu thực tế tại Tp HCM.
    Mạng lưới xã hội đồng hương, thân tộc đóng vai trò quan trọng đối với người lao động di dân trong giai đoạn đầu của quá trình di dân đến đô thị. Tuy nhiên, nhiều lao động di dân thành công tại đô thị thường dựa vào những mạng lưới xã hội mở rộng theo hướng “bắc cầu” ra khỏi hệ thống mối quan hệ đồng hương/thân tộc. Điều này giống như những phát hiện của Deleuze và F. Guattari (1980) về khái niệm rhizome (thân rễ) vốn được sử dụng để giải thích cho sự thành công của nhiều người lao động có thể đến từ những người vốn ít có sự thân quen từ trước đó, điều mà Granovetter (1973) gọi là “sức mạnh của những mối liên kết yếu”.
    Thành phố Hồ Chí Minh thu hút lao động di dân không chỉ nhờ cơ hội việc làm và thu nhập, mà còn nhờ dịch vụ xã hội như giáo dục và y tế. Tuy nhiên, chỉ hơn một nửa số người lao động được khảo sát hài lòng với các dịch vụ này, đặc biệt là giáo dục và chăm sóc y tế cho trẻ em. Những lao động có trình độ học vấn cao thường đánh giá cao hơn về chất lượng các dịch vụ này. Phần lớn phúc lợi xã hội mà họ nhận được đến từ các mạng lưới cộng đồng gần nơi cư trú. Các khu vực ven đô tại Tp.HCM đóng vai trò không gian chuyển tiếp, cung cấp dịch vụ phù hợp cho lao động di dân với đa dạng hoàn cảnh xã hội và sinh kế, đồng thời giúp họ thích ứng lối sống giữa nông thôn và đô thị. Ý thức cộng đồng của lao động di dân được củng cố nhờ sự hiện diện của các tiểu văn hóa đô thị. Thành phố với tính năng động và cởi mở đã dung hòa nhiều nhóm văn hóa, giúp cộng đồng di dân duy trì các tiểu văn hóa qua ẩm thực, biểu tượng văn hóa và phương ngữ, từ đó tăng cường sự gắn kết và hội nhập xã hội.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Những đóng góp về mặt khoa học
    Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ các khía cạnh cấu trúc và ý thức cộng đồng của người lao động di dân tại TP.HCM, từ đó đóng góp vào sự phát triển lý thuyết và thực tiễn về xã hội học đô thị và cộng đồng. Trên khía cạnh cấu trúc cộng đồng, nghiên cứu vận dụng quan điểm của trường phái Tân xã hội học đô thị, nhấn mạnh các mối quan hệ liên cá nhân, sự năng động và trật tự trong các nhóm lao động di dân. Điều này mở rộng hiểu biết về cách cộng đồng lao động hình thành và duy trì tính gắn kết trong bối cảnh đô thị hóa.
    Thứ nhất, luận án đã phân loại được ba hình thái cấu trúc cộng đồng của người lao động di dân gồm: cộng đồng theo lãnh thổ, cộng đồng dựa trên tổ chức và cộng đồng tưởng tượng. Ba hình thái cấu trúc cộng đồng này đan xen và phụ thuộc vào nhau dựa trên các mối quan hệ xã hội trong môi trường đô thị tại Tp HCM.
    Thứ hai, luận án đã nhận diện được bốn chiều kích cấu thành nên lý thuyết ý thức cộng đồng của lao động di dân tại Tp HCM hiện nay là: tư cách thành viên và ý thức sở thuộc tại khu phố, sự ảnh hưởng và tin cậy tại khu phố và sự hội nhập và thoả mãn nhu cầu liên kết sẻ chia và lòng bao dung tại khu phố. So với nhiều công trình nghiên cứu trước đây, lòng bao dung tại khu phố là một chiều kích được nhận diện qua khảo sát thực tế tại Tp HCM.
    Thứ ba, dựa trên lý thuyết của trường phái Tân xã hội học đô thị, luận án lý giải cấu trúc năng động của các cộng đồng di dân, đặc biệt trong những con hẻm và khu phố tại TP.HCM, nơi các nhóm lao động đa dạng tự hình thành các quy tắc và mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau. Trong giai đoạn đầu nhập cư, các mối quan hệ thân quen như thân tộc và đồng hương đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhiều lao động đã thành công nhờ khai thác các mối quan hệ yếu bên ngoài hệ thống thân tộc, phù hợp với lý thuyết về mạng lưới của Granovetter (1973) và khái niệm thân rễ (rhizome) của Deleuze và Guattari (1980).
    Cuối cùng, luận án đã đóng góp về những yếu tố ảnh hưởng đến ý thức cộng đồng của lao động di dân với những nhóm nhân tố chủ yếu gồm: tiểu văn hoá đô thị, không gian chuyển tiếp đô thị cũng như quá trình thụ hưởng phúc lợi xã hội của người lao động di dân.
    Ý nghĩa thực tiễn
    Nghiên cứu về ý thức cộng đồng của người lao động di dân tại Tp HCM là một hướng nghiên cứu quan trọng nhằm trả lời cho những câu hỏi về những lý do nào khiến cho những người lao động di dân lựa chọn gắn bó với Tp HCM, cấu trúc cộng đồng của người lao động di dân hiện nay tại Tp HCM như thế nào. Đồng thời, nghiên cứu này cũng sẽ cung cấp bức tranh chung về ý thức cộng đồng của người lao động di dân, ý thức về sự thuộc về cũng như những yếu tố nào ảnh hưởng đến ý thức cộng đồng của người lao động di dân. Theo tác giả luận án, những vấn đề trên đều là những câu hỏi quan trọng cần được xem xét một cách thấu đáo trong bối cảnh thành phố đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình.
    Kết quả khảo sát từ luận án nghiên cứu này cũng là một nguồn thông tin quan trọng cung cấp những ý nghĩa thực tiễn đối với những cơ quan đoàn thể tại Tp HCM như các chính sách về việc: cần tiếp tục khẳng định chính sách phát triển Tp HCM theo hướng Văn minh-Hiện đại-Nghĩa tình. Cần tôn trọng sự đa dạng của các nhóm tiểu văn hoá đô thị, tính hỗn dung văn hoá và đa dạng các loại hình dịch vụ xã hội dành cho nhiều nhóm lao động khác nhau như là một giải pháp thu hút và giữ chân người lao động ở lại và lựa chọn gắn bó lâu dài với thành phố. Cần xem các cộng đồng đô thị là những hình thái cộng đồng đa dạng và luôn thay đổi theo thời gian, cũng như cần thực hiện các chính sách về việc xây dựng không gian công cộng, an sinh xã hội, tổ chức các sự kiện văn hoá… cho các cộng đồng di dân đô thị nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của những nhóm lao động di dân này.
    Những điểm hạn chế của luận án
    Trong phạm vi nghiên cứu của luận án này, tác giả luận án nhận thấy những điểm hạn chế bao gồm:
    - Về mẫu nghiên cứu và cách chọn mẫu: trong phạm vi nghiên cứu của luận án, mẫu nghiên cứu là loại hình mẫu phi xác suất (mẫu theo định ngạch). Do đó, kết quả nghiên cứu này không thể suy rộng ra cho tổng thể dân số là lao động di dân tại Tp HCM.
    - Địa bàn nghiên cứu: việc lựa chọn bốn địa bàn khảo sát là quận Bình Tân, Quận 12, Quận 7 và Thành phố Thủ Đức trong luận án này với lý do dựa trên tỷ lệ người lao động di dân đến sinh sống và làm việc đông nhưng chưa làm rõ được những nét đặc trưng của từng địa bàn và ảnh hưởng của những đặc điểm này đến ý thức cộng đồng của những người lao động di dân.
    - Về khái niệm ý thức cộng đồng: tác giả luận án chỉ dựa trên khung phân loại của David M. McMillan và David Chavis với 12 chiều kích được nhận diện. Luận án chủ yếu nhận diện những chiều kích cấu thành nên ý thức cộng đồng dựa trên kết quả khảo sát về lao động di dân tại Tp HCM và chưa phân tích mối quan hệ giữa ý thức cộng đồng với những chiều kích khác như vốn xã hội, sự kiến tạo biểu tượng cộng đồng…
    - Về phương diện thời gian: luận án chủ yếu khảo sát cấu trúc cộng đồng và ý thức cộng đồng của lao động di dân hiện nay mà chưa phân tích sâu về những yếu tố tiểu sử cuộc đời hoặc yếu tố lịch đại trong đời sống của lao động di dân.
    - Trong nội dung phân tích về ý thức cộng đồng, tác giả luận án chủ yếu phân tích ý thức cộng đồng tại nơi cư trú mà chưa đề cập nhiều đến ý thức cộng đồng ở các hình thái cộng đồng khác như: cộng đồng tưởng tượng hay là cộng đồng dựa trên tổ chức.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên