Hội thảo

Chúng ta mắc nợ cha ông hơn 1.000 năm lịch sử Bắc thuộc

  • 28/12/2019
  • Đó là nhận định của GS.TS Võ Văn Sen - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tại Hội thảo quốc gia “Họ Khúc trong lịch sử dân tộc - Góc nhìn nghệ thuật quân sự” do Khoa Lịch Sử - Trường ĐH KHXH&NV, Quân Khu VII và Hội đồng Gia tộc họ Khúc Việt Nam tổ chức tại Hội trường Văn Khoa, ngày 28/12.

    GS Võ Văn Sen phát biểu tại hội thảo.

    GS Võ Văn Sen cho biết, hơn 90% nội hàm lịch sử trong sách giáo khoa và các công trình lịch sử dân tộc khác đều bắt đầu từ năm 938 trở đi. 1.000 năm lịch sử trước đó của người Việt vẫn còn những khoảng trống quá lớn.

    “Chúng ta mắc nợ cha ông hơn 1.000 năm lịch sử Bắc thuộc. Chúng ta mắc nợ các nhà sử học quốc tế câu trả lời làm sao mất nước hơn ngàn năm mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc? Trên thế giới, chỉ có hai quốc gia cùng chịu số phận vong quốc này suốt ngàn năm lịch sử nhưng vẫn giữ được nước mình, đó là Do Thái và Việt Nam. Tuy nhiên không có sử gia nước nào trên thế giới lại mắc nợ quốc sử của nước mình nhiều như giới nghiên cứu lịch sử ở nước ta” - GS Võ Văn Sen nhấn mạnh.

    Thảo luận về vai trò của họ Khúc trong việc mở đầu nền độc lập tự chủ của người Việt sau 10 thế kỷ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng cần nhận thấy đây là một quá trình liên tục với sự tham gia của nhiều lực lượng khởi nghĩa anh dũng.

    “Nếu các cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Triệu Quang Phục... người Việt chỉ giữ được chính quyền trong một thời gian ngắn rồi lại bị giặc phương Bắc quay lại thống trị, thì nay khởi nghĩa của họ Khúc đã mở đầu cho một quá trình liên tục giành độc lập. Ở đó, Khúc Thừa Dụ đã đặt viên gạch đầu tiên trong tiến trình ấy vào năm 905 và Ngô Quyền đã kết thúc tiến trình này bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938” - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định.

    Theo PGS.TS Trần Thuận - Trưởng ban Nội dung hội thảo, các hội thảo, tọa đàm khoa học gần đây về sự nghiệp trung hưng đất nước của họ Khúc còn thiếu vắng chủ đề về quân sự, nhất là nét độc đáo về nghệ thuật quân sự của thời kỳ này. Ông cho rằng đây là lí do để các nhà sử học của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đề xuất tổ chức hội thảo với chủ đề khá chuyên sâu này.

    “Các học giả, nhà nghiên cứu đã cố gắng dựa vào nhiều nguồn tư liệu, trong đó có những tư liệu mới được phát hiện như tài liệu Hán Nôm, sắc phong của các vua triều Nguyễn, tài liệu điền dã… để tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan chủ đề hội thảo với hàm lượng khoa học khá cao” - PGS.TS Trần Thuận cho biết.

    Hội thảo đã nhận được 40 tham luận từ các chuyên gia lịch sử và nhà quân sự với nhiều bài viết đặc sắc như: Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo với những tư tưởng quân sự buổi đầu dựng nước và giữ nước (Thiếu tướng Vũ Quang Đạo - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), Văn hóa giữ nước của Tam Khúc Chúa và bài học lịch sử (Trung tướng Phạm Đăng Khóa - Nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Quốc Phòng), Mưu kế (phản gián) của ông cha ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước (Trung tướng Lê Văn Đệ - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Chính trị, Bộ Công An)…

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên