Hoạt động xã hội

ĐHQG-HCM thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn

  • 02/07/2020
  • Ngày 2/7 ĐHQG-HCM tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICDE) trực thuộc ĐHQG-HCM. Tham dự buổi lễ có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP.HCM, đại diện Lãnh sự quán Ý, Hà Lan, Hoa Kỳ, Úc, Phần Lan, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc, cùng các đối tác, doanh nghiệp của ĐHQG-HCM. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân được bổ nhiệm làm Viện trưởng.

    ICDE ra đời nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) trên cơ sở cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách để phát triển mô hình này. Đây là viện KTTH đầu tiên của Việt Nam, thể hiện nỗ lực và đóng góp của ĐHQG-HCM vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
     

    Ra mắt hội đồng Viện.

    Tiên phong trong nghiên cứu KTTH
    Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết: “ICED thực hiện sứ mạng của mình trên nền tảng hệ sinh thái Doanh nghiệp - Chính phủ - Đại học. Thông qua ICED, ĐHQG-HCM đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam”.

    Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận ĐHQG-HCM đã có nhiều sáng kiến trong lịch sử phát triển của mình, tiên phong và đóng góp cho hệ thống giáo dục Việt Nam và TP.HCM. Ông khẳng định: “Thành phố kỳ vọng việc ra đời của Viện sẽ là cơ hội để ĐHQG-HCM tham gia sâu vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam và TP.HCM”.

    ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực về KTTH. ICED nghiên cứu KTTH phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình này cho Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp.
    ICED sẽ là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về phát triển bền vững cho Chính phủ, doanh nghiệp, địa phương.

     

    Giải pháp cho mô hình phát triển bền vững
    PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng ICED, chia sẻ “ICED sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Đây chính là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập - gồm 17 các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs - Sustainable Development Goals) do Liên Hiệp Quốc đề ra”.

    Theo ông Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức và nguyên CEO Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hiện là cố vấn của ICED, mô hình kinh tế tuyến tính chỉ dựa trên nền tảng Lấy (Take), Tạo ra (Make) - Vứt bỏ (Disposal) đã khiến chúng ta đối diện với thách thức về nguồn tài nguyên hữu hạn đang cạn kiệt, môi trường tự nhiên đang bị tàn phá bởi lượng rác thải khổng lồ và phải mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hoàn toàn, sức khỏe con người đang bị đe dọa do môi trường sống như nguồn nước, không khí… bị xuống cấp trầm trọng.

    Toàn cảnh hội thảo


    “Để góp phần giải quyết vấn đề này, mô hình KTTH ra đời dựa trên nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang và tái chế. Đây sẽ là giải pháp cho mô hình phát triển bền vững của chúng ta” - ông Philipp Rösler nhấn mạnh.

    Cố vấn của ICED cho biết thêm, các nước thuộc khối châu Âu đã đi trước khá lâu về việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và đạt được kết quá rất tốt về kinh tế, môi trường, xã hội. Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ ICED phát triển xứng đáng với tầm nhìn và sứ mạng đã đề ra.
     

    Gắn kết và chia sẻ
    Tại lễ ra mắt, ICED đã khởi đầu hoạt động của mình bằng việc ký kết hợp tác với Tập đoàn Nutifood, Tập đoàn VinaCapital, Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - UBND TP.HCM và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

    Nội dung hợp tác tập trung vào các vấn đề như NCKH và đào tạo; tư vấn và triển khai ứng dụng nghiên cứu mang tính chiến lược; định hướng kinh tế nhà nước theo xu thế của nền KTTH trên thế giới; phản biện, tư vấn chính sách về KTTH; khuyến nghị chính sách quản lý và hoạt động quản trị cho các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội ở Việt Nam; tăng cường khả năng thực hiện và công bố sản phẩm khoa học; tổ chức hội thảo, tọa đàm, chia sẻ thông tin...

    Ngay sau buổi lễ, ICED đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam”. Các chuyên gia kinh tế như  GS.TS Stefano Pascucci - Đại học Exeter, ông Matti Tervo, Lãnh sự quán Phần Lan, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường… đã trình bày tham luận trong hội thảo.

    Đại diện các đơn vị ký kết hợp tác với ICED
    ICED là mô hình viện nghiên cứu khoa học được thành lập trực thuộc ĐHQG-HCM với sự hỗ trợ tài chính và vận hành từ cộng đồng doanh nghiệp. ICED được Quỹ VCF thuộc VinaCapital và Tập đoàn Nutifood bảo trợ về kinh phí hoạt động, hỗ trợ vận hành và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Ban cố vấn ICED gồm PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Phạm Phú Ngọc Trai

    Bài, ảnh: THÁI VIỆT

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên