Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/ĐU của ĐHQG-HCM về thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành, sáng 7/2/2025, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về Chương trình Giáo sư thỉnh giảng (Chương trình). Chương trình nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHQG-HCM.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Mục tiêu mời và bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng
Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do Giám đốc ĐHQG-HCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Trình bày Dự thảo Chương trình tại tọa đàm, TS Lê Thị Anh Trâm - Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ ĐHQG-HCM cho biết, Chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030, riêng các năm 2025, 2026 mời và bổ nhiệm được 50 giáo sư thỉnh giảng. Những cá nhân được mời tham gia Chương trình là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ trên thế giới; có hoài bão, khát vọng và mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho ĐHQG-HCM nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Theo tiêu chí bổ nhiệm, các ứng viên phải có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, với sự đóng góp được thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế và sản phẩm công nghệ. Đặc biệt, chương trình ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chip - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, logistic mới, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, lịch sử, văn hóa Việt Nam…
Quyền lợi và trách nhiệm của giáo sư thỉnh giảng
Các giáo sư thỉnh giảng sẽ được Giám đốc ĐHQG-HCM bổ nhiệm trong thời hạn tối đa 5 năm, tối thiểu là 1 năm và có thể được gia hạn. Họ sẽ được hưởng mức thù lao cạnh tranh cùng các hỗ trợ về đi lại, lưu trú khi làm việc tại ĐHQG-HCM.
Ngoài ra, họ còn được tiếp cận hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phòng thí nghiệm và nguồn tài nguyên nghiên cứu tại các trường thành viên ĐHQG-HCM.
Mỗi giáo sư thỉnh giảng phải dành tối thiểu 10 ngày làm việc trực tiếp tại ĐHQG-HCM mỗi năm; chủ động lên kế hoạch và tham gia giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến; sẵn sàng tổ chức hội thảo khoa học, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh và hỗ trợ xây dựng các đề xuất hợp tác quốc tế cũng như hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.
Chương trình không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại ĐHQG-HCM. Các giáo sư thỉnh giảng được kỳ vọng sẽ đóng góp, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo tài năng; truyền đạt kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và các xu hướng công nghệ mới nhất cho sinh viên, học viên sau đại học; đề xuất, xây dựng và làm đồng chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu, các đề án nghiên cứu liên ngành, giải quyết các thách thức cấp bách của Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh đó, họ còn tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ sinh viên và giảng viên phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính thực tiễn cao. Đặc biệt, chương trình sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa ĐHQG-HCM với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên thế giới, mở rộng cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên.
“Chương trình là một sáng kiến”
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu đánh giá Chương trình là một sáng kiến có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu hướng thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Ông đề xuất nên bổ sung cơ chế xét duyệt đặc biệt cho những nhà khoa học trẻ có thành tích xuất sắc, đồng thời tận dụng công nghệ để thu hút giáo sư từ xa, giảm yêu cầu về thời gian có mặt tại Việt Nam.
Phát biểu tại toạ đàm, GS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết nhà trường đã thực hiện chương trình tương tự từ nhiều năm nay và mời được hơn 10 giáo sư thỉnh giảng mỗi năm. Ông cho rằng cần có các văn bản chi tiết, chặt chẽ hơn về chương trình này để Chương trình được triển khai thuận lợi và dễ dàng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, Chương trình là một trong những đột phá của ĐHQG-HCM. Ông đề xuất thêm ngành Luật vào mục các lĩnh vực ưu tiên và cho rằng cần có quy định chung, thống nhất trong hệ thống ĐHQG-HCM để phát huy hiệu quả Chương trình.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ Chương trình, GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Hiệu trưởng Danh dự Trường ĐH Khoa học Sức khoẻ cho biết trong lĩnh vực y khoa, rất nhiều giáo sư các nước có mong muốn được thỉnh giảng tại các trường đại học của Việt Nam nhưng chưa có chương trình chính thức. Khi ban hành, Chương trình Giáo sư thỉnh giảng của ĐHQG-HCM sẽ là cơ hội để kết nối tri thức khoa học trên thế giới.
GS.TS Phan Thị Tươi - Nguyên Hiệu trường Trường ĐH Bách khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG-HCM lưu ý về việc tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam đối với người nước ngoài khi tham gia nghiên cứu khoa học.
GS.TS Nguyễn Phước Dân - Chủ tịch Hội đồng Liên ngành Khoa học trái đất và Môi trường ĐHQG-HCM đề nghị bổ sung tiêu chí tuyển chọn, bao gồm sự công nhận trong lĩnh vực chuyên môn thông qua các giải thưởng và bằng khen, kinh nghiệm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, khả năng hợp tác với cộng đồng học thuật và nghề nghiệp, cũng như khả năng hướng dẫn người học. Ông cũng nhấn mạnh việc cần chi tiết hóa thông báo tuyển dụng, bổ sung thông tin liên hệ trong hồ sơ ứng viên, thành lập hội đồng tuyển chọn đa dạng và đánh giá liên tục đóng góp của giáo sư thỉnh giảng.
GS.TS Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm INOMAR chia sẻ kinh nghiệm từ các đại học ở châu Á và Mỹ về việc bắt buộc giáo sư có thời gian công tác bên ngoài để tăng cường kiến thức và kết nối mạng lưới học thuật. Ông cho rằng ĐHQG-HCM cũng nên áp dụng chính sách tương tực bắt buộc đối với các giáo sư ĐHQG-HCM để tăng cường kết nối và nâng cao kiến thức. Ông cũng đề xuất mời các giáo sư đã nghỉ hưu nhưng có kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ rộng, quan tâm đến quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, và có chính sách cho các nhà khoa học xuất sắc giữ vị trí quản lý như đồng giám đốc hoặc chủ nhiệm chương trình trọng điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sinh - Ủy viên Hội đồng liên ngành Công nghệ thông tin ĐHQG-HCM, giảng viên Trường Đại học Quốc tế mong muốn giáo sư thỉnh giảng được đóng góp ý kiến và nhận phản hồi trong các hội đồng ngành và Hội đồng Giáo sư Nhà nước, phù hợp với chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Quy trình tuyển chọn và triển khai năm 2025
Cũng theo TS Anh Trâm, ĐHQG-HCM sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển từ tháng 3/2025 và tổ chức Hội đồng xét duyệt kỹ lưỡng dựa trên tiêu chí năng lực và thành tích khoa học. Những ứng viên đạt yêu cầu sẽ trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi được chính thức bổ nhiệm. Dự kiến, các quyết định bổ nhiệm sẽ được công bố vào tháng 5/2025.
Trao đổi tại toạ đàm, Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân nhấn mạnh, với các giáo sư có thành tích đặc biệt, có mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cho ĐHQG-HCM và được một nhà khoa học uy tín trong hoặc ngoài ĐHQG-HCM giới thiệu, Hội đồng xét duyệt sẽ đề xuất Giám đốc ĐHQG-HCM xem xét, quyết định mời và bổ nhiệm mà không cần thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Ứng viên gửi hồ sơ trực tiếp tại trang web: vnu350.vnuhcm.edu.vn hoặc qua email: vnu350@vnuhcm.edu.vn.
KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên