Nhằm khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sáng 7/2/2025, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (dự thảo Luật). PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM và GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã dự Tọa đàm.
Dự thảo Luật có bước tiến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu mới
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và và Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đều xác định ưu tiên đầu tư cho hai viện hàn lâm và các đại học trọng điểm trong đó có hai Đại học quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập đến vấn đề này.
“Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là nền tảng pháp lý quan trọng nhất trong việc phát triển khoa học và công nghệ (KHCN). Là một hệ thống giáo dục đại học hàng đầu cả nước, ĐHQG-HCM từ kinh nghiệm làm KHCN của mình cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, góp ý trực tiếp cho dự thảo Luật để gỡ bỏ tất cả rào cản, trở thành động lực mới giúp khoa học thực sự phát triển”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.
TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban Ban Thanh tra - Pháp chế ĐHQG-HCM, đã trình bày các điểm mới của dự thảo Luật và các chính sách được khuyến khích đối với các có sở giáo dục đại học, tổ chức KHCN theo Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật với mong muốn và kỳ vọng Luật KHCN sửa đổi sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng chưa thấy rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KHCN trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển R&D từ trường đại học. Dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào: Ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp KH,CN&ĐMST; Đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; Cải thiện chính sách nhân lực KH,CN&ĐMST để thu hút nhân tài. Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng có ý kiến về tên gọi của Luật. Theo PGS.TS Phan Bảo Ngọc (Trường ĐH Quốc tế), tên dự thảo Luật cần bỏ cụm “đổi mới sáng tạo” vì đổi mới và sáng tạo là một quá trình của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Ông Ngọc cũng lưu ý, dự thảo Luật cần có các điều khoản liên quan chiến lược trọng điểm của quốc gia về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu... để làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển.
Cùng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐH Kinh tế - Luật) cho rằng nếu giữ cụm “Đổi mới sáng tạo” như tên dự thảo Luật sẽ không phù hợp vì đổi mới sáng tạo là kết quả của nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Ngoài ra, các quy định về tài chính và đầu tư cho KHCN theo Chương IV của dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho KHCN tối thiểu 2% ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên chưa bao quát bình quân đầu tư cho KHCN từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia? Trong đó nguồn từ NSNN là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài nhà nước là bao nhiêu? Từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.
GS.TS Phan Thị Tươi (Trường ĐH Bách khoa) đánh giá dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay. Cụ thể, cần định nghĩa thế nào là “Khoa học mở” tại Điều 9. Chính sách của Nhà nước với khoa học mở. Mục 6 Điều 9 quy định” Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này.
Cần trao cơ chế đặc thù cho hai Đại học quốc gia
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai (Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG-HCM), dự thảo Luật đã nhấn mạnh vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo như một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính cấp thiết của việc ban hành Luật, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và sự chuyển dịch sang nền kinh tế số.
Chẳng hạn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP chỉ khoảng 0,44% (dữ liệu 2023), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (4,8%), Trung Quốc (2,2%) và Singapore (1,9%). Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn manh mún, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Ông Trai cũng đề xuất dự thảo Luật cần có các điều khoản quy định về Cơ chế đặc thù cho hai Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Theo đó, hai Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là những trụ cột trong hệ sinh thái KHCN và đổi mới sáng tạo, do đó cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các tổ chức này chủ động trong tuyển dụng, tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác giữa Đại học Quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng.
PGS.TS Phạm Văn Phúc (Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) cho rằng dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ việc thương mại nghiên cứu khoa học nên theo mô hình nào. Đồng thời các quy định về quản lý, vận hành tạp chí KHCN còn chung chung, chưa cho thấy được tính chất đặc thù của tạp chí.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Trần Linh Thước (Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Giáo dục ĐHQG-HCM) cho biết tạp chí KHCN của các trường đại học cần phải được quản lý phù hợp với hoạt động KHCN, không thể xếp chung và quản lý với các tạp chí thông thường khác. Về vấn đề thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, ông Thước cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung tác giả hoặc đại diện tác giả được quyền tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp KHCN.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM) đánh giá dự thảo Luật chưa quy định cụ thể phân cấp phân quyền các tổ chức KHCN để tạo điều kiện cho hoạt động KHCN của các địa phương. Quy định về cơ chế thử nghiệm sandbox còn rất chung chung, cơ chế tự chủ tài chính về tổ chức KHCN vẫn chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho hoạt động KHCN; chính sách thu hút chuyên gia KHCN đầu ngành vẫn chưa thực sự tạo ra sự thuận tiện… Dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ ràng về cơ chế chuyển giao, định giá các sản phẩm KHCN để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, trước khi diễn ra tọa đàm, ĐHQG-HCM đã nhận được 67 ý kiến và tại tọa đàm là 20 ý kiến góp ý dự thảo Luật. Các ý kiến này sẽ được ĐHQG-HCM tổng hợp và gửi cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất về việc cần thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào luật.
Ông Quân nhấn mạnh Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là cơ hội của ĐHQG-HCM. Với tiềm năng, lợi thế đa ngành đa lĩnh vực, ĐHQG-HCM phải tận dụng được cơ hội lớn nhất từ trước đến nay để đột phá phát triển.
Hơn 200 nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã tham gia tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và dự thảo Chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh” vào sáng 7/2. Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN & ĐMST) do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng vào năm 2024 và đang lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo được kết cấu thành 13 chương với 83 điều, tăng thêm 2 chương so với Luật Khoa học công nghệ năm 2013 (Chương 7 Thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển và Chương 10 Phổ biến, lan tỏa tri thức KHCN) và 2 điều luật. |
Hãy là người bình luận đầu tiên