Chiều ngày 8/11/2024, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với ĐHQG-HCM và Hiệp hội bán dẫn Semi tổ chức diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”. Sự kiện thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn như Intel, CMC, Dassault Systemes, Trường ĐH VinUni, và ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã có báo cáo tham luận với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam: Lợi thế, thách thức và giải pháp” tại diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, đã nhấn mạnh thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Bà cho biết, theo dữ liệu từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, cả nước hiện chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn, trong số đó, chỉ có 20% kỹ sư đạt tiêu chuẩn cho ngành công nghệ cao; phần còn lại cần được đào tạo thêm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần từ 30.000 đến 50.000 kỹ sư để phát triển bền vững trong ngành công nghiệp này.
ĐHQG-HCM đóng góp hơn 50% số lượng kỹ sư vi mạch bán dẫn
Thống kê kỹ sư vi mạch bán dẫn đang làm việc ở Việt Nam, GS.TS Thanh Mai cho biết, có khoảng 74% kỹ sư trong ngành này hiện đang làm việc tập trung tại TP. HCM, trong đó hơn 50% được đào tạo từ ĐHQG-HCM.
ĐHQG-HCM là một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và có những lợi thế nhất định để đào tạo ngành này như có kinh nghiệm hơn 20 năm đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư. Mỗi năm, ĐHQG-HCM đào tạo 200 kỹ sư và 50 thạc sĩ chuyên ngành thiết kế vi mạch, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Mai, ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đầu tiên, tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành này trên thế giới khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nâng cao chất lượng nhân lực. Thứ hai, nguồn nhân lực giảng viên và chuyên gia trong nước còn thiếu trầm trọng. Thứ ba, hệ thống phòng thí nghiệm hiện tại còn lạc hậu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học vẫn còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Cuối cùng, nhận thức của sinh viên và người dân về ngành công nghiệp bán dẫn còn hạn chế, dẫn đến thiếu sự quan tâm và lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh đào tạo và hợp tác
Để vượt qua những thách thức này, ĐHQG-HCM đã triển khai các giải pháp cụ thể như cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao tay nghề cho giảng viên và sinh viên, đồng thời đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại. ĐHQG-HCM cũng đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn và các trường đại học danh tiếng trên thế giới để tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên.
“Chúng tôi nhận thấy cần phải đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi thì mới có thể đào tạo ra những thế hệ sinh viên xuất sắc” GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Diễn đàn này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nền tảng hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó giúp Việt Nam từng bước gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên