Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM thí điểm đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế

  • 04/07/2025
  • Ngày 25/6/2025, ĐHQG-HCM đã ban hành Quy định thí điểm một số nội dung về đào tạo trình độ tiến sĩ. Website ĐHQG-HCM đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM để hiểu rõ hơn về mục tiêu, những điểm mới và ý nghĩa của quy định thí điểm này.

    PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM để hiểu rõ hơn về mục tiêu, những điểm mới và ý nghĩa của quy định thí điểm đào tạo thí điểm theo chuẩn quốc tế.
    PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ về mục tiêu, những điểm mới và ý nghĩa của quy định thí điểm đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế.

    * Thưa PGS.TS Trần Cao Vinh, vì sao ĐHQG-HCM ban hành Quy định thí điểm đào tạo tiến sĩ với các cơ chế đặc thù trong bối cảnh hiện nay?

    - Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu, đào tạo tiến sĩ là một trong những trụ cột then chốt giúp nâng tầm vị thế của đại học nghiên cứu. Tại nhiều đại học hàng đầu châu Á như Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Tokyo (Nhật Bản), lực lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ đóng vai trò chủ lực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm đến 51% tổng số học viên sau đại học và chiếm 38% quy mô toàn trường. Đây chính là yếu tố nền tảng giúp các trường này duy trì và liên tục cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

    Với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, trong những năm qua công tác đào tạo tiến sĩ tại ĐHQG-HCM đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Cụ thể: thời gian để hoàn tất chương trình kéo dài thực tế từ 5–7 năm; cơ chế đào tạo chưa đủ linh hoạt để thu hút người học; quy trình đào tạo còn mang nặng tính hành chính. Ngoài ra, đa phần nghiên cứu sinh phải vừa học vừa làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu; đội ngũ giáo sư đầu ngành vẫn còn thiếu ở một số lĩnh vực; mức độ quốc tế hóa và gắn kết với nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Những bất cập này đang là rào cản trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại ĐHQG-HCM.

    Từ việc nhìn nhận rõ những bất cập nội tại và tham khảo kinh nghiệm từ các đại học hàng đầu thế giới, ĐHQG-HCM đã ban hành Quy định thí điểm như một giải pháp đột phá nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời xây dựng một hành lang pháp lý linh hoạt hơn. Quy định này chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo: xây dựng khung quy định chung, trên cơ sở đó các đơn vị xây dựng quy định chi tiết, cụ thể; đồng thời giao quyền cho hội đồng chuyên môn để bảo đảm tính học thuật và linh hoạt. Đây là bước đi tiên phong nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ cao, từng bước tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

    Từ việc nhìn nhận rõ những bất cập nội tại và tham khảo kinh nghiệm từ các đại học hàng đầu thế giới, ĐHQG-HCM đã ban hành Quy định thí điểm như một giải pháp đột phá nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo
    Từ việc nhìn nhận rõ những bất cập nội tại và tham khảo kinh nghiệm từ các đại học hàng đầu thế giới, ĐHQG-HCM đã ban hành Quy định thí điểm như một giải pháp đột phá nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

    * Cụ thể hơn, quy định lần này có gì mới so với các quy định đào tạo tiến sĩ hiện hành?

    - Quy định tập trung xử lý những bất cập đã nêu bằng 4 đổi mới quan trọng. Cụ thể:

    (1) Về thời gian đào tạo

    Quy định cho phép người học có thể thực hiện lộ trình liên thông, học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ, phù hợp với mô hình fast-track Ph.D (Chương trình đào tạo tiến sĩ liên thông, rút ngắn thời gian) phổ biến ở các đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. Thực tế, ĐHQG-HCM và Đại học Quốc gia Singapore đã hợp tác, triển khai mô hình đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ (3+1+4), rút ngắn thời gian đào tạo còn 8 năm. Mô hình này không chỉ theo kịp xu thế quốc tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

    Đồng thời, những nghiên cứu sinh có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc sẽ được xét bảo vệ luận án trước thời hạn. Trên thực tế, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới cho phép bảo vệ sớm với kết quả nghiên cứu vượt trội.

    (2) Về phương thức đào tạo và đánh giá các công bố khoa học

    Người học được lựa chọn giữa phương thức kết hợp học phần với nghiên cứu khoa học hoặc tập trung toàn thời gian cho đề tài, phù hợp thế mạnh và mục tiêu cá nhân.

    Công bố khoa học được đánh giá linh hoạt hơn, phù hợp với đặc thù, chuẩn mực và thông lệ quốc tế của các ngành/nhóm ngành, đồng thời hạn chế việc áp dụng cùng một quy định cho tất cả các ngành/nhóm ngành. Thí điểm đối với nhóm ngành Máy tính – Công nghệ thông tin và Điện – Điện tử – Tự động hóa: Nghiên cứu sinh là tác giả chính của ít nhất 01 công bố trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus, ngoài các yêu cầu cơ bản trong chương trình đào tạo tiến sĩ theo quy định.

    Ngoài ra, nếu là tác giả chính của ít nhất 03 công bố thuộc WoS/Scopus (trong đó có tối thiểu 01 bài thuộc Q2 hoặc hội nghị uy tín hạng B trở lên), nghiên cứu sinh có thể được xét miễn quy trình phản biện độc lập.

    nếu là tác giả chính của ít nhất 03 công bố thuộc WoS/Scopus (trong đó có tối thiểu 01 bài thuộc Q2 hoặc hội nghị uy tín hạng B trở lên), nghiên cứu sinh có thể được xét miễn quy trình phản biện độc lập.
    Trong trường hợp là tác giả chính của ít nhất 03 công bố thuộc WoS/Scopus (trong đó có tối thiểu 01 bài thuộc Q2 hoặc hội nghị uy tín hạng B trở lên), nghiên cứu sinh có thể được xét miễn quy trình phản biện độc lập.

    (3) Về học bổng và hỗ trợ học phí

    Nghiên cứu sinh tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ có thể nhận học bổng và hỗ trợ học phí từ nhiều nguồn: từ cơ sở đào tạo, ĐHQG-HCM, các đề tài – dự án, nguồn tài trợ xã hội và từ chính giảng viên hướng dẫn.

    Việc xây dựng chính sách này là cam kết mạnh mẽ của ĐHQG-HCM trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, giúp người học có kế hoạch, động lực và toàn tâm khi học tập và nghiên cứu. Mô hình này tương tự các đại học hàng đầu thế giới, nơi nghiên cứu sinh được hỗ trợ chủ yếu qua các dự án của giảng viên.

    (4) Nâng cao năng lực nghiên cứu, thúc đẩy nhóm nghiên cứu mạnh

    Các trường đại học lớn trên thế giới thường cho phép các giáo sư có nhóm nghiên cứu mạnh, nhiều đề tài và công bố chất lượng tốt được hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh. Quy định thí điểm này cho phép điều chỉnh số lượng nghiên cứu sinh phù hợp với năng lực và thành tích của giảng viên. Điều này vừa mở ra cơ hội cho nghiên cứu sinh được tham gia các đề tài thực tiễn, vừa thúc đẩy giảng viên phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao năng lực khoa học và kết nối với nguồn tài trợ trong, ngoài nước.

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ngày càng mạnh mẽ, đây không chỉ là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao vị thế học thuật của ĐHQG-HCM, mà còn là tín hiệu rõ ràng về sự chuyển mình thực chất của giáo dục đại học Việt Nam: từ quản lý sang kiến tạo, từ truyền thống sang đột phá, từ trong nước ra quốc tế.

    Xin cảm ơn PGS.TS Trần Cao Vinh đã dành thời gian trả lời!

    PGS.TS Trần Cao Vinh khẳng định, Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu, đào tạo tiến sĩ là một trong những trụ cột then chốt giúp nâng tầm vị thế của đại học nghiên cứu.
    PGS.TS Trần Cao Vinh khẳng định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu, đào tạo tiến sĩ là một trong những trụ cột then chốt giúp nâng tầm vị thế của đại học nghiên cứu.

     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên