Ngày 11/11/2024, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã tổ chức Phiên toàn thể Hội nghị khoa học lần thứ 14 với chủ đề “Khoa học công nghệ hướng tới tương lai xanh và thông minh”. Đây là sự kiện học thuật tổ chức hai năm một lần nhằm tạo cầu nối tri thức, xây dựng đề án nghiên cứu phục vụ nền khoa học nước nhà.
Kết nối các ngành khoa học và các chuyên gia
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, Hội nghị Khoa học là hoạt động truyền thống được nhà trường chú trọng tổ chức trong gần 30 năm qua. Theo đó, chương trình là diễn đàn tri thức quan trọng, nhấn mạnh tính ứng dụng của khoa học trong đời sống.
Theo PGS.TS Trần Minh Triết, Hội nghị Khoa học lần thứ 14 tập trung vào các chủ đề thuộc 16 lĩnh vực khác nhau như: Toán - Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa chất học, Khoa học môi trường, Khoa học vật liệu, Hải dương học, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường, Công nghệ giáo dục, Điện tử - Viễn thông, Vật lý hạt nhân, Vật lý y khoa và Khoa học tích hợp. Điều này thể hiện sự kết nối giữa các ngành khoa học khác nhau và cho thấy sự chú trọng của nhà trường về việc đưa các chương trình tiên tiến vào giảng dạy.
Chuỗi sự kiện Hội nghị bao gồm 07 tiểu ban và 06 Hội nghị quốc tế với sự tham gia của 828 báo cáo khoa học đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước. PGS.TS Trần Minh Triết đánh giá: “Đây là lần thứ 14 Hội nghị được tổ chức nên chất lượng bài báo tham dự được hội đồng cố vấn chuyên môn nhận xét tích cực, khách quan, có nhiều đề tài mới với tính ứng dụng cao, đặc biệt là khả năng thương mại hóa”.
Chuỗi sự kiện Hội nghị Khoa học lần thứ 14 chú trọng sự hợp tác liên ngành, hợp tác khoa học công nghệ giữa các đơn vị trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM. Ngoài ra, chương trình còn là cơ hội để các nhà khoa học trong nước hội nhập quốc tế, tạo sự gắn kết giữa các chuyên gia và người học.
Tiếp cận khoa học, áp dụng thực tiễn
Phiên toàn thể Hội nghị chiều 11/11 có sự góp mặt của các diễn giả: GS.TS Nguyễn Nhựt Tiến - Khoa Khoa học máy tính, Đại học Texas ở Dallas (Hoa Kỳ), trình bày báo cáo sự ra đời của một lĩnh vực mới liên quan đến mối tương quan giữa trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm và bảo mật; PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân - Trung tâm Inomar ĐHQG-HCM trình bày báo cáo về thiết kế và tổng hợp vật liệu MOF ứng dụng cho xúc tác xanh và hấp thụ/chuyển hóa CO2.
Tham gia lắng nghe trình bày báo cáo của hai diễn giả, bạn Nguyễn Doanh Xuân Tuyết (sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) bày tỏ sự thích thú đối với các thông tin hữu ích xoay quanh công nghệ MOF, trí tuệ nhân tạo và bảo mật. Theo đó, Xuân Tuyết cho rằng bản thân có thể tiếp thu các thông tin trên vào các nghiên cứu sau này của bản thân.
“Mình cảm thấy chuỗi chương trình Hội nghị Khoa học với các sự kiện năm nay có ý nghĩa rất lớn đối với sinh viên, giúp các bạn có thể tiếp cận với các báo cáo khoa học khách quan, có tính ứng dụng cao. Điều này giúp mình có thêm động lực nghiên cứu và nối tiếp truyền thống khoa học của nhà trường”, Xuân Tuyết nói.
Đồng quan điểm, bạn Quốc Việt (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) cho rằng các báo cáo của diễn giả dễ hiểu, gần gũi, đúng với kiến thức chuyên ngành. Qua buổi chia sẻ này, Quốc Việt kỳ vọng có thể trau dồi kiến thức với những tư duy khoa học nhằm áp dụng vào hành trình học tập sắp đến.
Hội nghị Khoa học lần thứ 14 nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM, thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ hội nghị, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng tổ chức các hội thảo quốc tế song hành diễn ra từ ngày 11/11 đến hết 26/11.
Hội nghị Khoa học lần thứ 14 do Trường ĐH Khoa học tự nhiên tổ chức là một trong 12 sự kiện chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG-HCM. Chương trình nhấn mạnh sứ mạng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới của cả hệ thống. Từ ngày 11/11 đến hết 26/11, Nhà trường tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế với nội dung hấp dẫn như: Hội nghị Quốc tế về Kỹ thuật, Vật lý, MEMS (11-12/11/2024), Hội thảo Khoa học Trái đất và Phát triển bền vững 2024 (11/11/2024), Hội nghị quốc tế về mạch và hệ thống tiên tiến (11/11/2024), Hội nghị Khoa học Quốc tế Các xu hướng mới trong Hóa học bền vững (18-19/11/2024). |
KHẮC HIẾU - MINH QUÂN
Hãy là người bình luận đầu tiên