Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị giao ban chuyên đề trong đội ngũ báo cáo viên Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã trình bày chuyên đề “Đào tạo nhân lực trình độ cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”. Chuyên đề nhận được nhiều sự quan tâm của các báo cáo viên tại hội nghị.
Kỳ vọng và trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực
Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh vai trò của giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Dẫn chứng cho việc chú trọng đào tạo nhân tài qua từng thời kỳ, ông Quân đã nhắc lại câu chuyện truyền thuyết về Thánh Gióng, tấm gương thầy giáo Chu Văn An, bài báo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông Quân bày tỏ sự tâm đắc đối với câu nói của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ về câu chuyện thành công của Trung Quốc với chiến lược phát triển dựa trên giáo dục, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Từ thực tế lịch sử của chúng ta và bài học từ những quốc gia lớn trên thế giới, tôi muốn nhấn mạnh về việc đào tạo nhân lực trình độ cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội... Nơi nào càng thu hút, tập trung được nhiều người tài giỏi, nơi đó sẽ càng phát triển”, PGS.TS Quân nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Đảng đã đặt kỳ vọng và trách nhiệm rất lớn cho các đại học, trong đó có ĐHQG-HCM. Những vấn đề trọng tâm là nhân lực, khoa học - công nghệ trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Với ĐHQG-HCM, kỳ vọng này chính là trách nhiệm đào tạo nhân tài, bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo tương lai.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, xét về quy mô so với các nước trong khu vực, tỉ lệ sinh viên đại học ở Việt Nam tương đối thấp. Cụ thể, tỉ lệ chỉ khoảng 28,3% so với 44,1% của Malaysia và 49,3% của Thái Lan. Tuy nhiên, việc tăng số lượng sinh viên đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có thay đổi nhằm đảm bảo về chất lượng.
“Nếu chỉ mỗi việc gia tăng số lượng sinh viên mà không đảm bảo được chất lượng giáo dục sẽ gây khó khăn trong việc tuyển sinh. Theo đó, việc tăng số lượng sinh viên phải tăng cả số lượng giảng viên và chú trọng đầu tư cơ sở vật chất nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa quy mô và chất lượng”, PGS.TS Vũ Hải Quân nói.
Ngoài ra, giáo dục Việt Nam còn đứng trước khó khăn về tốc độ già hóa dân số, nguồn ngân sách giảm, học phí sinh viên và các chính sách tài chính cho giáo dục.
Đột phá chiến lược đào tạo nhân lực trình độ cao
Đứng trước các thách thức mà giáo dục Việt Nam đang đối mặt, PGS.TS Vũ Hải Quân đề xuất 3 giải pháp chiến lược: (1) Thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm của nhà nước; (2) Đẩy mạnh tự chủ đại học; (3) Thực thi hiệu quả chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Đối với việc thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm, bên cạnh nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người. Thực tế cho thấy các phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả khi được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi. Ngoài ra, nguồn ngân sách nhà nước cần có lộ trình phù hợp với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm).
Về đẩy mạnh tự chủ đại học, ông Quân nhấn mạnh việc giao quyền chủ động cho các trường đại học về việc tuyển dụng các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên xuất sắc; xây dựng và vận hành được hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động. Theo đó, các nghiên cứu gần đây chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị thế xếp hạng. Các đại học có vị trí cao trên bảng xếp hạng quốc tế thường có nhiều quyền tự chủ về quản trị, tổ chức, tài chính và học thuật.
Đặc biệt, đề cập đến Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, ĐHQG-HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế, số lượng chương trình đào tạo kiểm định quốc tế và luôn đứng trong tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Mỗi năm, ĐHQG-HCM cung cấp gần 20.000 nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các lĩnh vực cho đất nước.
“ĐHQG-HCM luôn định hướng tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi quyết tâm thực hiện các sứ mệnh đã đề ra, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, trách nhiệm xã hội, tư duy khởi nghiệp và năng lực lãnh đạo”, ông Quân nói.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà ĐHQG-HCM đã và đang thực hiện là thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài (Chương trình VNU350); trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đào tạo và nghiên cứu liên ngành; đa dạng hóa nguồn lực tài chính. Hướng đến năm 2045, ĐHQG-HCM đặt mục tiêu nằm trong tốp 50 các đại học hàng đầu châu Á.
KHẮC HIẾU
Hãy là người bình luận đầu tiên