Tên luận án: Giáo dục đại học với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành xây dựng – kiến trúc tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng & Chủ nghĩa duy vật lịch sử
Mã số: 9229002
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Lợi
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NL CLC) ngành xây dựng – kiến trúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) hiện nay đang là vấn đề cấp bách trong việc định hình không gian đô thị, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững khi thành phố đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức: ảnh hưởng biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và sự gia tăng dân số cơ học lớn nhất cả nước. Giáo dục đại học (GDĐH) là nền tảng quan trọng, không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn là nơi giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, phẩm chất, năng lực cần thiết để trở thành nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc. Thời gian vừa qua, GDĐH đã đạt được những thành tựu cung cấp một lượng lớn KS, KTS, thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên gia cho ngành xây dựng – kiến trúc, tuy nhiên thực tế số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy nguồn nhân lực ngành còn thiếu kỹ năng thực tế, khả năng thích ứng với công việc, trình độ ngoại ngữ, sự năng động, sáng tạo, tự chủ phát triển bản thân còn hạn chế, dẫn tới việc không đồng bộ về số lượng và chất lượng. Điều này Đảng bộ thành phố chỉ ra những hạn chế của thành phố trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Đại hội đại biểu đảng bộ thành phố lần thứ XI “chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của thành phố” (Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 28).
Sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu: Trừu tượng hóa, khái quát hóa, phương pháp phân tích tổng hợp, kết hợp logic với lịch sử, phương pháp thống kê so sánh, phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp điều tra xã hội học và phương pháp định tính. Chúng tôi tập trung nghiên cứu đánh giá những thành tựu và những hạn chế trong vai trò của GDĐH với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả vai trò của GDĐH với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến
trúc trước sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế xanh tại các đô thị đang trở thành xu hướng toàn cầu, sự xuất hiện công nghệ mới, vật liệu mới, xu hướng thiết kế mới và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM. Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng hạ tầng của thành phố ngày càng tăng về số lượng và chất lượng với những công trình chống ngập úng, tòa chung cư cao tầng, những tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, đường sắt đô thị trên cao, hệ thống tàu điện ngầm, xây dựng các thành phố thông minh. Việc phát huy hiệu quả vai trò của GDĐH nhằm phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở GDĐH mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực từ phía các đơn vị sử dụng lao động và cơ quan quản lý các cấp.
2. Những kết quả của luận án
Chương 1: Nghiên cứu khái quát về giáo dục đại học: lịch sử giáo dục đại học thế giới và Việt Nam luận án rút ra bản chất, vai trò của GDĐH với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ ra đặc điểm của GDĐH ngành xây dựng – kiến trúc: tính liên ngành và kỹ thuật cao; GDĐH ngành xây dựng – kiến trúc gắn với thực hành và công nghệ; tính thẩm mỹ, sáng tạo và nghệ thuật. Nghiên cứu quan niệm về nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiêu chí xác định nguồn NL CLC, luận án khái quát những đặc trưng của nguồn nhân lực chất lượng cao ngành xây dựng – kiến trúc: tính sáng tạo, tính thẩm mỹ và tính kỷ luật và khả năng làm việc dưới áp lực cao. Đồng thời làm rõ vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và với ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM hiện nay. Trên cơ sở đó, luận án phân tích làm rõ vai trò của GDĐH với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc.
Chương 2: Luận án đã tập trung phân tích các yếu tố tác động tới giáo dục đại học trong việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM hiện nay bao gồm cả những yếu tố thuộc về bối cảnh thế giới cũng như trong nước, đặc biệt những lợi thế so sánh của TP. HCM về kinh tế, con người và điều kiện tự nhiên. Trên cơ sở lý luận, luận án tập trung làm rõ những thành tựu và hạn chế của giáo dục đại học với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TPHCM hiện nay.
Kết quả khảo sát cho thấy, giáo dục đại học góp phần nâng cao số lượng, đồng thời là cơ sở, nền tảng trong việc trang bị tri thức, kỹ năng, thái độ, là môi trường rèn luyện thể lực cũng như năng lực sáng tạo và tư duy thẩm mỹ, khả năng tự nghiên cứu phát triển bản thân cho nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc. Tuy nhiên còn hạn chế: việc trang bị tri thức còn nặng về lý thuyết, thiếu kiến thức thực tiễn, kiến thức khoa học công nghệ cũng như kiến thức về các xu hướng mới trong ngành xây dựng – kiến trúc, đồng thời chưa có sự đồng đều về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Việc trang bị kỹ năng, thể lực, tư duy sáng tạo, tính thẩm mỹ của nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của các doanh nghiệp. Năng lực tự nghiên cứu phát triển bản thân còn hạn chế. Luận án phân tích những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của những thành tựu, hạn chế làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của giáo dục đại học với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM.
Chương 3: Luận án đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của giáo dục đại học với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM hiện nay, trong đó tập trung vào các phương hướng về quán triệt quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách của Nhà nước và Đảng bộ chính quyền TP. HCM về vai trò của GDĐH với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc tại TP. HCM hiện nay; việc phát triển nhân lực ngành xây dưng – kiến trúc phải dựa trên tiềm năng, mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế của TP; đồng thời phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị. Luận án đề xuất các nhóm giải pháp: nhóm giải pháp về nhận thức, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp tổ chức thực hiện.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án
Làm rõ những vấn đề lý luận về GDĐH, NL CLC, nguồn NL CLC ngành xây dựng – kiến trúc một cách cơ bản và hệ thống giúp người đọc hiểu rõ vai trò của GDĐH với việc phát triển nguồn NL CLC ngành xây dựng - kiến trúc tại TP. HCM hiện nay. Đồng thời, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc: (i) là tài liệu tham khảo bổ ích cho lãnh đạo các trường ĐH đào tạo ngành xây dựng – kiến trúc, cho đảng bộ, chính quyền các cơ quan ban ngành của TP. HCM trong việc đề ra các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng GDĐH nhằm phát triển nguồn NL CLC cao ngành xây dựng – kiến trúc góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố. (ii) Kết quả nghiên cứu có giá trị tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập các học phần lý luận chính trị như: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, các học phần Xã hội học, Giáo dục học và các cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề này.
Hãy là người bình luận đầu tiên