Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Hiểu đúng về “Overthinking”

  • 24/05/2023
  • Hơn 200 sinh viên đã tham dự tọa đàm “GỠ - Thoát khỏi đại dương suy nghĩ” do sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM - tổ chức vào chiều 23/5.

    Theo TS tâm lý Tô Nhi A, đối mặt với các vấn đề xã hội, người trẻ thường có xu hướng mắc phải căn bệnh “nghĩ nhiều” theo chiều hướng tiêu cực, thái quá. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu đúng về hội chứng này.

    TS Nhi A nói: “Overthinking xuất hiện như một cơ chế của cơ thể để bảo vệ chúng ta trước những khó khăn. Những suy nghĩ quá mức khiến cơ thể có cảm giác được an ủi, được yên tâm, từ đó suy nghĩ được nuôi dưỡng để đi rất xa. Nếu tình trạng đã đến mức rối loạn, việc trị liệu tâm lý là cần thiết, đồng thời phải duy trì điều trị bằng thuốc”.

    Đưa ra giải pháp cho vấn đề “overthinking”, TS Tô Nhi A khuyên nhủ: “Ai cũng có thể mắc phải hội chứng overthinking, nhưng đó không phải là tận thế! Hãy cho cơ thể khoảng 3 tuần để tự thay đổi và cảm nhận. Nếu các bạn không có cải thiện, cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng, thậm chí cơ thể có những thay đổi về ăn, ngủ, khó tập trung, khó ghi nhớ... hãy trị liệu tâm lý ngay”.

    Để thoát khỏi “đại dương suy nghĩ”, TS Tô Nhi A khuyến cáo các bạn trẻ cần tập “trung vào hiện tại trong mỗi hành vi”. Lâu dài hơn, sinh viên phải thay đổi hành vi và sống kỷ luật. Trong đó, TS Tô Nhi A nhấn mạnh về các hoạt động như đi bộ, chạy, bơi, yoga, thiền,...

    Chuyên gia tâm lý này cho rằng việc tích cực hoạt động giúp bản thân tái tạo hoạt động của các nhóm cơ, tiêu hao năng lượng và dẫn đến nhu cầu nghỉ ngơi một cách tự nhiên. Điều này còn giúp sinh viên phát triển bản thân, học hỏi kỹ năng mới, tạo ra cảm giác yên tâm hơn về năng lực và hạn chế overthinking.

    Bạn Nguyễn Thị Bảo Trân - Trưởng BTC chương trình, cho biết: “Tọa đàm ‘GỠ - Thoát khỏi đại dương suy nghĩ’ ra đời nhằm cung cấp thông tin, kiến thức và phương pháp giúp các bạn có thể vượt qua hội chứng này một cách tốt nhất”.

    Sinh viên Kiều Hồ Trung Dũng - Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, chia sẻ: “Bản thân mình thường có những suy nghĩ tiêu cực khi đối diện với áp lực học tập và công việc. Điều này khiến mình cảm thấy lo lắng, thậm chí dẫn đến mất ngủ kéo dài. Qua chương trình, mình đã hiểu hơn về hội chứng này và tích góp được một số phương pháp nhằm cải thiện bản thân”.

    TS Tô Nhi A (giữa) với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý học chia sẻ cùng các bạn sinh viên về hội chứng overthinking.
    Sinh viên đặt câu hỏi về những phương pháp giảm thiểu overthinking.

    Tin, ảnh: KHẮC HIẾU

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên