Tin tức - Sự kiện

Năng lực giao tiếp liên văn hóa của sinh viên khối xã hội nhân văn Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (trường hợp sinh viên xã hội nhân văn, ĐHQG-HCM) - NCS. Văn Thị Nhã Trúc

  • 08/07/2024
  • Tên đề tài: Năng lực giao tiếp liên văn hóa của sinh viên khối xã hội nhân văn Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (trường hợp sinh viên xã hội nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)
    Chuyên ngành: Văn hóa học        
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Văn Thị Nhã Trúc
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Hiệu & TS. Lê Hoàng Dũng
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Trong thời đại toàn cầu hóa, giao tiếp liên văn hóa (GTLVH) ngày càng trở nên cấp thiết. Để GTLVH diễn ra thuận lợi, mỗi cá nhân cần bồi dưỡng năng lực giao tiếp liên văn hóa (NLGTLVH) của mình. NLGTLVH gồm ba thành tố chính: năng lực thái độ liên văn hóa, năng lực nhận thức liên văn hóa và năng lực hành vi liên văn hóa. Luận án tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu trong NLGTLVH của sinh viên ngành xã hội và nhân văn, ĐHQG-HCM; đồng thời tìm hiểu những nhân tố văn hóa góp phần hình thành nên cũng như tác động đến NLGTLVH của họ để từ đó cung cấp cơ sở lý thuyết và cơ sở thực tiễn nhằm góp phần bồi dưỡng NLGTLVH của sinh viên trong công cuộc hội nhập quốc tế.
    2. Những kết quả của luận án
    2.1. Về phương diện khoa học
    Luận án đi đến kết luận rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, GTLVH tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho con người nhưng cũng sẽ tạo ra những rào cản nhất định vì GTLVH chịu tác động của nhiều yếu tố. NLGTLVH được hình thành từ, đồng thời phản ánh, nét tâm lý, tính cách, giá trị/chiều kích và văn hóa giao tiếp của mỗi dân tộc. Một cá nhân được cho là có NLGTLVH sẽ có năng lực thái độ liên văn hóa, năng lực nhận thức liên văn hóa, và năng lực hành vi liên văn hóa. Ba khía cạnh này có tương quan biện chứng lẫn nhau và cùng giúp GTLVH diễn ra phù hợp và hiệu quả. Trong đó, năng lực nhận thức liên văn hóa đóng vai trò then chốt, làm thay đổi năng lực thái độ, từ đó thúc đẩy năng lực hành vi.
    2.2. Về phương diện thực tiễn
    Hướng đến việc phát triển NLGTLVH cho sinh viên, cần chú ý:
    - Kết hợp giáo dục một số giá trị truyền thống của Việt Nam như tính linh hoạt, tính hài hòa, tính chủ toàn (đồng thời hạn chế những phi giá trị phái sinh) và bổ sung những giá trị mới của thời đại, như năm giá trị cốt lõi (5Cs): Hợp tác (Collaboration), Giao tiếp (Communication), Tư duy phản biện (Critical thinking), Sáng tạo (Creativity), và Không ngừng tiến bộ (Continuous improvement), hay một số giá trị khác theo bộ tiêu chuẩn DELTAs do Viện nghiên cứu McKinsey đề xuất.
    - Tạo cơ hội cho sinh viên giao tiếp với người nước ngoài thông qua các hình thức giáo dục khác nhau. Đối với giáo dục chính quy, ngoài những hoạt động chính khóa, cần tăng cường những hoạt động ngoại khóa hay đồng khóa để tăng cường trải nghiệm GTLVH cho sinh viên.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Đề tài có thể tiến hành nghiên cứu thêm theo một hay kết hợp cả hai hướng sau đây:
    Thứ nhất, mở rộng quy mô nghiên cứu, với đối tượng sinh viên đa dạng hơn từ nhiều trường đại học khác nhau. Thứ hai, kết hợp những phương pháp, cách tiếp cận khác (như cách tiếp cận dân tộc học) và tìm hiểu sâu hơn những nhân tố ảnh hưởng đến NLGTLVH của sinh viên, từ đó đi đến những nhận định khái quát hơn về NLGTLVH của sinh viên Việt Nam cũng như đưa ra những đề xuất cụ thể, xác thực hơn, nhằm nâng cao NLGTLVH của sinh viên Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên