Tin tổng hợp

Những kết quả nổi bật trong xếp hạng đại học quốc tế

  • 12/02/2025
  • ĐHQG-HCM chủ động tham gia xếp hạng đại học quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của đơn vị, đồng thời sử dụng kết quả xếp hạng như một kênh thông tin hữu ích để đối sánh và cải tiến chất lượng. Kết quả tham gia xếp hạng đại học quốc tế của ĐHQG-HCM trong nhiều năm qua đã có những dấu ấn nổi bật.

    XU HƯỚNG ĐI LÊN CỦA ĐHQG-HCM TRONG BẢNG XẾP HẠNG ĐẠI HỌC CHÂU Á 

    Năm 2009, ĐHQG-HCM lần đầu xuất hiện trong bảng xếp hạng QS Asia trong Top 201-250. Đến năm 2014, ĐHQG-HCM tiến đến Top 191-200 và vào Top 150 của bảng xếp hạng đại học QS châu Á năm 2016. 

    Từ năm 2017, ĐHQG-HCM chủ động triển khai hệ thống thu thập và cung cấp dữ liệu cho tổ chức QS. Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và bao quát của hoạt động xếp hạng đại học quốc tế trong toàn hệ thống, Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQG-HCM đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ĐU ngày 24/4/2017 về việc “tham gia xếp hạng đại học theo tiêu chuẩn quốc tế giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo”. Đây là cơ sở quan trọng để ĐHQG-HCM triển khai các đề án về xếp hạng đại học trong giai đoạn 2017-2020, 2021-2025 và nhiều nội dung trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng.

    Năm 2025, ĐHQG-HCM ở vị trí 184/984 cơ sở giáo dục được xếp hạng tại châu Á theo QS ASIA, với 3 tiêu chí tiệm cận Top 100 bao gồm: Danh tiếng học thuật (hạng 110), Danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 113) và Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (Top 151-160). ĐHQG-HCM là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong 4 năm liên tiếp thuộc Top 301-350 trên Bảng xếp hạng các đại học đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới (QS Graduate Employability Rankings).

    Năm 2018, ĐHQG-HCM được xếp vào nhóm 33,3% trường đại học tốt nhất châu Á. Đến năm 2025, ĐHQG-HCM đã vào nhóm 18,7% các trường đại học tốt nhất châu Á.

    NHỮNG DẤU ẤN NỔI BẬT CỦA ĐHQG-HCM TRONG XẾP HẠNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ 

    Trong xếp hạng QS Asia 2025, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 18,7% đại học xuất sắc nhất châu Á. ĐHQG-HCM đứng đầu Việt Nam ở các tiêu chí Danh tiếng học thuật, Danh tiếng với nhà tuyển dụng và Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong nhiều năm liên tục. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy chất lượng hoạt động của ĐHQG-HCM được xã hội đánh giá cao. 

    Bên cạnh bảng xếp hạng QS Asia, uy tín và vị thế của ĐHQG-HCM ngày càng được khẳng định trên nhiều bảng xếp hạng khác, bao gồm: THE Emerging Economics University Rankings (Top 401+); QS Sustainability Rankings (Top 841-860); QS World University Rankings (Top 951-1000); THE World University Rankings - Asia (Top 501-600); THE World University Rankings (Top 1501+). ĐHQG-HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số ngành/lĩnh vực được xếp hạng theo QS World University Rankings by Subjects và THE World University Rankings by Subjects (18 ngành/lĩnh vực). 

    Đặc biệt, ba năm liền (2022, 2023, 2024) ngành Kỹ thuật Dầu khí của Trường ĐH Bách khoa duy trì trong Top 51-100 thế giới trên Bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực của QS Ranking. 

    Trường ĐH Bách khoa đạt chuẩn tái kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn HCERES, Pháp trong thời hạn 5 năm (10/04/2024 - 10/04/2029).
    Trường ĐH Bách khoa đạt chuẩn tái kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn HCERES, Pháp trong thời hạn 5 năm (10/04/2024 - 10/04/2029).

    PHÁT TRIỂN ĐHQG-HCM THÀNH CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC TOP 100 CHÂU Á 

    Bước sang tuổi 30, trưởng thành và vững chắc hơn, ĐHQG-HCM tiếp tục tiến vào một giai đoạn mới. Với khát vọng vươn tầm quốc tế, ĐHQG-HCM đã xây dựng Đề án “Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án này thuộc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

    Mục tiêu đề án xác định năm 2030, ĐHQG-HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, góp phần kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, gắn kết và phục vụ cộng đồng.

    Đoàn đánh giá cấp chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (năm 2017).
    Đoàn đánh giá cấp chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (năm 2017).

    Đề án Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á đặt ra 7 nhiệm vụ và giải pháp: 

    (1) Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG-HCM; 

    (2) Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi tại Trường Phổ thông Năng khiếu; Tuyển chọn và đào tạo chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu cơ bản; 

    (3) Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực Công nghệ bán dẫn; 

    (4) Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực Công nghệ sinh học; 

    (5) Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo; 

    (6) Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối vùng và khu vực Đông Nam Á; 

    (7) Phát triển nguồn lực tài chính.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên