Lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM đã có nhiều thảo luận sôi nổi về các quy định liên quan cơ cấu thành phần của hội đồng trường (HĐT) tại tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99”. Tọa đàm do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào chiều 21/4.
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, trong trường đại học, có hai quy chế tổ chức quan trọng là quy chế tổ chức hoạt động của trường và HĐT. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 (Dự thảo) vẫn chưa nêu rõ quy chế tổ chức hoạt động của HĐT.
Đồng thời, để được công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, theo điều 10 của Dự thảo, trường đại học phải cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ/năm trở lên. Quy định này nghe ra khá hợp lý vì phải có quy mô đào tạo tiến sĩ ở một mức nào đó trở lên anh mới được công nhận là đại học nghiên cứu.
“Nhưng điều này có khiến cho các trường đại học muốn trở thành đại học nghiên cứu sẽ chạy đua để đạt 20 tiến sĩ/năm. Liệu có nên như vậy hay không? Tôi tìm hiểu các trường trong khối kinh tế và luật ở phía Nam, một năm các trường này đào tạo cao nhất từ 5-8 tiến sĩ là mệt mỏi rồi” - PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh đặt vấn đề.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết, hiện nay, theo quy định cơ cấu thành phần HĐT sẽ gồm đại diện viên chức, người lao động (VC, NLĐ) như các trưởng phòng, nhà giáo của trường. Trong quá trình hoạt động, hết 364 ngày họ đang là dưới quyền của hiệu trưởng. Chỉ 1-2 lần trong các phiên họp HĐT là họ được bày tỏ ý kiến của họ.
“Nếu tôi là trưởng phòng, trưởng khoa tôi cũng ngại có ý kiến. Vì nếu mình có ý kiến khác với lãnh đạo, ngày mai mình trở về với cương vị là đơn vị tham mưu, mình phải thực hiện theo ý kiến của lãnh đạo cấp trên. Do đó, thành viên HĐT có nên giữ vai trò chuyên trách hay không? Không chịu sự tác động và chi phối của ban giám hiệu như vậy họ mới hoàn thành sứ mạng là đại diện cho VC, NLĐ, thực hiện trọn vẹn sứ mạng của mình” - ông Khánh bình luận.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM, cho biết trường từng được nhận góp ý của Thanh tra Bộ GD&ĐT là thành phần của HĐT của trường không đúng theo quy định. Vì thành phần đại diện cho GV, VC, NLĐ của trường có một số thầy cô là viên chức quản lý.
Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN nói: “Thanh tra cho rằng đại diện cho NLĐ của trường thì không được là VC quản lý. Trong Luật 34 và NĐ 99 sửa đổi, bổ sung cũng không quy định về điều này. Do đó cần làm rõ, VC quản lý có được làm đại diện cho GV, VC hay không? Tuy nhiên, với hoạt động của HĐT Trường ĐH KHTN vừa qua, là VC quản lý cũng có những thuận lợi cho hoạt động của HĐT. Vì họ đã nắm được các quy định của nhà nước, ĐHQG trong lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách. Họ sẽ giải đáp được thắc mắc của các thành viên ngoài trường”.
Ông Quan cho biết thêm, nếu các thành viên HĐT là chuyên trách, họ sẽ ít có điều kiện nắm được các quy định vì những quy định này nhiều khi cũng chồng chéo. Chẳng hạn, quy định về đào tạo không chỉ có đào tạo mà còn liên quan tài chính, sinh viên… Điều này sẽ rất khó.
Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Lê Quan, PGS.TS Lê Minh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Bách Khoa, đề xuất Dự thảo cần làm rõ việc quy định về đại diện cho VC, NLĐ của trường trong HĐT. Điều này sẽ thuận lợi cho việc bầu các thành viên hội đồng, tránh nhiều cách diễn giải khác nhau giữa thanh tra của Bộ với trường.
Phát biểu kết luận, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết các đại biểu đã tìm hiểu sâu sắc nội dung Dự thảo và đưa ra nhiều đóng góp thẳng thắn, ý nghĩa. Trong văn bản gửi về Bộ GD&ĐT, ĐHQG-HCM sẽ chia thành 2 phần, một phần ghi nhận các góp ý trực tiếp cho các điều khoản trong Dự thảo. Phần thứ 2 là các ý kiến đóng góp khác về Dự thảo. Trên cở sở đó, Bộ GD&ĐT có thể xem xét và sửa đổi một cách toàn diện hơn.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên