Khoa học công nghệ

Sản phẩm chủ lực gắn kết công nghệ chủ lực là cơ sở nâng tầm thương hiệu sản phẩm của tỉnh Long An

  • 18/04/2025
  • Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM trong Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại tỉnh Long An” do ĐHQG-HCM và tỉnh Long An phối hợp tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh Long An vào ngày 17/4/2025. PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM và ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Long An đồng chủ trì hội thảo.

    PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM và ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Long An đồng chủ trì hội thảo.

    Sinh viên Long An là hạt nhân của tỉnh trong việc phát triển

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyết cho biết Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đột phá, khả thi nhằm sớm đưa Nghị quyết số 57 vào thực tiễn cuộc sống; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) tại tỉnh Long An.

    Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Long An phát biểu khai mạc hội thảo.

    Ông Quyết nhấn mạnh: “Tôi kỳ vọng sẽ được lắng nghe những ý kiến tâm huyết, những công trình nghiên cứu giá trị, những mô hình ứng dụng hiệu quả, từ đó góp phần xây dựng những chính sách, chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của tỉnh Long An”.

    Phát biểu định hướng Hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết có một số lí do quan trọng để ĐHQG-HCM đồng hành cùng tỉnh Long An triển khai thực hiện Nghị quyết số 57.

    Đầu tiên, tỉnh Long An là địa phương có số lượng sinh viên đông thứ 2 sau Tiền Giang và không tính An Giang đang theo học tại các trường thành viên ĐHQG-HCM với hơn 2.500 sinh viên. Nhiều em sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ sư hàng đầu liên quan lĩnh vực KHCN. Đây là hạt nhân của tỉnh trong việc phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

    PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu định hướng tại hội thảo.

    Thứ hai, Nghị quyết số 57 đặt ra những mục tiêu lớn và quan trọng đòi hỏi địa phương phải có những tư duy mới, cách làm mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương còn thiếu nhất quán và lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai các chính sách hỗ trợ ĐMST, đặc biệt là trong lĩnh vực CĐS. Chẳng hạn yêu cầu phát triển kinh tế số. Không phải địa phương nào cũng phát triển kinh tế số, vì có những địa phương thế mạnh nằm ở du lịch, nông nghiệp. Do đó, nếu địa phương áp dụng các chỉ tiêu phát triển máy móc sẽ không thể thực hiện thành công Nghị quyết số 57. Việc đồng hành của ĐHQG-HCM nhằm phục vụ, hỗ trợ cho các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết này.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 57, tỉnh Long An cần xác định các sản phẩm chủ lực gắn với công nghệ chủ lực. Khi có sản phẩm chủ lực và công nghệ chủ lực, nhà nước (tỉnh Long An) cùng trường đại học và doanh nghiệp hình thành kiềng 3 chân. Đây là cơ sở để phát triển, nâng tầm thương hiệu sản phẩm của tỉnh Long An.

    Đối với vấn đề CĐS, ông Quân kiến nghị tỉnh cần mạnh dạn đầu tư và chịu trách nhiệm đầu tư việc số hóa, gồm (1) số hóa dữ liệu địa phương từ cấp xã đến tỉnh và (2) đầu tư số hóa dữ liệu đất đai.

    ĐHQG-HCM cam kết đồng hành đào tạo nguồn nhân lực

    Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Long An trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của tỉnh.

    Trình bày báo cáo tổng quan Chương trình số 66-CTr/TU ngày 24/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Long An cho biết tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030 có tiềm lực, trình độ KHCN và ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thế mạnh của tỉnh; thuộc nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, ĐMST của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước. Xếp hạng về ĐMST, CĐS của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

    Theo ông Hải, để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS cũng như phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

    Đề xuất hợp tác trọng tâm giữa ĐHQG-HCM và tỉnh Long An về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban KH&CN cho rằng có 5 nhóm nội dung tiềm năng để ĐHQG-HCM và tỉnh Long An có thể hợp tác theo định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đó là (1) Phát triển KHCN lĩnh vực công nghệ sinh học; (2) Phát triển KHCN lĩnh vực vật liệu và cơ khí tự động hóa; (3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (4) ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo và (5) CĐS/Kinh tế số.

    PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban KH&CN đề xuất các hợp tác trọng tâm giữa ĐHQG-HCM và tỉnh Long An.

    Dựa trên các nhóm nội dung hợp tác này, ông Vinh đề xuất tỉnh Long An và ĐHQG-HCM thành lập tổ công tác chung nhằm xây dựng “Chương trình nghiên cứu Công nghệ sinh học, Cơ khí tự động, Kinh tế số… giữa tỉnh Long An và ĐHQG-HCM giai đoạn 2025-2030 thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW” trình UBND tỉnh Long An phê duyệt triển khai giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, hai đơn vị cùng phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (sau đại học), đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương, doanh nghiệp.

    Thảo luận về chính sách liên kết “4 Nhà”: Nhà nước - Viện/Trường - Doanh nghiệp và các nhà khoa học để phục vụ mục tiêu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của tỉnh, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển Chính sách ĐHQG-HCM đề xuất tỉnh thực hiện 4 chính sách để thúc đẩy cơ chế này. Đó là (1) thành lập quỹ ĐMST của tỉnh nhằm đồng hành tài trợ cho doanh nghiệp, (2) Cải cách quản lý KHCN, ĐMST, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; (3) Xây dựng trung tâm nghiên cứu dùng chung cho tỉnh và (4) Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ đó hình thành mạng lưới tri thức tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tế của tỉnh như phát triển nông nghiệp số.

    Đối với việc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ số của tỉnh, PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa kiến nghị tỉnh cân đối giữa cung và cầu về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Nếu trong 5 năm tới, tỉnh định hướng phát triển lĩnh vực mảng logictics, AI, bán dẫn, tỉnh sẽ cần đào tạo nguồn nhân lực tương ứng với định hướng này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sau khi đào tạo xong, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm tốt và cơ hội phát triển cho họ. ĐHQG-HCM có thể tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân sự của tỉnh, cung cấp chứng chỉ về nâng cao năng lực số.

    Chia sẻ quan điểm trên, GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV đề xuất tỉnh thu hút người của Long An về Long An cống hiến thông qua các cơ chế như thu hút nhân tài; đặt hàng các đơn vị đào tạo nhân lực về những lĩnh vực tỉnh quan tâm. Đồng thời, tỉnh cần thành lập trung tâm hỗ trợ về KHCN, ĐMST, CĐS. Đây là nơi thí điểm và triển khai các dự án theo mô hình liên kết 4 nhà và tỉnh có thể triển khai ngay trong năm 2025.

    Tiếp nối các thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn kiến nghị tỉnh có thể lựa chọn mô hình 1 kèm 1. Theo đó chuyên gia của ĐHQG-HCM sẽ đồng hành các sở ngành cấp tỉnh hoặc cấp xã để cùng thực hiện CĐS thông qua các chương trình, dự án cụ thể. Đồng thời tỉnh cần có chương trình hỗ trợ cho các nhà khoa học làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để thúc đẩy doanh nghiệp vận dụng KHCN nâng cao năng suất sản xuất.

    Đúc kết các thảo luận trên, PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết mang tính xây dựng của các đại biểu. Ông cho biết ĐHQG-HCM sẽ góp ý khi nhận được kế hoạch triển khai của tỉnh và sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh trong các hoạt động khi tỉnh có nhu cầu.

    Về đào tạo, ĐHQG-HCM cam kết đồng hành với tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đây là sứ mệnh và trách nhiệm của ĐHQG-HCM.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, hơn 2.500 sinh viên Long An theo học tại ĐHQG-HCM là những đứa con ưu tú nhất của tỉnh Long An. Do đó, ông đề xuất tỉnh vận động doanh nghiệp thành lập quỹ hỗ trợ vay vốn cho sinh viên học tập cũng như đặt ra các cam kết để các em quay về phục vụ tỉnh. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM sẽ hỗ trợ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và cấp bằng hoặc đào tạo từ xa.

    Về hoạt động CĐS, ĐHQG-HCM sẽ tham gia tư vấn, tham mưu cho tỉnh trong việc thực hiện các dự án CĐS. Nếu tỉnh xem CĐS là ưu tiên số một, tỉnh nên có chương trình KHCN về CĐS, giao ĐHQG vận hành về chuyên môn, tỉnh cấp kinh phí và tiếp nhận sản phẩm.

    Ông Quân đề xuất tỉnh xem ĐHQG-HCM là đối tác chiến lược trong việc kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp về hoạt động tại tỉnh.

    PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề xuất cơ chế hợp tác “4 nhà”: nhà nước - viện/trường - doanh nghiệp và nhà khoa học.
    GS.TS Ngô Thị Phương Lan thảo luận về chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
    Toàn cảnh hội thảo.

     

    TRUYỀN THÔNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên