Tin tức - Sự kiện

Tác động của văn hóa tổ chức đến công tác quản lý trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - NCS. Nguyễn Việt Hồng

  • 31/03/2025
  • Tên luận án: Tác động của văn hóa tổ chức đến công tác quản lý trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    Chuyên ngành: Quản lý giáo dục
    Mã số: 91 14 01 14
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Việt Hồng
    Người hướng dẫn khao học: GS. TS Nguyễn Lộc
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Văn hóa tổ chức có vai trò quan trọng cho sự phát triển và thích ứng với tất cả sự thay đổi môi trường xung quanh của một tổ chức, là nền tảng cho việc ra các quyết định và hành động của các nhà lãnh đạo (Denison và Neale, 2000). Nghiên cứu về văn hóa tổ chức trong trường đại học được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây và xem đó là một trong những nhân tố thúc đẩy hiệu quả, nâng cao chất lượng các hoạt động của trường đại học.
    Luận án được thực hiện nhằm đánh giá tác động của văn hóa tổ chức đến công tác quản lý trong ĐHQG-HCM dựa trên tiếp cận mô hình văn hóa tổ chức của Denison (Denison và Neale, 2000) và các quy định quản lý trường đại học trong Luật Giáo dục đại học (Quốc hội, 2018). Dữ liệu được thu thập từ 466 cán bộ quản lý và giảng viên của bảy trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM. Dữ liệu được thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá, đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc PLS-SEM thông qua phần mềm SPSS 26 và SmartPLS 4.
    Nghiên cứu cho thấy rằng các đặc điểm văn hóa tổ chức có tác động tích cực đến công tác quản lý trong ĐHQG-HCM. Từ kết quả nghiên cứu, luận án đã đề xuất sáu biện pháp cải thiện văn hóa tổ chức góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác quản lý, không chỉ có giá trị cho ĐHQG-HCM mà còn có thể là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho các trường đại học có những nét văn hóa tổ chức tương đồng.
    + Những kết quả của luận án
    Từ kết quả phân tích các dữ liệu, kết quả nghiên cứu của luận án có các điểm chính như sau:
    - Văn hóa tổ chức trong ĐHQG-HCM theo mô hình văn hóa tổ chức của Denison được đánh giá ở mức độ “Chấp nhận được”. Kết quả này, cho thấy rằng văn hóa tổ chức của ĐHQG-HCM đã có đã xác định rõ các giá trị cốt lõi, mục tiêu, chiến lược và sứ mệnh của mình; luôn đặt người học hoặc những cá nhân, tổ chức sử dụng các dịch vụ của ĐHQG-HCM là vị trí trung tâm phục vụ uôn khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý và giảng viên học hỏi và phát triển;... Song bên cạnh đó vẫn còn những yếu tố cần được cải thiện như sự tham gia của các cán bộ quản lý và giảng viên trong việc ra quyết định và thực hiện các công việc của tổ chức chưa được cao.; sự hợp tác giữa các trường đại học thành viên, các đơn vị bộ phận và các cá nhân với nhau trong trường chưa được quan tâm, khuyến khích và được sử dụng một cách hiệu quả trong xử lý công việc; các công việc được tổ chức, sắp xếp chưa cho mọi người thấy được mối quan hệ giữa công việc của mình với các mục tiêu chung;...
    - Công tác quản lí trong ĐHQG-HCM được đánh giá “mức khá” thực thi nhiệm vụ trong ĐHQG-HCM. Điều này cho thấy rằng, ĐHQG-HCM đã có những nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai các hệ thống quản lý, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như: hoạt động giảng dạy của giảng viên, phối hợp giữa các phòng ban, khoa, bộ môn và hệ thống và quy trình quản lý dữ liệu, thông tin đào tạo đều được đánh giá chưa cao; cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng chưa tương xứng;…
    - Các kết quả nghiên cứu cho thấy văn hóa tổ chức có tác động tích cực đến công tác quản lý trong ĐHQG-HCM. Trong đó, đặc điểm Khả năng thích ứng có tác động mạnh nhất, tiếp theo là đặc điểm Sứ mệnh, đặc điểm Sự tham gia và đặc điểm Tính nhất quán. Kết quả nghiên cứu phù hợp với các nghiên cứu trước đây về tác động của văn hóa tổ chức đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng văn hóa tổ chức có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo, đổi mới và gắn kết của nhân viên, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên, tác động của Sự tham gia và Tính nhất quán chưa rõ ràng. Cụ thể, đối với việc tạo ra các đội nhóm làm việc; trao quyền tự thực thi nhiệm vụ; tạo điều kiện phát huy khả năng tối đa cho thành viên; xây dựng và triển khai các giá trị cốt lõi; sự phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị, bộ phận trong toàn ĐHQG-HCM;…
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Văn hóa tổ chức trong trường đại học là một khái niệm mới trong quản lý giáo dục và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một trong những công cụ của quản lý hữu hiệu định hướng thành công, tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức nói chung và tổ chức trường đại học nói riêng. Những phát hiện trong nghiên cứu của luận án này đã bổ sung thêm lý luận và thực tiễn về tác động của văn hóa tổ chức đến công tác quản lý trong trường đại học với nghiên cứu điển hình tại ĐHQG-HCM. Ngoài ra, cần lưu ý rằng các kết quả này chỉ dựa trên đánh giá của một nhóm đối tượng nhất định, do đó có thể không phản ánh đầy đủ thực tế của ĐHQG-HCM. Để có kết quả chính xác hơn, cần tiến hành đánh giá một cách toàn diện và thường xuyên.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên