Tin tổng hợp

Thầy và trò ĐHQG-HCM trong hành trình ươm mầm tài năng

  • 07/02/2025
  • GS.TSKH HOÀNG KIẾM - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin: Hành trình 30 năm khởi đầu cho giáo dục đại học tinh hoa của Việt Nam 

    Là một người có vinh dự được đồng hành với các thầy/cô trong việc khởi tạo và xây dựng Trường Phổ thông Năng khiếu và Trường ĐH Công nghệ thông tin – hai đơn vị xuất sắc được hình thành từ ĐHQG-HCM, tôi vô cùng tự hào khi nhìn lại hành trình phát triển và những đóng góp to lớn mà các ngôi trường này đã mang lại. 

    Từ những ngày đầu, với khát vọng ươm mầm tài năng trẻ, Trường Phổ thông Năng khiếu đã trở thành nơi hội tụ và phát triển những học sinh xuất sắc nhất trên cả nước. Không chỉ là cái nôi của các thế hệ học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, Trường còn là nơi khơi nguồn cảm hứng học tập, sáng tạo và chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn tài năng trẻ Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. 

    Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin từ những ngày đầu thành lập, đã vươn lên trở thành một trung tâm nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư bài bản, nhà trường không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và bắt nhịp với những xu hướng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. Nhiều thế hệ sinh viên và giảng viên của Trường đã góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, đưa tên tuổi Việt Nam vươn xa trên bản đồ công nghệ toàn cầu. 

    Hai ngôi trường – hai biểu tượng tự hào của ĐHQG-HCM – đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc ươm tạo, phát triển tài năng và đóng góp vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tôi tin tưởng rằng Trường Phổ thông Năng khiếu và Trường ĐH Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi, đổi mới sáng tạo, và dẫn đầu trong việc đào tạo các thế hệ trẻ tài năng, bản lĩnh và sẵn sàng đương đầu với những thách thức toàn cầu. 

    Niềm tự hào về những thành tựu đã đạt được và niềm tin vào tương lai ngày càng rạng rỡ của hai ngôi trường là nguồn động lực lớn lao để chúng ta cùng chung tay xây dựng, vun đắp và đưa các trường lên tầm cao mới, tiếp tục sứ mạng chắp cánh cho những thế hệ trẻ bay cao, bay xa, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

    30 năm qua, ĐHQG-HCM đã vượt qua biết bao gian nan, thách thức nhưng cũng đồng thời đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu đó là minh chứng sống động cho trí tuệ, tâm huyết và sự cống hiến không ngừng nghỉ của bao thế hệ thầy trò. Từ những công trình nghiên cứu đột phá, những tài năng được ươm mầm, đến việc khẳng định vị thế của mình trên bản đồ giáo dục thế giới, ĐHQG-HCM đã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho khát vọng vươn lên của giáo dục Việt Nam. Nhưng cuộc sống, như một dòng chảy không ngừng, chưa bao giờ dừng lại ở chữ “Hết”. Như lời dạy của Khổng Tử hơn 2.000 năm trước: “Mặt trời lặn để sáng mai mọc lên”. 

    Với sự kết nối và đổi mới trong tổ chức, ĐHQG-HCM hứa hẹn tiếp tục tỏa sáng, không ngừng phát triển để đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước. Đây không chỉ là câu chuyện của quá khứ và hiện tại, mà còn là khát vọng vươn xa, là cam kết cho tương lai. Chúng ta tin rằng, dưới ánh sáng của ngày mai, giáo dục đại học Việt Nam sẽ không ngừng thăng hoa, trở thành niềm tự hào và động lực phát triển cho toàn dân tộc.

    GS.TS.NGND NGÔ KIỀU NHI - Trường ĐH Bách khoa: Sự thành công của học trò chính là tấm huy chương lấp lánh nhất, đáng giá nhất của người thầy

    GS.TS.NGND Ngô Kiều Nhi – một tri thức trẻ của Việt Nam được cử đi Liên Xô học sau đại học và trở về Việt Nam với một nhiệm vụ rất quan trọng lúc bấy giờ: làm sao để chấn hưng lại giáo dục đại học tại TP.HCM và miền Nam sau khi thống nhất đất nước. 

    “Lúc ấy, chúng tôi không có sự chọn lựa mà chỉ có một quyết tâm”, GS Ngô Kiều Nhi bồi hồi nhớ lại 50 năm trước. 

    “Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vất vả, thiếu thốn, dạy học không có micro với giảng đường mênh mông hàng trăm sinh viên, giọng tôi thì nhỏ nên phải cố gắng thật nhiều để các bạn hiểu bài. Tài liệu, giáo trình còn chưa có. Khi đó, tôi còn tổ chức cả các lớp phụ đạo cuối tuần hoặc buổi tối tại nhà mình để giúp các bạn sinh viên hiểu bài và thực hiện đề án một cách chính xác nhất. Chúng tôi còn phải đi nhặt từng cọng dây điện, từng con ốc để làm thí nghiệm vì lúc đó đất nước bị bế quan tỏa cảng, các nhà máy xí nghiệp còn không có vật liệu sản xuất thì làm sao trường đại học có dụng cụ để có thể thực tập, thực hành…”.

    Nhưng rồi, với sự nỗ lực của cả tập thể giảng viên và sinh viên mà những khó khăn đó đã đi qua. Và Trường ĐH Bách khoa trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo ngành Cơ Kỹ thuật. Đây là một bước tiến lớn khi ngành Cơ Kỹ thuật vừa là bước đệm cho ngành Khoa học cơ bản và bản thân vừa là ngành Khoa học Công nghệ. Ngành Cơ Kỹ thuật đã tạo nền tảng cho nhiều ngành khác như chế tạo máy, thiên văn học… cũng như tự tạo ra sản phẩm cho chính ngành mình. 

    Giáo sư nhấn mạnh giá trị của các nghiên cứu ở trường đại học là phải có hàm lượng khoa học cao chứ không phải chỉ số lượng. “Hãy trân trọng từng đồng tiền thuế của người dân đã bỏ ra cho chúng ta nghiên cứu khoa học. Lãnh đạo ĐHQG-HCM và các trường thành viên phải có biện pháp khuyến khích cán bộ, giảng viên, làm việc bằng cả đam mê, thay vì chạy theo thi đua thành tích. Tôi nghĩ chúng ta để lại gì cho đời này quan trọng hơn là một loạt danh hiệu thành tích thi đua chúng ta đạt được”. 

    Giáo sư Ngô Kiều Nhi kể về những lần về các địa phương tham dự hội nghị, hội thảo và nhận lại tình cảm của các cựu sinh viên ở đó: “Các bạn ùa nhau đến khoe với tôi rằng các bạn là cựu sinh viên của Trường ĐH Bách khoa và các bạn tự hào khoe với người khác mình xuất thân từ ngôi trường này. Tôi rất xúc động. Và tôi tin, đây mới chính là tài sản lớn nhất của một giảng viên, một trường đại học cần gìn giữ. Tôi tin tấm huy chương lấp lánh nhất, đáng giá nhất của người thầy, người cô chính là sự thành công của học trò mình”.

    TS HÀ THỊ THANH HƯƠNG - Trường ĐH Quốc tế: Từ học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu đến Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học tái tạo Khoa Kỹ thuật Y sinh 

    TS Hà Thị Thanh Hương từng học chuyên Sinh tại Trường Phổ thông Năng khiếu. Ở bậc đại học, cô theo học ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Những tháng năm đại học xây dựng cho cô nền tảng kiến thức hữu ích: “Từ môn nền tảng  cho  đến  môn công nghệ về thực vật, động vật, sinh lý, bệnh học, vi sinh… mình đều được học với các giảng viên - các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam. Mình được học với GS.TS Trần Linh Thước, PGS.TS Hồ Huỳnh Thuỳ Dương, GS.TS Đặng Thị Phương Thảo, PGS.TS Phạm Văn Phúc… Tất cả các thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức cho tụi mình mà mình còn nhận được kinh nghiệm nghiên cứu quý giá của các thầy cô và đặc biệt là sự nhiệt huyết của các thầy/cô dành cho sinh viên. Không chỉ vậy, mình nhận thấy các hệ thống thí nghiệm lúc đó cũng được trang bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành và nhờ đó quá trình mình làm luận văn thuận lợi hơn rất nhiều”. Ở bậc học cao hơn, cô chọn theo ngành Thần kinh học tại ĐH Stanford (Hoa Kỳ). Tốt nghiệp tiến sĩ, cô quyết định về nước và trở thành giảng viên tại Trường ĐH Quốc tế. Tại đây, cô cùng với các đồng nghiệp thành lập phòng thí nghiệm chuyên về nghiên cứu thần kinh mang tên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Sức khỏe não bộ - Brain Health Lab. Hiện nay, phòng thí nghiệm đang tập trung nghiên cứu theo hai hướng, gồm các kỹ thuật và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu thần kinh học và nghiên cứu sinh học phân tử để phát triển các phương pháp chẩn đoán mới cho các bệnh thần kinh. 

    Cô cho biết: “Khi quyết định về nước để làm việc, mình tìm hiểu thông tin và từng phân vân giữa Trường ĐH Quốc tế và một vài nơi khác. Xét nguyện vọng bản thân muốn thực hiện những nghiên cứu mang tính ứng dụng và gần gũi với đời sống người dân, nên sau khi trò chuyện với GS Võ Văn Tới, mình hiểu mình phù hợp với Khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường ĐH Quốc tế. Đây là nơi mà mình có thể ươm mầm ý tưởng, phát triển được những sản phẩm cụ thể và là nơi chắp cánh cho hành trình tiếp theo của bản thân… Mình đã và đang nhận được hỗ trợ rất nhiều từ những đồng nghiệp giỏi giang. Đó chính là GS.TS Võ Văn Tới, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, PGS.TS Vòng Bính Long – những giảng viên tuyệt vời ở Khoa Kỹ thuật Y sinh”. 

    Trong suốt 6 năm dạy học ở Trường ĐH Quốc tế, TS Hà Thị Thanh Hương đã luôn nỗ lực giúp sinh viên có cơ hội thực hành để hiểu rõ và áp dụng được những kiến thức lý thuyết vào ứng dụng thực tế. Tất cả các sinh viên đều được hướng dẫn và khuyến khích xuất bản kết quả nghiên cứu thông qua các poster hội nghị, các bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cô còn cùng các thành viên trong nhóm thường xuyên tổ chức các buổi workshop giúp nâng cao các kỹ năng học thuật như các viết bài báo khoa học, cách sử dụng các phần mềm chuyên dụng như Endnote, Prism, hay Matlab, cho đến các buổi seminar nâng cao sức khỏe tinh thần. Từ đó tạo điều kiện tối đa cho sinh viên và học viên có thể phát triển toàn diện về chuyên ngành đến kỹ năng, cho đến sức khỏe tinh thần cũng được đặc biệt chú trọng. 

    Không chỉ hướng dẫn về mặt chuyên môn, cô cũng khuyến khích và tạo thêm điều kiện cho sinh viên, học viên của mình bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức ở các cuộc thi như cuộc thi Tech Planter, cuộc thi UNLEASH Mental Health Hack, cuộc thi Accessibility Design Competition (ADC)… để phát triển không chỉ những kiến thức chuyên ngành, mà còn các kỹ năng khác như kỹ năng lãnh đạo, sáng tạo và kinh doanh. 

    Thông qua các dự án nghiên cứu, TS Hà Thị Thanh Hương mong muốn mở rộng mạng lưới kết nối với những chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và thần kinh, cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các công ty kỹ thuật. Đối với dự án liên quan đến nghiên cứu chẩn đoán Alzheimer, dự án có sự tham gia của các chuyên gia là bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thần kinh. Các mạng lưới chuyên gia này vừa hỗ trợ các nghiên cứu của nhóm, đồng thời tạo điều kiện để các sinh viên, học viên cao học được tiếp cận với khối kiến thức và công nghệ từ đa ngành nghề, trải nghiệm thực tập trong nhiều môi trường chuyên nghiệp.

    TS Hà Thị Thanh Hương liên tiếp nhận được các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước chỉ trong thời gian ngắn: “Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2022” (L’Oréal - Unesco for Women in Science), giải thưởng “Quả cầu vàng” 2023, giải thưởng Women of the Future Southeast Asia 2023 (Phụ nữ tương lai Đông Nam Á), Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM 2023, Công dân trẻ tiêu biểu Việt Nam 2023, Giảng viên tiêu biểu toàn quốc 2023, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2024.

    CEO LÊ YÊN THANH - Gương mặt FORBES 30 UNDER 30 ASIA 

    Lê Yên Thanh – cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên – là Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Phenikaa MaaS với ứng dụng BusMap - ứng dụng giao thông công cộng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Từng được mệnh danh là chàng trai vàng với nhiều giải thưởng về tin học trong nước và quốc tế, năm 2022, Thanh đã được Tạp chí Forbes Việt Nam cũng như Forbes châu Á bình chọn vào danh sách Forbes 30 Under 30 Asia. 

    “Trường ĐH Khoa học tự nhiên có truyền thống lâu đời và nổi bật trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin nên năm đó tôi chẳng có một chút do dự nào, hoàn toàn yên tâm khi chọn Trường là nơi để gửi gắm ước mơ, hoài bão cho con đường học tập của mình. Sự lựa chọn này đã mang đến cho tôi một môi trường học tập tốt, nơi có nhiều thầy/cô và bạn bè xuất sắc để cùng nhau giúp đỡ và học tập hiệu quả hơn, giúp tôi phát triển và hoàn thiện năng lực chuyên môn. Những kiến thức và trải nghiệm tại Trường đã hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp hiện nay của tôi. 

    Tôi kỳ vọng trong tuổi 30 và những năm tháng tiếp theo, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi của mình, không ngừng đổi mới và sáng tạo để trở thành một trong những trung tâm học thuật hàng đầu khu vực và quốc tế. Tôi cũng mong rằng Trường ĐH Khoa học tự nhiên sẽ tiếp tục là cái nôi nuôi dưỡng tài năng, tạo điều kiện cho các thế hệ sinh viên phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng và nhân cách. Tôi tin rằng ĐHQG-HCM sẽ luôn giữ vững vai trò tiên phong trong việc đóng góp cho sự phát triển của xã hội, đất nước và trở thành niềm tự hào của mọi thế hệ đã và đang học tập, công tác tại đây”.

    MỘT SỐ THÀNH TÍCH CỦA CEO LÊ YÊN THANH:

     • Giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo năm 2013. 

    • Quả cầu vàng dành cho nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2013. 

    • Cúp Vàng siêu cúp Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam năm 2013, cúp bạc 2015, 2016. 

    • ACM - ICPC Vô địch vòng khu vực châu Á, vòng toàn quốc các năm 2014, 2015, 2016, 2 lần tham dự ACM - ICPC World Final. 

    • Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2014. 

    • Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu năm 2015. 

    • Nhân tài đất Việt năm 2016. 

    • Giải thưởng tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018. 

    • Giải thưởng I-star Award 2019. 

    • Top 3 Qualcomm Innovation Challenge 2020. 

    • Giải nhất AI Hack 2020. 

    • Quán quân ITU Awards dành cho Startup có cống hiến vì cộng đồng của Liên Hiệp quốc năm 2020. 

    • Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2021. 

    • Giải 3 AI Solution TP.HCM năm 2022. 

    • Forbes 30 Under 30 Asia 2022 và Forbes Under 30 Vietnam 2022. 

    • Giải Nhì ứng dụng thông minh châu Á - Asia - Smart App Awards 2023. 

    • Top 100 Doanh nhân trẻ xuất sắc năm 2024. 

    • Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2024. 

    • Giải thưởng báo Tuổi Trẻ dành cho Top 20 Startup có cống hiến cộng đồng.

    TS LÊ HUỲNH MINH TRIẾT: Nhớ nhất tháng ngày được học tập và làm việc với những thầy cô tâm huyết 

    Là một cựu học sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu, TS Triết tự hào đã là một thành viên của gia đình lớn ĐHQG-HCM từ rất sớm. “Trong ba năm học ở Trường Phổ thông Năng khiếu, mình đã rất thích cách truyền đạt của các thầy cô, đặc biệt là việc các thầy cô luôn tạo cơ hội để học sinh có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình. Từ đó, mình cũng hy vọng mình sẽ được vào học một trong những trường đại học thành viên vì mình tin vào triết lý giáo dục khai phóng của ĐHQG-HCM. Năm 2013, sau nhiều tháng ngày học tập, mình đã quyết định lựa chọn Trường ĐH Quốc tế - ngôi trường đào tạo, nghiên cứu bằng tiếng Anh vì mình tin rằng, nơi đây có thể giúp mình tiếp cận các kiến thức chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh”, Triết kể về quyết định lựa chọn của mình”. 

    Là Á khoa tuyển sinh của Khoa Công nghệ thông tin và là thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH Quốc tế, Triết cảm nhận: “Sau hơn 10 năm nhìn lại hành trình của mình, mình cảm thấy đây là một quyết định đúng đắn nhất. Những kiến thức và hành trang mình nhận được ở Trường ĐH Quốc tế đã đặt nền móng vững chắc cho những bước phát triển trong công việc và cuộc sống hiện tại của bản thân”. 

    Kỷ niệm mà chàng trai này nhớ nhất chính là những tháng ngày được học tập và làm việc với nhiều thầy/cô tài năng, tâm huyết của Trường ĐH Quốc tế. Triết kể: “Giảng viên đặc biệt nhất với mình chính là PGS.TS Huỳnh Kim Lâm, giảng viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học của mình. Trong khoảng thời gian làm việc với Thầy, mình đã học được cách làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp và cả cách để suy nghĩ đột phá. Mình cũng chiêm nghiệm được từ Thầy nhiều bài học cuộc sống quý báu, ví dụ như để đạt được những kết quả thực sự tốt cần phải bỏ ra nhiều công sức và không được bỏ cuộc giữa chừng. 

    Có một điều thú vị là khi ĐHQG-HCM kỷ niệm 30 năm thành lập thì TS Lê Huỳnh Minh Triết cũng vừa tròn 30 tuổi: “Có thể nói, ĐHQG- HCM nói chung và Trường ĐH Quốc tế nói riêng đã và đang là một phần quan trọng, song hành cùng 30 năm cuộc đời của mình. Nơi đây đã trang bị cho mình không chỉ những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành vững chắc mà còn nuôi dưỡng tâm hồn mình với những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Mình cảm thấy biết ơn về những tháng ngày được học tập, trưởng thành từ nơi đây và mãi tự hào là cựu sinh viên của Trường ĐH Quốc tế, của ĐHQG-HCM”.

    MỘT SỐ THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU CỦA TS LÊ HUỲNH MINH TRIẾT 

    • Được Đại học Adelaide vinh danh cho công bố khoa học xuất sắc tại Hội nghị quốc tế “International Symposium on Empirical Software Engineering and Measurement” với ba bài báo được đăng, số lượng nhiều nhất từ 1 đại học trên thế giới ở Hội nghị này năm 2024. 

    • Hơn 20 bài báo nghiên cứu khoa học xuất bản tại các hội nghị và tạp chí quốc tế, với nhiều bài báo xếp hạng A/A* cùng hơn 600 trích dẫn. 

    • Đề cử bài báo xuất sắc nhất (Best paper award candidate) tại “International Conference on Evaluation and Assessment in Software Engineering” năm 2021. 

    • Giảng dạy và hướng dẫn cho hơn 250 sinh viên đại học, cao học và 2 nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Software Engineering, Artificial Intelligence và Cybersecurity. 

    • Tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 27 với luận án tiến sĩ được đánh giá xuất sắc với học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Adelaide, Úc. 

    • Thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Quốc tế năm 2017 với điểm trung bình tích luỹ 95,6/100.

    Sinh viên NGUYỄN QUỲNH GIANG - Trường ĐH Khoa học Sức khỏe 

    “Trong các năm đại học, mình đã được học trong môi trường giáo dục rất xịn sò với các thầy cô, cán bộ giảng viên là các bác sĩ, nhân viên y tế đầy tâm huyết đang làm việc tại các bệnh viện hàng đầu TP.HCM. Dù rất bận nhưng thầy cô vẫn cố gắng hỗ trợ và theo dõi sát sao quá trình học tập của sinh viên trong lớp. Ngoài ra, mình còn được ĐHQG-HCM cử đi tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế trong và ngoài nước. Đây chính là những điều mình đã mơ ước khi quyết định chọn ĐHQG-HCM. 

    Những ngày tháng trên giảng đường Trường ĐH Khoa học Sức khỏe là thời gian giúp mình hoàn thiện, phát triển bản thân. ĐHQG-HCM là nơi lưu lại những tình bạn và những kỷ niệm quý giá nhất của mình. Mình mong sao ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một môi trường học tập thân thiện với tất cả sinh viên, là nơi mà mọi người có thể cảm nhận được sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau bằng các hoạt động gắn kết các trường đại học thành viên thuộc ĐHQG-HCM. Mình cũng mong ĐHQG-HCM sẽ luôn giữ vững tinh thần đổi mới, khuyến khích sinh viên không ngừng sáng tạo và dám xác định và theo đuổi đam mê và rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng mềm để tụi mình có thể thích ứng với thế giới đang phát triển và thay đổi liên tục”.

    Quỳnh Giang đạt giải Ba toàn quốc cuộc thi Olympic Tiếng Anh năm 2021 và tiếp tục đạt Giải Ba cụm TP.HCM trong cuộc thi Star Awards năm 2022. 

    Quỳnh Giang còn nhận nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học như: Giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24 năm 2022, Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Giải Nhất Giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2023, Giải Nhì trình bày Poster tại Hội nghị Quốc tế Tim mạch Lão khoa, Bệnh viện Thống Nhất năm 2023, Giải Nhì Cuộc thi sinh viên sáng tạo ý tưởng khoa học - We are the best lần thứ 7 năm 2024, Giải sinh viên trình bày xuất sắc nhất tại Hội nghị quốc tế phát triển Kỹ thuật Y sinh Việt Nam lần thứ 10 năm 2024… 

    Ngoài ra, cô sinh viên 5 tốt ĐHQG-HCM còn được vinh danh tại đại hội Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác năm 2024, là gương mặt Nữ sinh Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024.

    Sinh viên TỐNG PHƯỚC THANH AN - Trường ĐH Bách khoa 

    Tống Phước Thanh An đạt giải Nhất cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc 2022, Giải thưởng Quỹ tài năng Cơ học Nguyễn Văn Đạo.

    “Với sinh viên tụi mình, ĐHQG–HCM rất nổi tiếng với chất lượng giảng dạy và nghiên cứu kỹ thuật. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội thực tập, làm việc hoặc chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học sau khi ra trường. 

    Hoài bão của mình là một ngày nào đó, mình và các bạn của mình ở thế hệ trẻ tụi mình sẽ cùng nhau đưa nền khoa học công nghệ Việt Nam lên một tầm cao mới ngang tầm thế giới. Đây cũng chính là ước mơ từ khi còn niên thiếu của mình. Mình biết, để thực hiện hoài bão đó sẽ cần nhiều thời gian nữa, sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng trước mắt mình sẽ bắt đầu bằng việc tìm một công việc phù hợp trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật sau khi tốt nghiệp để trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.

     Mình hy vọng ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vốn dĩ rất xuất sắc, tiếp tục đổi mới chương trình giảng dạy để sinh viên có thể thụ hưởng được những kiến thức mới nhất. Một trong những kỳ vọng của mình dành cho ĐHQG-HCM trong tuổi mới là có thể đẩy mạnh nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu xã hội. Mình mong rằng ĐHQG-HCM sẽ ngày càng vững mạnh, tạo ra nhiều cơ hội học tập và phát triển cho sinh viên, trở thành đại học hàng đầu khu vực và quốc tế”.

    Sinh viên PHẠM NHÂN ÁI - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 

    “Tôi đã lựa chọn trở thành một sinh viên của ĐHQG-HCM vì tôi tin mình sẽ được trang bị những kinh nghiệm, kiến thức, tác phong, đạo đức... có ích cho bản thân. Để đi được đến ngày hôm nay, tôi luôn biết ơn thầy Nguyễn Đông Triều - người đã gắn bó cùng tôi trong các hoạt động nghiên cứu từ khi bước vào chuyên ngành, đi thực tập cho đến lúc tốt nghiệp. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức, cảm hứng học tập mà còn quan tâm đến những khó khăn, dìu dắt sinh viên trưởng thành và đứng vững trên con đường phía trước. Tôi biết ơn thầy Triều rất nhiều. 

    Tuổi 30 không chỉ là cột mốc tự hào đánh dấu sự khởi sắc, phát triển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nhìn lại hành trình đã đi qua, rút ra những bài học kinh nghiệp để sẵn sàng bước đến những cánh cửa tươi sáng hơn trong tương lai. Là một thành viên trong ngôi nhà lớn ĐHQG-HCM, tôi hy vọng rằng trong những năm tới, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, mở rộng hợp tác quốc tế để mang lại nhiều cơ hội hơn cho sinh viên và giảng viên”.

    Phạm Nhân Ái – sinh viên Trường ĐH KHXH&NV đạt giải Nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2023 lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật, giải Ba giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV năm 2023.

    Sinh viên LÊ THỊ ĐỨC NGỌC - Trường ĐH An Giang 

    “Khi đứng trước quyết định chọn trường đại học, ĐHQG- HCM đã trở thành lựa chọn hàng đầu của mình vì đây là một trong những môi trường giáo dục có chất lượng đào tạo vượt trội và cơ hội phát triển toàn diện. Nhìn lại hành trình đã qua, mình cảm thấy quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn. ĐHQG-HCM không chỉ cung cấp cho mình nền tảng kiến thức vững chắc mà còn mở ra nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi từ bạn bè cả trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những năm tháng học tập nơi đây đã giúp mình phát triển không chỉ về mặt trí thức mà còn giúp mình có thêm các kỹ năng mềm. Quá trình học tập tại Trường ĐH An Giang đã giúp mình trưởng thành hơn và tự tin hơn rất nhiều. 

    Những năm tháng học tập tại ĐHQG-HCM đã mang lại cho mình rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Mình thật sự trân trọng sự tận tình và quan tâm của thầy cô trong quá trình giảng dạy. Các thầy cô luôn tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội phát triển, khai phá tiềm năng của bản thân. Và không chỉ có thầy cô đứng lớp, mà thầy cô ở các phòng ban khác cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trong các thủ tục giấy tờ hành chính. Mỗi lần tụi mình cần thư giới thiệu những học bổng hoặc cần tham hoạt động ngoại khóa phù hợp cho sinh viên thì đều được các thầy cô nhiệt tình hỗ trợ”.

    Lê Thị Đức Ngọc vừa trở thành thủ khoa tốt nghiệp năm 2024 của Trường ĐH An Giang với số điểm rất cao 3,98/4,0. Không những là thủ khoa tốt nghiệp, Đức Ngọc còn là thủ khoa tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường. Đức Ngọc cũng tích lũy cho mình một số thành tích đáng chú ý như Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2023, Giải nhất bảng sinh viên hội thi “Olympic tiếng Anh dành cho học sinh, sinh viên tỉnh An Giang năm 2022”, nhận khen thưởng cấp ĐHQG. Đức Ngọc cũng là đồng tác giả bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục ISI của ngành.

    Nhóm ELLA - Giải Nhất toàn quốc cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”: Sức mạnh hệ thống ĐHQG-HCM đã giúp chúng mình tỏa sáng 

    Hai năm sau hành trình rực rỡ của thời sinh viên, cả 6 chàng trai cô gái - Nguyễn Trà Việt Tiến, Phan Khánh Chi, Trần Tô Quế Phương (cựu sinh viên Trường ĐH Quốc tế), Nguyễn Thị Hằng (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật), Phan Xuân Thành Lâm (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa), và Nguyễn Minh Triết (Trường ĐH Văn Lang) – đều khẳng định đó là khoảng thời gian vui vẻ và ý nghĩa nhất. Vượt qua hơn 400 bài dự thi của khối sinh viên các cơ sở đào tạo và khối học sinh phổ thông. Dự án ELLA năm đó đã giành giải quán quân một cách thuyết phục. 

    ELLA là một App hướng dẫn trang điểm. Ứng dụng này tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ nhận diện khuôn mặt để hỗ trợ người dùng tự học trang điểm tại nhà, cung cấp các bước chỉ dẫn được cá nhân hóa dựa trên cấu trúc khuôn mặt của chính họ. Trưởng dự án Nguyễn Trà Việt Tiến cho biết, dự án được nhóm phát triển từ cuộc thi “IU Startup Demo Day” cấp trường. “Khi sử dụng ELLA, gương mặt của mỗi người sẽ được app nhận diện và hướng dẫn quy trình trang điểm tỉ mỉ từng bước một. Đây là một ưu điểm nổi bật của app so với cách làm truyền thống, giúp việc trang điểm dễ dàng, hiệu quả và thú vị hơn” - Tiến chia sẻ. 

    Phan Khánh Chi – đồng trưởng nhóm - cho biết thêm: “Khi vừa thuyết trình xong, nhóm đã được Ban Giám khảo chúc mừng và đánh giá đây là một ý tưởng xuất sắc. Ban Giám khảo cũng nhận xét nhóm đang đi đúng hướng, khi mà mỗi giai đoạn nhóm tập trung vào một mô hình kinh doanh phù hợp, giai đoạn đầu thì nhóm đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng người dùng vững chắc làm nền cho các phương án đa dạng hóa nguồn thu ở những giai đoạn sau”. 

    Nguyễn Trà Việt Tiến kể lại quá trình 365 ngày từ lúc nhen nhóm ý tưởng, đi tìm thành viên, thảo luận tóe lửa, có những trận cãi nhau, giận dỗi và đặc biệt giai đoạn thành hình nhóm lại đúng giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19, nhóm chỉ có thể gặp mặt trao đổi với nhau qua màn hình. Nhóm vốn đông, khi ấy cũng còn non nớt, chỉ có chút ý tưởng nên nhiều khi không tránh khỏi những cuộc cãi nhau tưng bừng. Nhưng may mắn là trong nhóm còn có một chàng trai trầm tính, nói ít làm nhiều Phan Xuân Thành Lâm đã lặng lẽ tổng hợp lại tất cả những khúc mắc của nhóm và nói hai trưởng nhóm nên chuyển những khó khăn này cho các mentor, các thầy cô anh chị hướng dẫn để tìm hướng giải quyết thay vì cứ tiếp tục tranh luận không lối thoát. 

    Nhóm còn có một cô bạn học công nghệ thông tin - Trần Tô Quế Phương – được xem như chiếc cầu nối giữa hai nhóm kế hoạch ý tưởng kinh doanh và kỹ thuật thực hiện. Phương luôn là người chuyển những ý tưởng của Chi, của Tiến sang ngôn ngữ lập trình của Lâm để cậu kỹ sư IT hiểu hơn kế hoạch của các bạn. Không chỉ vậy, nhóm còn có Hằng rất giỏi về tài chính đã cho ra bảng tính toán thu – chi hợp lý để dự án có tính khả thi cao nhất. Và cuối cùng, đến giai đoạn cần thiết kế mọi thứ đẹp mắt, nhóm đã có thêm một thành viên xử lý mỹ thuật. Có lẽ có sự phân công rõ ràng, hiểu rõ thế mạnh của từng người mà nhóm đã thuyết phục được Ban Giám khảo năm đó giành giải Nhất một cách xứng đáng. 

    Khi được hỏi về kế hoạch ở thì tương lai, cả nhóm đều khẳng định thời điểm hiện tại đang dành cho mỗi thành viên thực hiện con đường của riêng mình, bồi đắp thêm kiến thức và kỹ năng, đầu tư thêm cho bản thân được hoàn thiện hơn, đặc biệt chờ đợi công nghệ phát triển đến lúc phù hợp với ý tưởng của nhóm thì nhóm sẽ quay trở lại để thể hiện sức mạnh của hệ thống ĐHQG-HCM như những ngày hè năm 2022.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên