Sinh viên ĐHQG-HCM

Trở thành thầy giáo để giúp học sinh vượt qua nghịch cảnh

  • 23/05/2024
  • Sơ mi trắng phẳng phiu, phong thái điềm đạm, ánh mắt chân thành - những ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Văn Mẫn - sinh viên năm thứ 2, ngành Sư phạm Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐH An Giang ĐHQG-HCM, giống hệt tưởng tượng của chúng tôi về một thầy giáo dạy văn. Trò chuyện với Mẫn, chúng tôi cảm nhận đây là một thanh niên nhân hậu có ước mơ thuần thành.

    Dù gia cảnh rất khó khăn, Nguyễn Văn Mẫn chưa bao giờ xao lãng ước mơ làm thầy giáo để truyền động lực cho học trò của mình.

    2 lần hoãn học…

    Nguyễn Văn Mẫn và mẹ tại trường quay chương trình “Ước mơ cho em”. Ảnh: NVCC

    Cha mất sớm, căn nhà đơn sơ chỉ còn Mẫn và mẹ nương tựa nhau. Mẹ của Mẫn bị bệnh khớp và cột sống nên không thể làm việc nặng vào 2-3 giờ sáng tại xí nghiệp đông lạnh.

    Năm học hết lớp 9, Mẫn định nghỉ học để đi làm giúp mẹ trang trải nợ nần. May nhờ thầy cô, bạn bè động viên, giúp đỡ, Mẫn tiếp tục học tại Trường THPT Châu Phú.

    Ở đây, Mẫn say sưa học Ngữ Văn - môn học cậu đã yêu thích từ năm lớp 8, và được  vào đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vào năm lớp 11.

    Mẫn chia sẻ: “Khi đọc các tác phẩm văn học, Tôi ít nhiều thấy mình trong đó nên tôi có cảm giác được vỗ về, an ủi. Tôi nghĩ văn chương dễ chạm đến trái tim người khác để tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng cho họ”.

    Đó cũng là khởi nguồn cho ước mơ trở thành thầy giáo, đem con chữ đến cho trẻ em nghèo của chàng trai quê An Giang. Rồi Mẫn nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Sư phạm của Trường ĐH An Giang, nhưng nam sinh đành hoãn việc học vì gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

    Dịch COVID-19 khiến mẹ mất việc tại công ty cũ, nhà càng túng thiếu. Mẫn theo thợ đi lắp camera, sửa máy tính, phụ nấu ăn ở các đám tiệc gần nhà để giúp mẹ. “Lúc đó, mẹ bảo tôi phải cố gắng học để sau này khi mẹ không còn nữa thì tôi vẫn tự lo cho mình được. Tôi vượt qua những vất vả, muộn phiền, gắng gượng đến giảng đường đại học để hy vọng có một tương lai tốt đẹp” - Mẫn hồi tưởng.

    Lên thành phố Long Xuyên để học, Mẫn chọn ở nhà trọ nhỏ, giá rẻ, nằm gần Tịnh thất Trúc Lâm. Từ đó, tịnh thất này trở thành nơi chàng sinh viên hiếu học nương nhờ hai bữa cơm mỗi ngày. Để đền đáp phần nào ơn đức của nhà chùa, Mẫn tận tụy phụ các sư thầy dọn dẹp, nấu cơm cho người cùng cảnh ngộ. Cậu cũng gầy dựng một nhóm bạn, tự nguyện quyên góp 5-10 ngàn đồng/người mỗi tháng, hỗ trợ các hoạt động công ích tại chùa.

    Ngoài việc từng được nhận học bổng của nhà văn Nguyễn Đông Thức mỗi tháng 1,5 triệu đồng, vào dịp hè, Mẫn còn làm phụ quán để kiếm thêm thu nhập. Đôi lúc, Mẫn cảm thấy chạnh lòng, tủi thân vì cậu không có điều kiện trải nghiệm nhiều thứ như bạn đồng học, nhất là sự thiếu vắng tình thương của cha.

    Mẫn tâm sự: “Mỗi lần đứng trước mộ cha, nước mắt tôi cứ rơi. Lúc đó, tôi nghĩ, nếu cha còn sống thì mẹ con tôi sẽ có đủ sự che chở, yêu thương như mọi người. Tôi không buồn vì cuộc sống thiếu thốn, tôi chỉ buồn vì suốt bao năm qua, tôi chẳng mấy khi được ở gần cha”.

    Không muốn học sinh của mình phải nghỉ học

    Nguyễn Văn Mẫn tại buổi giới thiệu tuyển tập 50 cây bút trẻ tỉnh An Giang năm 2023. Ảnh: NVCC

    Tuy nhiên, những trở ngại đã dạy Mẫn cách sống mạnh mẽ, tự lập để làm chỗ dựa cho mẹ. Mẫn chủ động học tập và luôn đạt điểm trung bình khoảng 8,5 điểm. Từ năm thứ nhất, cậu đã tham gia câu lạc bộ Văn thơ của Trường ĐH An Giang và sinh hoạt ở Bút nhóm Đồng xanh - nơi hội tụ những sinh viên đam mê sáng tác văn chương. Tại đây, Mẫn được gặp gỡ và chỉ dẫn của các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang.

    Nam sinh chia sẻ: “Tôi thường viết tản văn về cha mẹ, quê hương và giới thiệu sách. Trong tác phẩm của tôi, các nhân vật thường có kết cục tươi đẹp, hạnh phúc. Tôi không muốn họ phải chịu đựng những đau buồn như tôi từng trải qua”.

    Đến nay, Mẫn có hơn 10 tác phẩm đăng trên báo của trường và có tác phẩm in trong tuyển tập 50 Cây bút trẻ của tỉnh An Giang. Trong tương lai, Mẫn sẽ phấn đấu trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật của tỉnh nhà.

    Ngoài học tập, sáng tác, Mẫn còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Điển hình là đi phát quà cho trẻ mồ côi, người già neo đơn; làm cơm, bún để phát cho người cơ nhỡ tại thành phố Long Xuyên; quyên góp dụng cụ học tập cho trẻ em ở huyện Tịnh Biên… Nam sinh cũng tham gia tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh tiểu học và dạy chữ cho trẻ em trong xóm vào dịp nghỉ hè.

    Mẫn chịu nhiều thiếu thốn trong cuộc sống nhưng trái tim cậu luôn đủ ấm áp và biết san sẻ yêu thương cho đời. “Khi làm tình nguyện, tôi cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc vì có cơ hội được phụng sự cộng đồng, được học hỏi và được cảm thông nhiều hơn” - Mẫn bộc bạch.

    Tháng 4/2024, Mẫn trở thành nhân vật trong chương trình “Ước mơ cho em” do Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp Quỹ Xã hội Bảo An tổ chức. Nam sinh cho biết, ban đầu, cậu không nằm trong nhóm ưu tiên khi xét duyệt học bổng. Nhưng nhờ sự chân thành lúc chia sẻ về câu chuyện vượt khó, ước mơ của bản thân trong vòng phỏng vấn, Mẫn đã thuyết phục được ban giám khảo và có được cơ hội xuất hiện trên sóng truyền hình.

    Về học bổng 40 triệu đồng, nam sinh dự định dùng để đưa mẹ đi chữa trị ở bệnh viện tốt hơn. Phần còn lại, cậu chi cho việc học, đi thực tập và thi chứng chỉ tiếng Anh.

    Sau khi tốt nghiệp, Mẫn mong muốn được làm việc tại trường THPT gần nhà để tiện chăm sóc mẹ và có cơ hội hỗ trợ học sinh nghèo tại địa phương. “Trước đây, tôi nhận được tình thương, sự giúp đỡ của rất nhiều thầy cô. Tôi hy vọng, trong tương lai, tôi sẽ là người tiếp nối những điều tốt đẹp đó. Tôi không muốn bất kỳ học sinh nào của mình phải nghỉ học chỉ vì gia cảnh khó khăn, thiếu thốn” - Mẫn nói về ước mơ cháy bỏng của mình.

    Không đầu hàng trước nghịch cảnh

    Là người động viên, tiếp sức cho Nguyễn Văn Mẫn trong hành trình vượt khó để đến với ước mơ học đại học, cô·Huỳnh Thị Đạm - giáo viên Trường THCS Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Điều tôi ấn tượng nhất ở Mẫn là sự hiếu thảo, ngoan ngoãn, lễ phép, biết vượt khó trong học tập và không đầu hàng trước nghịch cảnh. Ngoài thời gian học ở trường, Mẫn còn cùng mẹ đi làm thuê, hoặc đi mò cua, bắt ốc, mót từng củ khoai, củ kiệu để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

    Cô Đạm mong cậu học trò của mình sẽ trở thành thầy giáo dạy văn và là một “nhà giáo ưu tú” trong tương lai.

    HƯƠNG NHU - THU THẢO

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên