Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử - NCS. Nguyễn Thị Liên Nhi

  • 13/05/2024
  • Tên đề tài: Tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 9229001
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Liên Nhi   
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lương Minh Cừ, TS. Võ Châu Thịnh
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXN&NV- ĐHQG-HCM
    1.Tóm tắt nội dung luận án
    Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của tư tưởng chính trị đối với đời sống xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chú ý đến đổi mới tư duy, đặc biệt nhất là đổi mới tư duy chính trị. Chính nhờ đường lối đúng đắn đó của Đảng, trải qua gần 38 năm đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Xuất phát từ tình hình và bối cảnh nêu trên, đã tạo ra thời cơ và thách thức đan xen đối với quá trình phát triển của đất nước. Những yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hiệu quả là một vấn đề có tính chất nền tảng. Do vậy, việc học tập, nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa giá trị tư tưởng chính trị của nhân loại nói chung, tư tưởng chính trị của dân tộc Việt Nam nói riêng, trong đó có tư tưởng chính trị đặc sắc của Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) là một việc làm cần thiết đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay. Tư tưởng chính trị và cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn An Ninh đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển trong tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam, và là nấc thang trên con đường tìm tòi chân lý để giải phóng dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Do đó, tư tưởng chính trị của ông không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, góp phần to lớn trong việc giáo dục thanh niên lúc bấy giờ về lòng yêu nước mà nó còn mang ý nghĩa thời đại trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.
    Tư tưởng chính trị tiến bộ của ông được thể hiện một cách hệ thống, sâu sắc trên những vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của điều kiện lịch sử - xã hội thế giới và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; trên cơ sở những tiền đề cơ bản: giá trị văn hoá Việt Nam truyền thống và tư tưởng Tam giáo; tư tưởng phương Tây mà tiêu biểu là nền văn minh nước Pháp và đặc biệt là thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin; nhân tố chủ quan mà tiêu biểu là phẩm chất đạo đức và trí tuệ uyên bác, lỗi lạc, thông minh, sáng tạo, và đặc biệt là năng lực hoạt động lý luận và thực tiễn, tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh được hình thành và phát triển. Từ những yêu cầu bức thiết của thực tiễn xã hội đặt ra, đặc biệt là vấn đề giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, Nguyễn An Ninh vạch ra con đường cách đấu tranh mạng nhằm thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Thứ hai, nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh được thể hiện một cách phong phú, đa dạng và sâu sắc trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết, qua nghiên cứu về tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh, chúng ta có thể chia quá trình phát triển tư tưởng chính trị của ông thành hai giai đoạn, mỗi giai đoạn khác nhau, tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh có sự tích luỹ về lượng biến đổi về chất phù hợp với sự vận động của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thứ hai, về những nội dung cơ bản trong tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh, luận án phân tích thành ba nội dung chính: Về tiêu và đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam; Về xây dựng chính thể nhà nước, về đảng chính trị và về mặt trận nhân dân của cách mạng Việt Nam; Về phương pháp và lực lượng đấu tranh giành chính quyền của cách mạng Việt Nam. Thứ ba, thông qua việc phân tích những nội dung hết sức đa dạng và phong phú trong tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh, luận án rút ra những đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn không chỉ đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc tự do của dân tộc Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX mà còn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Trước hết, tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh mang ba đặc điểm cơ bản đó là: tính dân tộc sâu sắc; tính đặc sắc gắn liền thực tiễn sinh động và đặc biệt, tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh là bước chuyển từ hệ tư tưởng dân chủ tư sản sang Chủ nghĩa Mác - Lênin. Qua đó, tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh đã thể hiện một trình độ, một nấc thang trong sự phát triển của tư tưởng chính trị Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX. Thứ hai, về ý nghĩa lịch sử, để đánh giá ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh, luận án tập trung làm rõ ý nghĩa của tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh trên hai phương diện: phương diện lý luận và phương diện thực tiễn. Về ý nghĩa lý luận, tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh góp phần nâng cao nhận thức về chính trị trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong xu thế các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc, từ đó, góp phần chuyển biến ý thức hệ của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đồng thời, tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh nêu cao tinh thần đổi mới, nhạy bén nắm bắt thời cơ, nhận thức và tiếp thu những thay đổi của bối cảnh thời đại trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Về ý nghĩa thực tiễn, tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh góp phần thúc đẩy hoạt động đấu tranh vì dân chủ, dân quyền và dân sinh trong thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đồng thời, tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh góp phần to lớn trong việc xây dựng, tổ chức và phát huy mọi nguồn lực trên nguyên tắc tự lực, tự cường để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy nhiên, hạn chế của nội dung tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh đó chính là chưa toàn diện và chưa triệt để xuất phát từ nguyên nhân mang tính chủ quan và tính thời đại.
    Nội dung chủ đạo và nét đặc sắc trong tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh được tác giả phân tích trong luận án sẽ góp phần vào việc tìm hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Nguyễn An Ninh và tư tưởng chính trị của ông trong giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng như trong lịch sử tư tưởng chính trị của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh hình thành và phát triển từ thực tiễn sinh động của hoạt động cứu nước cứu dân, đồng thời là sự kế thừa, dung hợp tinh tế giữa truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, với những tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây nhằm giải quyết nhiệm vụ lịch sử xã hội Việt Nam đặt ra lúc bấy giờ đã đưa ông trở thành một trong những nhà cách mạng, nhà yêu nước, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Tư tưởng chính trị của ông với tính đặc sắc gắn liền thực tiễn sinh động, tính dân tộc sâu sắc không những góp phần giải quyết được nhiệm vụ lịch sử đặt ra lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Luận án đã trình bày, phân tích, làm rõ nội dung, đặc điểm của tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh một cách hệ thống. Trên cơ sở nội dung và đặc điểm tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh, luận án đã rút ra ý nghĩa lịch sử cả về mặt lý luận và về mặt thực tiễn của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam, với thực tiễn công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để giành độc lập dân tộc đầu thế kỷ XX, cũng như đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Bằng sự trình bày một cách có hệ thống những nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh, luận án không chỉ giúp người đọc có sự nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về tư tưởng chính trị của Nguyễn An Ninh thời kỳ này, mà còn giúp người đọc có sự đánh giá khách quan, đúng đắn hơn về ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh đối với thực tiễn và yêu cầu của lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đồng thời, những ý nghĩa lịch sử rút ra tư tưởng chính trị Nguyễn An Ninh là những vấn đề có ý nghĩa thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên