Thông tin này được TS Nguyễn Văn Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khoẻ tinh thần, Trường ĐHKHXH&NV ĐHQG-HCM - đưa ra tại tọa đàm “Mô hình tư vấn tâm lý cho sinh viên tại ĐHQG-HCM”. Tọa đàm do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 8/12.
Theo TS Nguyễn Văn Tường, kết quả khảo sát thực trạng khỏe tinh thần của hơn 8 ngàn sinh viên ĐHQG-HCM cho thấy vấn đề trầm cảm và lo âu của sinh viên đang ở mức cao.
Xét theo các yếu tố nhân khẩu học, sinh viên thuộc cộng đồng LGBTQ+ có mức độ trầm cảm và lo âu cao hơn so với sinh viên nam và nữ. Trong tương quan giữa các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật có mức độ trầm cảm, lo âu cao nhất.
Đối với liên khóa đào tạo, sinh viên năm 4 của Khoa Y ĐHQG-HCM có biểu hiện trầm cảm lo âu cao hơn so với sinh viên cùng khóa đào tạo ở các đơn vị thành viên khác. Đồng thời, mức độ trầm cảm, lo âu cao thường xảy ra đối với sinh viên ở trọ một hình hơn sinh viên cùng gia đình hay ký túc xá.
“Sinh viên càng có biểu hiện về trầm cảm lo âu cao, mức độ cảm nhận hạnh phúc về trường học càng giảm đi. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường đại học là vô cùng cấp thiết” - TS Nguyễn Văn Tường nhận định.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, Trường ĐH KHXH&NV lưu ý, tuy các trường thành viên của ĐHQG-HCM đều triển khai dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho sinh viên nhưng vẫn chưa có một mô hình thống nhất, còn mang tính manh mún, rời rạc.
Do đó việc xây dựng một mô hình thống nhất, toàn diện dựa trên nghiên cứu khoa học và sự hỗ trợ của các cơ sở pháp lý là yêu cầu cấp bách hiện nay của ĐHQG-HCM.
TS Lê Nguyên Phương - Tổng thư ký Liên hiệp phát triển tâm lý học trường học quốc tế, cho biết khảo sát cắt ngang của TS Nguyễn Văn Tường “thực sự gây shock” với ông.
Ông Phương cho rằng số sinh viên có biểu hiện trầm cảm lo âu chiếm tỷ lệ cao như nghiên cứu nêu ra đòi hỏi việc xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần chung cho sinh viên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khoẻ tinh thần, đây chỉ là kết quả của khảo sát cắt ngang, được thực hiện từ ngày 1-31/10. Con số này không phải là kết quả từ các nghiên cứu lâm sàng mà chỉ có tính chất nhận diện.
Tọa đàm còn lắng nghe các báo cáo về Xây dựng năng lực tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của sinh viên - TS Lê Nguyên Phương, Đề xuất mô hình hỗ trợ tâm lý dành cho sinh viên trong bối cảnh Việt Nam hiện nay - PGS.TS Trần Thị Lệ Thu (Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam), Một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên nội trú Ký túc xá ĐHQG-HCM - BS Nguyễn Thị Trọng (Trưởng trạm Y tế KTX ĐHQG-HCM).
Tọa đàm nhằm góp phần triển khai nội dung “Xây dựng, thí điểm và nhân rộng mô hình tư vấn tâm lý trong trường học tại ĐHQG-HCM” thuộc chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” tại ĐHQG-HCM.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên