Tin tức - Sự kiện

Âm nhạc trong nghi lễ RIJA của người Chăm - NCS. Đàng Năng Hòa

  • 01/02/2021
  • Tên luân án: Âm nhạc trong nghi lễ RIJA của người Chăm
    Chuyên ngành: Dân tộc học
    Mã ngành: 93 10 310
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đàng Năng Hòa
    Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. Thành Phần, 2. PGS. TS. Nguyễn Thanh Hà
    Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG-HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) 
    Hiện nay, hệ thống lễ Rija của người Chăm ở Việt Nam gồm có 4 nghi lễ: lễ Rija Nâgar (lễ múa đầu năm), lễ Rija Harei (lễ múa ban ngày), lễ Rija Dayep (lễ múa ban đêm) lễ Rija Praong (lễ múa lớn). Đây là hệ thống nghi lễ thuộc tín ngưỡng dân gian bao gồm nhiều nghi thức trình diễn múa, hát, âm nhạc và kịch nghệ, được người Chăm tổ chức nhằm để cầu cúng tổ tiên, các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, sức khỏe và mùa màng bội thu. Trong nghi lễ Rija, âm nhạc đóng vai trò quán xuyến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, đó là những bài hát lễ, các điệu múa lễ, các bài trống, bài kèn tấu lễ… Từ nội dung thống nhất, âm nhạc đã thay thế hoàn toàn cho tiếng nói của con người để đối thoại với tổ tiên, ông bà và thần thánh. 
    Nội dung của luận án “Âm nhạc trong nghi lễ Rija của người Chăm” được tthực hiện nhằm hướng đến các mục tiêu sau: Tìm hiểu hình thức trình diễn âm nhạc truyền thống Chăm trong nghi lễ Rija. Phân tích đặc trưng của âm nhạc trong nghi lễ Rija, từ đó làm rõ đặc trưng của âm nhạc truyền thống Chăm. Qua đó, nhận diện, phân tích vai trò, chức năng của âm nhạc trong các nghi lễ Rija, từ đó làm rõ nguồn gốc, ý nghĩa của âm nhạc truyền thống Chăm. Cuối cùng, kiến nghị một số giải pháp thiết thực trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của âm nhạc truyền thống người Chăm trong đời sống hiện đại.
    Từ khóa:  Chăm, âm nhạc, nghi lễ, Rija
    + Những kết quả của luận án
    Nghi lễ Rija là một minh chứng đầy thuyết phục sự kết hợp mật thiết giữa nghi lễ với âm nhạc. Hai yếu tố này hòa quyện vào nhau, tạo nên một nét riêng, mang đậm màu sắc dân gian và tôn giáo - tín ngưỡng của người Chăm. 
    1. Từ kết quả nghiên cứu, âm nhạc trong nghi lễ Rija của người là một sự dung hòa gồm nhạc bản địa, còn lại chủ yếu là các dụng cụ nhạc, điệu nhạc có ảnh hưởng từ Mã Lai du nhập vào Champa khoảng thế kỷ XVII. 
    2. Về diễn trình âm nhạc Chăm trong nghi lễ Rija, rõ ràng các nghi lễ Rija có đầy đủ các hình thức trình diễn âm nhạc bao gồm: hát kể, hát đối đáp, múa lễ, trình diễn nhạc cụ, và sân khấu kịch.
    3. Qua nghiên cứu, chúng ta có thể thấy âm nhạc truyền thống Chăm mang tính thiêng và chỉ được trình diễn trong không gian nghi lễ. Đối tượng mà âm nhạc Chăm hướng tới để phục vụ là các thần linh, các vị vua hóa thần, những vị anh hùng dân tộc chứ không phải người thường. Sân khấu trình diễn nghệ thuật nhạc Chăm cũng chính là nghi lễ. Đặc trưng âm nhạc Chăm là âm nhạc nghi lễ.
    4. Chúng tôi có thể kết luận rằng, âm nhạc trong các nghi lễ Rija vừa có vai trò quan trọng đối với đời sống tín ngưỡng của cộng đồng Chăm vừa có vai trò quan trọng trong đời sống dân gian Chăm. Các nghi lễ Rija là không gian nuôi dưỡng và bảo tồn âm nhạc truyền thống Chăm. Bên cạnh các nghi lễ khác có sử dụng âm nhạc, các lễ Rija là môi trường biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc phong phú nhất của người Chăm. 
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Kết quả nghiên cứu của luận án có thể ứng dụng trong các lĩnh vực sau:
    - Nguồn tham khảo cho các Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, đặc biệt là các Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm.
    - Nguồn tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa, những người quan tâm đến văn hóa Chăm, cụ thể là về khía cạnh âm nhạc Chăm.
    - Kết quả nghiên cứu của luận án là nguồn tư liệu phục vụ công tác truyền dạy về âm nhạc Chăm trong các trường Cao đẳng, Đại học và các Viện âm nhạc…
    - Luận án cũng mong muốn đóng góp một phần vào công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc Chăm trong giai đoạn hiện nay.
    - Trong luận án chúng tôi chỉ giới hạn ở mức độ nhận diện, phân tích vai trò và chức năng của âm nhạc trong nghi lễ Rija của người Chăm. Vấn đề còn bỏ ngỏ là chưa nghiên cứu toàn diện về diện mạo âm nhạc Chăm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu vấn đề này trong thời gian sắp tới.

    Tệp đính kèm: