Tin tức - Sự kiện

Ẩn dụ ngữ âm trong Hồng lâu mộng và vấn đề chuyển dịch chúng sang tiếng Việt - NCS. Phan Thị Hà

  • 20/01/2022
  • Tên đề tài luận án: Ẩn dụ ngữ âm trong Hồng lâu mộng và vấn đề chuyển dịch chúng sang tiếng Việt
    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu
    Mã số:9222024
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Thị Hà
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Nguyễn Đình Phức, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG-HCM
    1.Tóm tắt nội dung luận án
    Luận án khảo sát, phân tích hiện tượng ẩn dụ ngữ âm tong Hồng lâu mộng và vấn đề chuyển dịch chúng sang tiếng Việt phần lớn từ góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận- một trong những nền tảng làm hệ thống lý thuyết mà luận án dùng để nhận diện và luận giải ý  nghĩa của ẩn dụ ngữ âm. Luận án sử dụng phương pháp miêu tả, phương pháp phân tích ngữ nghĩa và phương pháp so sánh đối chiếu kết hợp với các thủ pháp thống kê, hệ thống hóa, phân loại, tổng hợp để bổ sung cho kết quả nghiên cứu. Luận án khảo sát, phân tích hơn 300 trường hợp ẩn dụ ngữ âm (bao gồm các ví dụ trong luận án và phụ lục), thống kê các phương pháp chuyển dịch sang tiếng Việt của nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàn, so sánh với các bản dịch tiếng Anh nổi tiếng và đưa ra quy trình dịch hiện tượng này sang tiếng Việt.
    Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy ẩn dụ ngữ âm tong Hồng lâu mộng chủ yếu có ba loại: ẩn dụ phỏng hình âm thanh tự nhiên, ẩn dụ phỏng hình cấu âm thính giác, ẩn dụ phỏng hình đồng âm. Phạm vi sử dụng của chúng đều rất đa dạng, trong lớp từ tượng thanh, trong tên riêng, trong thơ, trong câu đối, lời thoại nhân vật…Đặc biệt ẩn dụ trong tên riêng chiếm đại đa số, chúng biểu trưng cho kết cấu nội dung, bố cục tác phẩm, biểu trưng cho nhân vật/sự kiện lịch sử, thực trạng xã hội, tính cách, số phận nhân vật, biểu trưng cho thái độ, tư tưởng của tác giả…Việc phân tích, khảo sát ẩn dụ ngữ âm và phương thức chuyển dịch chúng sang tiếng Việt cho thấy có nhiều trường hợp dịch giả bảo toàn được nghĩa ẩn dụ, song cũng có một số trường hợp dịch giả không chuyển hóa được sang ngôn ngữ đích. Việc so sánh bản dịch Việt ngữ với bản dịch tiếng Anh cho thấy  những thuận lợi và khó khăn cũng như ưu điểm, đặc trưng ngôn ngữ và khả năng nhận biết ẩn dụ ngữ âm của dịch giả ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả dịch, từ đó đề xuất về quy trình dịch sao cho bản dịch bảo toàn được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của nguyên tác
    2. Những kết quả của luận án
    Về mặt lý luận: đã giải quyết ba vấn đề quan trọng, đó là: Xác định khung lý thuyết ẩn dụ ngữ âm; vận dụng hệ thống lý thuyết này vào việc nhận diện, phân tích hiện tượng ẩn dụ ngữ âm trong Hồng lâu mộng; xác định các phương pháp dịch và hiệu quả dịch ẩn dụ ngữ âm trong bản dịch Việt ngữ của nhóm Vũ Bội Hoàng từ đó đề xuất quy trình dịch ẩn dụ ngữ âm trong tác phẩm văn học nói chung, Hồng lâu mộng nói riêng. 
    Về ứng dụng thực tiễn: nghiên cứu, khảo sát ẩn dụ ngữ âm trong Hồng lâu mộng cho thấy, ẩn dụ ngữ âm là công cụ để chuyển tải nội dung, tư tưởng của tác phẩm, thái độ của tác giả đối với xã hội đương thời. 
    - Chứng minh việc sử dụng ADNA trong tác phẩm đều có dụng ý của tác giả. Nhận diện và luận giải được ý nghĩa ẩn dụ ngữ âm trong Hồng lâu mộng, giải mã được nhiều điều bí ẩn trong tác phẩm giúp độc giả, nhà nghiên cứu có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc hơn về tác phẩm. Các ADNA minh họa trong phần chính văn cũng như các ADNA trong phần phụ lục của luận án có thể dùng làm ngữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa, văn học Trung Quốc.
    - Khảo sát các phương pháp dịch ADNA trong bản dịch tiếng Việt cho thấy, hiệu quả dịch ADNA phụ thuộc nhiều vào mục đích dịch và mức độ quan tâm, hiểu biết về tác giả, tác phẩm của người dịch, đồng thời sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là yếu tố thuận lợi và cũng là khó khăn khi dịch hiên tượng ngôn ngữ này.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:    
    Việc nghiên cứu hiện tượng ẩn dụ ngữ âm trong tác phẩm văn học Hồng lâu mộng từ bình diện ngữ học tri nhận là hướng tiếp cận mới. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu về ẩn dụ ngữ âm từ hướng tri nhận trong tiếng Việt trong nhiều lĩnh vực hoặc những nghiên cứu dịch thuật ADNA từ tiếng Hán sang tiếng Việt trong tác phẩm văn học, nghệ thuật cụ thể để kiểm chứng lý thuyết, góp phần bổ sung thêm cho giá trị lý luận và thực tiễn của lý thuyết ẩn dụ ngữ âm từ góc độ tri nhận luận.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên