Khoa học công nghệ

Cần sớm ban hành nghị định mới để làm rõ vị trí pháp lý của ĐHQG

  • 10/07/2023
  • Tại tọa đàm lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng do ĐHQG-HCM tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, đã nêu ý kiến về việc thiếu địa vị pháp lý rõ ràng từ Nghị định 186 khiến cho các luật liên quan đến ĐHQG còn nhiều hạn chế.

    PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trưởng Ban Giám sát Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế - Luật.

    Để làm rõ hơn về địa vị pháp lý đặc thù của ĐHQG-HCM nói riêng và mô hình ĐHQG nói chung, Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp về chủ đề này.

    * Thưa bà, hiện nay, địa vị pháp lý của ĐHQG-HCM được thể hiện như thế nào trong các văn bản pháp luật liên quan?

    - Theo quy định hiện nay (cụ thể là Khoản 1 Điều 2 Nghị định 186/2013/CP) ĐHQG được xác định là “cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học”.

    Còn theo Khoản 2 Điều 8 Luật Giáo dục Đại học, ĐHQG có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. ĐHQG chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, của các bộ, ngành khác và UBND các cấp nơi ĐHQG đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

    ĐHQG được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến ĐHQG. Khi cần thiết, giám đốc ĐHQG báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của ĐHQG.

    * Theo bà, ĐHQG-HCM có những quyền hạn và trách nhiệm pháp lý đặc biệt nào so với các trường đại học khác?

    - Như các cơ sở pháp lý đã viện dẫn trên đây, điểm đặc biệt trong quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của ĐHQG chính là (1) quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy và (2) được thí điểm mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, ngoài danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thực hiện trên cơ sở có đủ các điều kiện theo quy định; báo cáo Bộ GD&ĐT theo dõi, kiểm tra; được phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tổ chức tại ĐHQG theo quy định của pháp luật.

    * Thưa bà, nên hiểu vấn đề địa vị pháp lý đặc thù đối với một đại học ra sao? Và địa vị pháp lý đặc thù của ĐHQG-HCM có đóng góp như thế nào vào sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam?

    - Địa vị pháp lý của một đại học có sự đặc thù so với trường đại học, cụ thể “ĐHQG, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Chính sự đặc thù này dẫn đến kết quả là ĐHQG được trao khá nhiều quyền tự chủ so với các trường đại học. Tuy nhiên, khác với số đông các trường đại học, các trường thành viên, ĐHQG do Chính phủ thành lập, điều đó có nghĩa ĐHQG là một cấp cao hơn các trường đại học. Còn xét về cấp quản lý thì ĐHQG lại chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT. Như vậy, câu hỏi đặt ra là vị trí của ĐHQG ở đâu trong cơ cấu hàng dọc? ĐHQG không thể là cấp quản lý của các trường thành viên nhưng lại cùng chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT như các trường thành viên. Tình trạng pháp lý không rõ ràng này dẫn đến nhiều quyền của ĐHQG không rõ ràng.

    * Bà có thể phân tích rõ hơn về những ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và sự phát triển của ĐHQG-HCM do thiếu địa vị pháp lý đặc thù?

    - Ngoài tình trạng đặt ra như trên do sự thiếu vắng cơ chế đặc thù và rõ ràng của ĐHQG trong tổng thể hệ thống cơ quan, đơn vị ngành dọc, còn có một số vấn đề khác. Chẳng hạn, trong quy định về đối tượng áp dụng Nghị định 120/2020/CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định đối tượng áp dụng của Nghị định cụ thể như sau:

    “Điều 2. Đối tượng áp dụng

    1. Đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ), gồm:
    a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ (bao gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ và đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài);
    b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ (sau đây gọi chung là tổng cục thuộc bộ);
    c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ;
    d) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc văn phòng thuộc bộ;
    đ) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ.

    2. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài).

    3. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.

    4. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), gồm:
    a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh;
    b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sau đây gọi chung là sở);
    c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục và tương đương thuộc sở;
    d) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh.

    5. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

    6. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    7. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan”.

    Từ tổng thể quy định này, vị trí của ĐHQG và các đơn vị thành viên là chưa được quy định rõ ràng, từ đó dẫn đến việc áp dụng quy định chưa thật sự danh chính, ngôn thuận.

    * Bà có thể nêu một số giải pháp để góp phần hạn chế hoặc khắc phục những ảnh hưởng này?

    - Giải pháp để có thể tháo gỡ những vướng mắc này là Chính phủ nhanh chóng ban hành nghị định thay thế Nghị định 186/2013/CP, trong đó xác định rõ vị trí pháp lý của ĐHQG. Từ đó, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần ghi nhận cụ thể về vai trò và vị trí của ĐHQG trong từng lĩnh vực cần thiết phải ban hành quy định.

    Trân trọng cám ơn bà đã tham gia trả lời phỏng vấn.

    PHAN YÊN thực hiện

    Nghị định về ĐHQG cần tạo không gian tự chủ

    Chiều 30/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG (Nghị định)

    Theo Phó Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là phát triển các ĐHQG trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu của đất nước, cạnh tranh được với các đại học quốc tế, giải quyết vấn đề nguồn nhân lực của các vùng, các ngành, lĩnh vực được đặt mục tiêu phát triển.

    “Nghị định cần làm rõ nội hàm, phạm vi của khái niệm ĐHQG bao gồm cơ chế, bộ máy, tổ chức, thẩm quyền, sứ mệnh… Đây chính là tiêu chuẩn, tiêu chí để một đại học có thể trở thành ĐHQG”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng nghị định phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có, cho phép thực hiện cơ chế, chính sách mới nhằm tạo không gian tự chủ, sáng tạo, linh hoạt để các ĐHQG phát triển ngang tầm quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là đào tạo nhân lực có chất lượng sánh với các đại học hàng đầu thế giới.

    “Trong nghị định phải có quy định về tiêu chí đánh giá ĐHQG về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, chất lượng sinh viên tốt nghiệp… hài hòa với các tiêu chí quốc tế. Mô hình ĐHQG phải có đột phá, vừa hoạt động theo cơ chế thị trường, vừa thực hiện đặt hàng của Nhà nước, đào tạo nhân tài, phát triển nghiên cứu cơ bản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

    Báo điện tử Chính phủ

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên