Sinh viên ĐHQG-HCM

Chuẩn hóa biên độ chuyển động cổ bằng AI

  • 22/03/2024
  • Trước những sai số trong việc dùng thước đo góc thông thường để kiểm tra biên độ cơ xương khớp trong y học cổ truyền, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG-HCM cùng bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh đã hợp tác nghiên cứu chế tạo thiết bị đo trục tọa độ cơ thể đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ tích hợp camera, trí tuệ nhân tạo (AI).

    Từ trái sang phải: Bùi Đặng Đăng Khoa, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (SV Trường ĐH Bách Khoa), PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền, TS Nguyễn Lê Ý (GV Trường ĐH Quốc Tế), Chế Quang Công (SV Trường ĐH Bách Khoa). Nguồn: NVCC

    Từ phát hiện mới mẻ đến những người tiên phong

    Trong quá trình làm việc ở lĩnh vực y học cổ truyền, ThS.BS Nguyễn Hữu Đức Minh (chuyên ngành cơ xương khớp - y học cổ truyền) nhận thấy việc đo biên độ khớp cổ, vai, gáy bằng thước thông thường rất chủ quan và thiếu chuẩn xác. Vì thế, anh đã tìm đến nhóm sinh viên Bách Khoa - chủ nhân của dự án Chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng mà bản thân ấn tượng trước đó để ngỏ lời hợp tác. “Năng lực của các bạn trẻ chính là điều làm tôi tin và giao việc thực hiện hóa ý tưởng này cho họ” - BS Đức Minh khẳng định. 

    Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa gồm: Chế Quang Công, Bùi Đặng Đăng Khoa (ngành Kỹ thuật Hóa học), Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (năm ba ngành Kỹ Thuật Y Sinh), Phạm Nguyễn Đăng Tuyên (cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV) cùng một số cộng sự, cố vấn khác thuộc các trường ĐH Quốc Tế - ĐHQG-HCM, ĐH Y Dược TP.HCM...

    Hệ thống AxIX (từ ghép của Axis và số 9 La Mã - tượng trưng cho 6 bài tập vận động trong vòng 3 phút) của Máy đo trục tọa độ cơ thể được nhóm sinh viên Bách Khoa thiết kế với khung nhôm cùng 4 chiếc camera công nghệ cao (AI). Từ đó, hệ thống này có thể chụp những bức ảnh chi tiết về cách cổ chuyển động trước và sau khi tập các bài tập vận động trong y học cổ truyền. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và theo dõi chính xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

    Chia sẻ về thao tác lập trình và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sinh viên Bùi Đặng Đăng Khoa cho biết: “Người lập trình trong nhóm mình cung cấp cho AI một số điều kiện, bao gồm việc chụp hình ở một góc nhất định, người lập trình sẽ thu được điểm ảnh như thế nào. Từ những điểm trên, chúng mình có thể suy ra trục toạ độ X,Y,Z phù hợp và tính được biên độ chuyển động cổ. Tuy nhiên, nhược điểm của AI là yêu cầu rất nhiều trường hợp để có thể tính toán, đối chiếu. Vì thế, nhóm vẫn đang trong quá trình khắc phục nhược điểm này”.

    Ý tưởng kết hợp công nghệ hiện đại vào y học cổ truyền còn khá mới mẻ nên nhóm sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập dữ liệu. Nhưng không vì thế mà nản lòng, nhóm bạn trẻ bắt đầu tham khảo từ các dự án nước ngoài có mô hình phù hợp với thị hiếu và đặc thù cơ thể người Việt Nam, đồng thời triển khai thử nghiệm trên 1.000 người khoẻ mạnh để đưa ra những số liệu ban đầu của dự án. “Dựa vào đây, nhóm mình có thể xác định các giá trị bình thường của cột sống cổ, từ đó máy có thể dễ dàng đối chiếu. Dựa vào việc xây dựng bộ dữ liệu biên độ cổ dành cho người Việt Nam sẽ xác thực được hiệu quả điều trị” - sinh viên Quang Công chia sẻ. 

    Nhóm đã chọn ứng dụng Máy đo trục toạ độ cơ thể vào các bệnh cổ, vai, gáy trước tiên bởi đây là tiền đề để ứng dụng vào các bệnh liên quan đến cột sống lẫn trục cơ thể. Đồng thời, bộ dữ liệu trục cơ thể tiêu chuẩn mà nhóm sinh viên thu thập được có thể hỗ trợ những nghiên cứu khác.

    Đứng trước khó khăn về việc thiếu dữ liệu tham khảo, nhóm sinh viên luôn giữ vững quan niệm hướng tới cộng đồng. Đăng Khoa cho biết: “Khi gặp khó khăn, chúng mình luôn nhớ lại lý do tại sao lại bắt đầu. Mình làm vì điều gì. Mình làm để phục vụ  cộng đồng chứ không chỉ để thỏa mãn đam mê khoa học. Vì theo mình quan sát, các sản phẩm mà khoa học làm ra đều hướng tới việc cải thiện chất lượng đời sống con người”.

    Hệ thống AxIX xác nhận các điểm ảnh trên cơ thể nhằm cho ra kết quả về biên độ chuyển động cổ chính xác. Nguồn: NVCC

    “Mình còn trẻ, sao không thử?”

    Dù học chuyên ngành khác nhau, nhưng tất cả thành viên trong nhóm đều có chung niềm đam mê lớn đối với lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ. Chia sẻ về việc áp dụng những kiến thức trên giảng đường vào dự án, sinh viên Mỹ Ngọc cho rằng, việc tham gia các phòng thí nghiệm để nghiên cứu những lĩnh vực khác nhau đã giúp cho nhóm có kỹ năng nghiên cứu thông tin, tư duy logic, đa chiều, biết phân tích và giải quyết vấn đề. Chương trình kỹ thuật tại Trường ĐH Bách Khoa khá nặng, học thì vất vả nhưng nhờ đó mà các thành viên đã rèn luyện được khả năng làm việc dưới áp lực cao. Bên cạnh đó, nhóm sinh viên còn nhận được sự cố vấn kỹ lưỡng và kịp thời từ các giảng viên có kinh nghiệm và giỏi chuyên môn.

    Các thành viên trong nhóm đều cố gắng duy trì thành tích học tập ổn định, đồng thời tích cực tham gia những dự án, cuộc thi về sáng tạo, phục vụ cộng đồng nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân. Theo Đăng Khoa, các thành viên trong nhóm có điểm chung là ưu tiên tham gia các dự án vì tại đây, mọi người có thể quan sát được bức tranh toàn cảnh về vấn đề cũng như biết được những kỹ năng cần thiết để đưa ý tưởng “về đích”. Những trải nghiệm bên ngoài đã dạy cho Khoa và các cộng sự ý thức bảo vệ ý tưởng và coi trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ - điều mà sách vở không đề cập.

    Từ ý tưởng táo bạo đến việc thiết bị đã được ứng dụng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, nhóm sinh viên Bách Khoa đã minh chứng được năng lực, nhiệt huyết và tinh thần dấn thân của tuổi trẻ. “Chúng mình quan niệm rằng: ‘Mình còn trẻ, sao không thử?’ Dù là lĩnh vực nào, việc dám thử, dám trải nghiệm và dám thất bại là điều thực sự đáng giá. Đặc biệt, đối với những bạn đam mê khoa học công nghệ, đừng ngại định kiến ‘Nghiên cứu khoa học chỉ dành cho những sinh viên đạt thành tích cao trong học tập’. Chỉ cần theo đuổi đam mê của mình, bạn sẽ tìm thấy được con đường phù hợp!” - Mỹ Ngọc chia sẻ.

    Trong tương lai, nhóm sinh viên Bách Khoa sẽ tiếp tục khai thác dự án Máy đo trục toạ độ cơ thể bằng cách mở rộng ứng dụng của nó tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Sau đó, nhóm sẽ nghiên cứu về việc ứng dụng máy đối với người dân tộc thiểu số để phù hợp hơn với những khác biệt trong thói quen sinh hoạt và đặc điểm hình thể. 

    PHAN MINH QUÂN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên