Sau đại học

Đặc điểm của tiếng việt thế kỷ xvii qua cứ liệu từ điển annam - lusitan - latinh - NCS. Bùi Thị Minh Thùy

  • 11/03/2019
  • - Tên đề tài luận án:  Đặc điểm của tiếng việt thế kỷ xvii 
    qua cứ liệu từ điển annam - lusitan - latinh
    - Chuyên ngành: Ngôn ngữ học. 
    - Mã số: 62.22.02.40
    - Họ và tên nghiên cứu sinh: Bùi Thị Minh Thùy
    - Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lê Trung Hoa
    - Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

    Tóm tắt nội dung luận án
    Những nghiên cứu về tiếng Việt lịch sử đã có từ lâu. Các nhà Việt ngữ học đã nghiên cứu tiếng Việt lịch sử trên nhiều bình diện, ở nhiều giai đoạn và nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu đầy đủ về lịch sử Việt ngữ học là một vấn đề cần thiết mà các nhà Việt ngữ học mong ước, vì nó vượt quá khả năng của một cá nhân. Đáp ứng lại mong ước trên, luận án này muốn đóng góp thêm vào việc nghiên cứu tiếng Việt lịch sử - tiếng Việt thế kỷ XVII. Tiếng Việt thế kỷ XVII được nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, dễ dàng hơn là do có được nguồn cứ liệu là cuốn Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (Từ điển ALL) của Alexandre de Rhodes được xuất bản ở Roma năm 1651. Có tác giả đã dùng từ điển này để nghiên cứu hệ thống âm vị Tiếng Việt thế kỷ XVII; có tác giả đã dùng từ điển này như cột mốc để phân kỳ lịch sử tiếng Việt; có tác giả đã dùng từ điển này để đi ngược dòng nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, lịch sử chữ Quốc ngữ;… mỗi tác giả đã dùng từ điển này để nghiên cứu một góc độ nào đó của tiếng Việt lịch sử. Trong tiến trình nghiên cứu, chúng tôi cũng sử dụng nguồn cứ liệu là cuốn Từ điển ALL để chỉ ra được “đặc điểm tiếng Việt thế kỷ XVII.”
    Những kết quả mới của luận án
    1.    Luận án xác định rõ đặc điểm tiếng Việt thế kỷ XVII, đồng thời chỉ ra cái nhìn tổng quát về tiếng Việt thế kỷ XVII và cái nhìn chi tiết về tiếng Việt thế kỷ XVII trên từng bình diện: ngữ âm và chữ viết, từ vựng, ngữ pháp.
    2.     Luận án chứng minh khả năng phản ánh tiếng Việt thế kỷ XVII của Từ điển ALL.
    3.    Luận án khẳng định thêm về giá trị của Từ điển ALL trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.
    Khả năng ứng dụng trong thực tiễn 
    1.    Luận án có giá trị nhất định trong việc góp phần nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Đồng thời đề tài không chỉ bổ trợ cho ngành ngôn ngữ học mà còn bổ trợ cho các ngành như: văn hóa, lịch sử, nhân học, dân tộc học…
    2.    Luận án trình bày hệ thống lý luận giúp xác định đặc điểm ngôn ngữ của tiếng Việt trên các bình diện trong một giai đoạn lịch sử.
    3.    Các ngữ liệu thống kê trong phần phụ lục có thể sử dụng để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đề tài của luận án, ví dụ: bảng từ thống kê toàn bộ mục từ trong từ điển, bảng đính chính, bảng chính tả, bảng các lớp từ, các cấu trúc ngữ,…
    4.    Bảng từ thống kê toàn bộ các mục từ trong từ điển, có thể viết thành một phần mềm chạy trên máy tính giúp tra cứu nhanh khi nghiên cứu Từ điển ALL, hoặc có thể đăng tải trên các website giúp tra cứu online. 
    Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Nghiên cứu đầy đủ về tiếng Việt thế kỷ XVII là việc làm vượt sức của chúng tôi, với các ngữ liệu trong phụ lục của luận án, ước mong sẽ có những nghiên cứu tiếp tục.
    Ngoài việc sử dụng ngữ liệu trong phụ lục để nghiên cứu tiếng Việt lịch sử, có thể sử dụng ngữ liệu ấy để nghiên cứu về lịch sử văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử tôn giáo Việt Nam… 

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên