Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Đạp xe 650 cây số về quê đón Tết

  • 29/01/2019
  • Mong muốn có một cái Tết thật khác để ghi dấu tuổi 23, Châu Anh Thư - cựu sinh viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM đã dành hơn 5 ngày đạp xe từ TP.HCM về Phú Yên.

    Anh Thư trong hành trình đạp xe xuyên Việt. Ảnh: NVCC

    Chuyến đi cuộc đời

    Tình cờ đọc tác phẩm Đường về nhà của Đinh Phương Linh nói về hành trình đạp xe 3.395km trong 30 ngày từ Bắc Kinh đến Hà Nội của nhân vật Xuyến, Anh Thư đã thao thức cả đêm vì bốn chữ “chuyến đi cuộc đời”. “Đến khi nào mới có một ‘chuyến đi cuộc đời’ của riêng mình? Chính câu hỏi này đã thôi thúc mình quyết định đạp xe từ Sài Gòn về Phú Yến trong Tết 2018. Nếu không làm bây giờ thì không biết sẽ là bao giờ” - Anh Thư chia sẻ.

    Nhưng quyết tâm là một chuyện, trước một chuyến đi “nặng ký” như thế, Anh Thư thú nhận cũng không tránh khỏi những lần đắn đo, chùn bước. Anh Thư cho rằng bản thân vốn là một đứa con gái “bánh bèo”, hay bệnh lặt vặt quanh năm và… chẳng bao giờ tập thể dục. “Như thế liệu mình có đạp xe nổi hay là ngồi khóc giữa hành trình hàng trăm cây số? Tuy nhiên, kỳ lạ thay là chính khoảnh khắc đó lại trở thành động lực để mình thực hiện chuyến đi. Bởi mình tâm niệm ‘nếu không đi bây giờ thì sau này già mất thôi’” - Anh Thư cười nhớ lại.

    “Chuyến đi cuộc đời” của Anh Thư bắt đầu từ 5/2 đến 10/2/2018 trên chiếc xe đạp leo núi cũ mà Anh Thư mua lại. Trước 12 giờ khởi hành, cô gái Khoa Cơ khí may mắn tìm được một bạn đường tin cậy, đó là anh đồng hương tên Phong - người đã giúp đỡ Anh Thư rất nhiều trên hành trình đạp xe về quê ăn Tết ở tuổi hai mươi ba. Anh Thư tâm sự: “Chuyến đi sẽ không trọn vẹn nếu như không có anh Phong đồng hành. Không quan trọng bạn đi đâu, quan trọng là bạn đi với ai. Nhờ có anh Phong luôn chu đáo trong việc ăn uống nên mình mới có đủ sức khỏe để hoàn thành chuyến đi đó”.

    Chuyến về quê ăn Tết bằng xe đạp của Anh Thư. Ảnh: NVCC

    Mặc dù trước khi xuất phát, Anh Thư cùng bạn đồng hành đã bàn tính kỹ lịch trình cụ thể, chỉ tiêu số km phải đi và tìm những nhà dân để có thể ngủ nhờ nhưng cũng có lúc Anh Thư cho biết phải khóc trên đường về nhà. “Vào ngày thứ hai, đoạn đường từ Lộc An (Bà Rịa) đến Phan Thiết (Bình Thuận) có nhiều ổ gà, lại dốc lên dốc xuống nên mình bị tụt lại phía sau. Lúc đó mình cảm thấy tủi thân và giận anh Phong kinh khủng, vì thế mình vừa đạp xe vừa khóc. Cuối cùng cũng gặp được anh Phong đang đứng chờ, thấy mình nước mắt ngắn dài, anh Phong không cho đi tiếp mà hai anh em phải ngồi lại để nói chuyện, sau đó anh hứa sẽ chờ mình đi cùng” - Anh Thư kể.

    Suốt hành trình từ Sài Gòn về Phú Yên, Anh Thư đều viết nhật ký hành trình trên Facebook. Biết Anh Thư có “chuyến đi cuộc đời” nên rất nhiều người theo dõi, cổ vũ cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những người lạ biết hành trình của Thư nên mời ăn uống, tặng quà khi ngang qua nhà họ. Có người gọi điện cho Thư kể rằng chuyến đi của Thư đã truyền cảm hứng. Chính những người lạ nhiệt tình, hào sảng và chân thành như thế đã giúp Thư không cảm thấy cô độc trong chuyến hành trình “dài hơi” đầu tiên của tuổi trẻ.

    Tết trọn vẹn bên gia đình 

    Vì sợ bị phản đối và lo lắng nên Anh Thư giấu gia đình việc đạp xe về nhà ăn Tết. “Mình định về gặp ba mẹ rồi thú tội sau. Nhưng trước đêm về đến nhà thì ba mẹ phát hiện và có đến 14 cuộc gọi nhỡ. Lúc ấy, mình hoảng quá, không biết phải làm gì. Rất may bên cạnh có anh Phong đã trấn an và bảo mình nhắn tin thông báo với ba mẹ cụ thể để ba mẹ yên tâm, và sáng hôm sau sẽ bắt xe khách về nhà. Nhưng đến sáng, anh Phong gọi mình dậy và nói với mình rằng nếu bây giờ mình bắt xe khách về thì sẽ hối hận vì chuyến đi không được hoàn thành. Chính câu nói ấy đã tiếp thêm động lực để mình đạp nốt đoạn đường về nhà” - Anh Thư nhớ lại.

    Anh Thư cùng bạn đồng hành trong chuyến đạp xe về quê đón Tết. Ảnh: NVCC

    Về đến nhà, mẹ “thấu hiểu” sự lựa chọn của Anh Thư, nhưng ba thì giận con gái đến tận đêm giao thừa. Mãi đến hôm mồng hai Tết, sau khi lì xì cho cả gia đình bằng số tiền khởi nghiệp từ dự án Sữa Xanh, Anh Thư mới giải thích với mọi người về chuyến đi để đời đó.

    “Con muốn làm việc này từ Tết năm ngoái nhưng lúc đó con chưa có đủ tiền. Và năm nay con đã làm được. Đây là số tiền con tự làm ra và con muốn chúc mừng năm mới cho những người quan trọng trong cuộc đời con, cảm ơn nhà mình vì tất cả! Mình đã nói như thế với mọi người trong gia đình” - Anh Thư bộc bạch. Và cô gái Cơ khí cho biết thêm, sau phút giây trải lòng đó ba đã hiểu và ủng hộ cũng như công nhận sự dũng cảm của con gái khi dám làm một điều khác với mọi người. Nhưng “ba mình nói thêm rằng ba mẹ muốn trở thành một người bạn của con và mong muốn là người đầu tiên con chia sẻ những chuyện con muốn làm thay vì ba mẹ phải nghe sau cùng”.

    Sau chuyến đi cuộc đời dài 650 cây số về quê ăn Tết, Anh Thư tiếp tục chuyến đi thứ hai từ TP.HCM ra Hà Nội trong 22 ngày (15/9 - 6/10/2018).

    “Trong cuộc đời, mình chỉ có một lần 18 tuổi, một lần 20 tuổi, một lần 23 tuổi, 25 tuổi hay 30 tuổi… nên mỗi năm của mình trôi qua phải có cái gì đó đáng nhớ và trọn vẹn. Đúng cũng được, sai cũng được, vui cũng được, buồn cũng được, tổn thương cũng được. Nhưng ít nhất mình không hối hận về những điều mình đã dám làm!” - Anh Thư khẳng định.

    ANH THY (Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên