Tin tổng hợp

Đất nước muốn phát triển, cần bỏ tư duy “liệu cơm gắp mắm”

  • 30/09/2016
  • Đó là ý kiến của TS Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia trong buổi tọa đàm “Kinh tế Việt Nam: Định hướng tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong điều kiện hội nhập khu vực và thế giới” tổ chức vào sáng 28/9 tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. 

        Tham dự buổi tọa đàm có TS Ngô Thị Phương Lan, TS Nguyễn Khắc Cảnh, TS Nguyễn Ngọc Thơ cùng hơn 50 giảng viên, sinh viên.

    Ba đột phá cần phải thực hiện

        Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trần Du Lịch phân tích những yếu tố tạo nên thời cơ và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Ông cho biết: “Kinh tế vĩ mô ổn định, thể chế kinh tế và khuôn khổ pháp luật được đổi mới theo hướng thị trường, hội nhập sâu rộng thế hệ mới là ba nhân tố chính tạo nên thời cơ cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”.

        Theo ông, tuy còn gặp nhiều khó khan, song nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu hơn khi bước vào năm 2016 (năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020). Trong đó, nổi bật là nền kinh tế vĩ mô ổn định: Lạm phát được kiểm soát tốt, thoát khỏi nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình, nợ công vẫn nằm trong sự kiểm soát. “So với Myanmar, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc đưa điện về nông thôn, tăng tỷ lệ người biết chữ và ứng phó với lũ lụt” - TS Trần Du Lịch chia sẻ.
     

    TS Trần Du Lịch trình bày báo cáo tại buổi tọa đàm.

    Ông cho rằng việc hoàn thiện thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật với việc ra đời của Hiến pháp năm 2013 là những đột phá chiến lược trong 5 năm qua. Còn về hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã đi đúng hướng với tinh thần “chủ động và tích cực”, hội nhập để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

        TS Trần Du Lịch cho biết thêm: “Điểm tụt hậu lớn nhất của Việt Nam là ở mô hình tăng trưởng, tăng trưởng phải dựa trên năng suất chứ không dựa trên vốn. Do đó, việc tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là việc làm cần thiết và quan trọng”. Ông cho rằng 3 đột phá mà Việt Nam cần phải thực hiện trong giai đoạn sắp tới gồm: Cải cách thể chế, phát triển cơ bản và toàn diện nền giáo dục, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

        Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức, TS Trần Du Lịch kiến nghị Chính phủ phải tạo ra động lực mới cho sự phát triển: “Để làm được điều đó, phải từ bỏ ngay lối tư duy nhân dân ‘liệu cơm gắp mắm’ đã ăn sâu vào tới Quốc hội”.

    Cải cách thể chế là quan trọng nhất

        Về vấn đề thể chế, TS Nguyễn Thành Trung - Trưởng khoa Khoa Quan hệ Quốc tế Trường ĐH KHXH&NV nhận xét: “Thể chế đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế, thể chế khác nhau thì nền kinh tế phát triển khác nhau”. Ông Trung cho rằng, ngoài cải cách thể chế nhà nước thì phát triển nguồn nhân lực cũng là việc quan trọng trong phát triển kinh tế.

        Đề cập tình hình giáo dục hiện nay, TS Trần Du Lịch cho rằng cần trả quyền tự chủ tuyển sinh, đào tạo cho các trường đại học. Sinh viên cần chủ động học tập và việc thay đổi từ người học là điều cần thiết đối với giáo dục đại học Việt Nam. Sinh viên phải thay đổi quan điểm về mục đích học tập, hướng đến sự hội nhập khu vực và quốc tế. “Chúng ta không so sánh ta của ngày hôm nay với những ngày đã qua. Quá khứ là bài học kinh nghiệm chứ không phải là bài học so sánh hơn thua. Sinh viên cần học tập, nghiên cứu, xem xét các thách thức của khu vực, quốc tế để tránh được sai lầm, làm động lực vươn lên” - ông chia sẻ.

        TS Trần Du Lịch đề xuất 4 định hướng tái cơ cấu nền kinh tế: (1) Duy trì nền kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; (2) Tập trung tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp; (3) Tái cơ cấu tổng thể các ngành kinh tế, chú trọng tới thị trường trong nước; (4) Xây dựng và phát triển kinh tế vùng.

    TS Trần Du Lịch chụp ảnh cùng với chuyên gia khách mời và sinh viên sau buổi tọa đàm.

    Theo TS Trần Du Lịch, từ năm 2017 trở đi nếu làm tốt 3 trụ cột là thể chế, xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng thì chúng ta sẽ có đà phát triển tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình đã đề ra và đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tới. Khát vọng Việt Nam 2035 có thể thực hiện với điều kiện là tiếp tục cải cách thể chế, sử dụng tốt nguồn nhân lực, chống được tham nhũng.

        “Một đất nước muốn phát triển thì người dân và lãnh đạo đều phải có khát vọng. Hãy cứ khát vọng và hiện thực hóa khát vọng, chắc chắn chúng ta sẽ thành công” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

    VĂN NGUYỆN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên