Tin tổng hợp

ĐHQG-HCM sẽ ban hành quy định phân cấp trong quản lý tài chính, tài sản công

  • 02/11/2023
  • Gần 30 lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc tham gia tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Quy định phân cấp trong quản lý tài chính, tài sản công tại ĐHQG-HCM do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà ĐHQG-HCM vào chiều 2/11.

    PGS.TS Nguyễn Minh Tâm phát biểu mở đầu tọa đàm. Ảnh: PHIÊN AN

    PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết Quy định phân cấp trong quản lý tài chính, tài sản công (PCQLTC, TSC) tại ĐHQG-HCM là một trong 3 quy định nhằm cụ thể hóa chiến lược 6 về phát triển nguồn thu và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính trong Chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM.

    Qua quy định này, ĐHQG-HCM mong muốn phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị về thẩm quyền phê duyệt chủ trương, dự án cũng như các đồ án cho thuê, liên doanh, liên kết. Từ đó giúp các đơn vị phát huy quyền tự chủ và tăng tính chủ động để tạo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực tài chính.

    Theo TS Nguyễn Đình Hưng - Trưởng ban Ban Tài chính ĐHQG-HCM, các quy định hiện hành của ĐHQG-HCM cho thấy mức PCQLTC, TSC cho các đơn vị thành viên, trực thuộc rất thấp.

    Cụ thể, thẩm quyền phê duyệt của thủ trưởng các đơn vị khi mua sắm từ nguồn ngân sách là dưới 100 triệu, mua sắm từ nguồn tài chính của đơn vị là dưới 200 triệu và sửa chữa, bảo trì là dưới 500 triệu.

    Đồng thời, các quy định này chưa nêu rõ thẩm quyền quyết định và trách nhiệm của Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý… Điều này khiến cho tính tự chủ, chủ động chưa cao, chưa gắn với trách nhiệm giải trình của đơn vị.

    Khắc phục các khuyết điểm này, Dự thảo Quy định PCQLTC, TSC tại ĐHQG-HCM được xây dựng trên hai nguyên tắc (1) thống nhất, tập trung dân chủ, tiết kiệm, hiệu quả, minh bạch và công bằng theo quy định của pháp luật; (2) đảm bảo gắn với quyền hạn, trách nhiệm của ĐHQG-HCM và đơn vị.

    Theo đó, trong phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính, điều hành ngân sách, Giám đốc ĐHQG-HCM sẽ ban hành, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, chế độ; quyết định về dự toán, điều tiết tài chính; tổ chức xét duyệt, thẩm định, kiểm tra tình hình thực hiện; tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền…

    Thủ trưởng các đơn vị sẽ hướng dẫn, cụ thể hóa văn bản của ĐHQG-HCM; tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách hàng năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm của các đơn vị dự toán trực thuộc; quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị dự toán trực thuộc…

    Về phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt về đầu tư công, sửa chữa và mua sắm tài sản, Giám đốc ĐHQG-HCM sẽ phê duyệt kinh phí trên 1 tỷ đối với nguồn ngân sách nhà nước và trên 15 tỷ đối với nguồn tài chính của đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị sẽ phê duyệt kinh phí dưới 1 tỷ và dưới 15 tỷ đối với nguồn tài chính tương ứng.

    Hai mức trần phê duyệt kinh phí này sẽ tương tự trong phân cấp thẩm quyền điều chuyển, thanh lý, bán, thu hồi, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công tại đơn vị.

    Tọa đàm đã lắng nghe góp ý từ lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc và đại diện bộ phận tài chính của các đơn vị này. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thẩm định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ đầu tư, mua sắm; điều kiện phân cấp cho đơn vị; việc thanh lý, bán, thu hồi, tiêu hủy, xử lý tài sản công…

    TS Nguyễn Đình Hưng cho biết, sau buổi tòa đàm, tổ công tác sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo quy định để xin ý kiến Hội đồng ĐHQG-HCM và báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG-HCM.

    Dự kiến, Ban Giám đốc ĐHQG-HCM sẽ phê duyệt quy định này trước ngày 31/12. Quy định PCQLTC, TSC tại ĐHQG-HCM sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

    TS Nguyễn Đình Hưng báo cáo các nội dung chính của quy định. Ảnh: PHIÊN AN
    Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: PHIÊN AN

     PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên