Hội nghị - Hội thảo

ĐHQG-HCM sẽ tham gia tư vấn phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050

  • 31/08/2022
  • Đây là một trong các nội dung ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2025. Buổi lễ được diễn ra long trọng tại trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng vào ngày 31/8.

    PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM và ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trao đổi ký kết.

    Đào tạo 10 khóa thạc sĩ về môi trường, kinh doanh

    Theo ông Trần Hồng Quyết - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2012-2021, ĐHQG-HCM và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký kết 3 văn bản thỏa thuận hợp tác. Đó là Chương trình hợp tác Đào tạo nguồn nhân lực và hoạt động KHCN giữa tỉnh Lâm Đồng và ĐHQG-HCM đến năm 2020; Thỏa thuận hợp tác Đào tạo cán bộ quản lý giai đoạn 2013-2015; và Thỏa thuận hợp tác xây dựng Khu đại học quốc tế tại tỉnh Lâm Đồng.

    Trên cơ sở này, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM và Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM đã triển khai 13 đề tài/dự án, góp phần giúp tỉnh Lâm Đồng giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, hạ tầng xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa… Trong đó, Trường ĐH Bách Khoa có 2 đề tài nghiên cứu tiếp tục thực hiện cùng tỉnh Lâm Đồng đến đầu năm 2023 là Bước đầu nghiên cứu và thử nghiệm liệu pháp thực khuẩn thể nhằm kiểm soát bệnh do Pseudomonas solanacearum và Xanthomonas campestris trên cây cà chua tại Lâm Đồng; Đánh giá hiệu quả loại bỏ vi nhựa tại các trạm xử lý nước thải sinh hoạt ở Việt Nam.

    Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, năm 2008-2017, Trường ĐH Bách Khoa đã tuyển sinh và đào tạo thành công 10 khóa thạc sĩ các ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ môi trường, Quản lý môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kỹ thuật viễn thông với 379 học viên được cấp bằng, đạt tỷ lệ 86,7%. Từ năm 2018, việc đào tạo này tạm ngưng do các trường đại học của tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

    Năm 2020 và quý 1/2021, Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM đã tổ chức chuyển giao công nghệ dạy học thông qua chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo với chuyên đề "AI Super Engineer" cho 33 giảng viên và đào tạo "Công nghệ dạy học các chương trình Al - Robotics" cho 12 giảng viên của Trường ĐH Đà Lạt. 

    Đặc biệt, ĐHQG-HCM cùng tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc” và đóng góp nhiều ý kiến cho đề án “Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của tỉnh Lâm Đồng.

    Ông Quyết đánh giá các hoạt động hợp tác của ĐHQG-HCM và tỉnh trong giai đoạn 2012-2021 chưa nhiều, phần lớn là các hoạt động trước năm 2018. Nội dung hợp tác tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên môn. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh và ĐHQG-HCM chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể.

    Tiếp tục ứng dụng KHCN về nông nghiệp, môi trường

    Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lâm Đồng và ĐHQG-HCM đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác các nội dung liên quan triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

    Cụ thể, ĐHQG-HCM sẽ tham gia tư vấn, nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp ý xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác của tỉnh Lâm Đồng theo nhu cầu của tỉnh. 

    Về nguồn nhân lực, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đặt hàng ĐHQG-HCM đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực thế mạnh của ĐQHG-HCM như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kinh tế, luật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng mềm, khởi nghiệp, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, xúc tiến đầu tư...

    Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ĐHQG-HCM sẽ triển khai các nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật để góp phần giải quyết các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của tỉnh trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, du lịch, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh… 

    Riêng lĩnh vực y dược, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất ĐHQG-HCM hợp tác về bảo tồn, di thực và phát triển các loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu của Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

    Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp sửa chữa, bảo trì tòa nhà A19, Khu A Ký túc xá ĐHQG-HCM (do tỉnh này xây dựng vào năm 2010) để tạo môi trường sinh hoạt vệ sinh, an toàn cho sinh viên.

    PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng sau khi ký kết hợp tác, hai bên cần nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác để điều hành, tham mưu lãnh đạo của hai đơn vị nhằm triển khai nhanh những nội dung cụ thể. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQG-HCM để cụ thể hóa các nội dung đã ký kết, đảm bảo tính khả thi cao.

    Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định rằng tiềm năng hợp tác giữa tỉnh và ĐHQG-HCM trong thời gian tới rất lớn. Ông đề xuất hai bên thống nhất thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác ngay trong tháng 9/2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết ngày 28/10 tới đây, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về chuyển đổi số trên các lĩnh vực trụ cột như du lịch thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, do đó mời ĐHQG-HCM cùng tham gia.

    Toàn cảnh buổi làm việc.

    LÊ HOÀI - THIỆN THÔNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên