Tin tức - Sự kiện

Giảm nghèo hộ gia đình phi nông nghiệp ở nông thôn Vùng Đông Nam Bộ - NCS. Nguyễn Thanh Long

  • 21/10/2022
  • Tên đề tài LATS: Giảm nghèo hộ gia đình phi nông nghiệp ở nông thôn Vùng Đông Nam Bộ
    Chuyên ngành: Kinh tế chính trị
    Mã số: 62310102
    Họ tên NCS: Nguyễn Thanh Long
    Mã số NCS: NCS101021417
    Người hướng dẫn khoa học: HDĐL: PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Trên cơ sở lý luận về nghèo và thực trạng nghèo, đánh giá diễn biến giảm nghèo của hộ phi nông nghiệp ở nông thôn vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2002-2020. Luận án đã phân tích và nhận diện ảnh hưởng của tư liệu sản xuất và sức lao động đến tình trạng nghèo của hộ phi nông nghiệp ở nông thôn vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2002-2020. Từ đó, luận án đưa ra các quan điểm, định hướng, giải pháp giảm nghèo đối với hộ phi nông nghiệp ở nông thôn vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Một là, luận án hệ thống lại cơ sở lý thuyết liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của hộ PNNNT(phi nông nghiệp ở nông thôn). Trong đó, luận án tập trung trình bày lý thuyết về hoạt động kinh tế, thu nhập PNNNT, lý thuyết về sinh kế hộ ở nông thôn, và lý thuyết về việc làm, tiền lương, tiền công của Mác. Các lược khảo này được kỳ vọng có giá trị tham khảo cho nghiên cứu về nghèo của hộ PNNNT ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
    Hai là, luận án cung cấp bức tranh tổng thể về tình trạng nghèo và giảm nghèo của hộ PNNNT vùng ĐNB giai đoạn 2002-2020.
    Ba là, bằng các phương pháp phân tích hồi quy theo kỹ thuật hồi quy dữ liệu  gộp (Pool), kỹ thuật hồi quy hiệu ứng cố định (FEM) đối với dữ liện bảng không cân bằng, luận án đã phân tích tư liệu sản xuất và sức lao động ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của hộ PNNNT vùng ĐNB. Kết quả phân tích đóng góp vào hiểu biết về giảm nghèo của hộ PNNNT của các quốc gia đang phát triển.
    Đóng góp cuối cùng của luận án là các giải pháp để góp phần giảm nghèo đối với hộ PNNNT vùng ĐNB, cũng như góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam bền vững. Các giải pháp đề xuất là cơ sở để bản thân hộ PNNNT; chính phủ và các nhà nghiên cứu tham khảo để giảm nghèo và phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Luận án đã cố gắng phân tích tình trạng nghèo và giảm nghèo, định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của hộ PNNNT vùng ĐNB, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế khách quan như sau:
    Thứ nhất, nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ cuộc điều tra mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS) 2002-2020 mang tính đại diện ở cấp vùng. Tuy nhiên, có một số thông tin điều tra thu thập chưa thật sự đầy đủ từ phía cơ quan có thẩm quyền của cuộc điều tra, cho nên luận án có những hạn chế nhất định trong đánh giá các nội dung nghiên cứu.
    Thứ hai, VHLSS thu thập thông tin phong phú và đa dạng về hoạt động sinh kế của hộ ở cả thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, một số thông tin giúp cho quá trình phân tích tốt hơn nếu như được khảo sát trong VHLSS như: mối quan hệ giữa các thành viên của hộ, sự gắn kết của họ, các mối quan hệ xã hội cũng như năng lực vốn xã hội của hộ mà thành viên hộ có được, kỹ năng lao động và mức độ phù hợp của thành viên hộ với công việc làm công ăn lương mà họ đảm nhận, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, sản xuất kinh doanh, ưu tiên vùng khó khăn, dân tộc mà các hộ PNNNT nhận được.
    Thứ ba, luận án chỉ tập trung đối tượng là hộ PNNNT, chỉ ra được các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nghèo của hộ PNNNT vùng ĐNB. Tuy vậy, luận án chưa bao quát hết các chủ thể khác tham gia vào quá trình giảm nghèo ở nông thôn như vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện các chiến lược, chương trình, chính sách hướng đến hộ PNNNT, vì vậy, chưa thể đánh giá hết và định lượng được đầy đủ ảnh hưởng của các tác nhân này đến tình trạng nghèo của hộ PNNNT vùng ĐNB. Đây cũng là hướng nghiên cứu rất hấp dẫn trong tương lai, xem xét các khía cạnh về thể chế, chính sách, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, cùng với sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên