Sinh viên ĐHQG-HCM

Hành trình chạm đất 21 quốc gia của sinh viên Trường ĐH Bách Khoa vừa tốt nghiệp

  • 04/11/2021
  • Ao ước được chu du khắp thế giới, Nguyễn Võ Hữu Thức - Cựu sinh viên khoa Kỹ thuật Giao thông - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, đã đến 21 quốc gia. Anh còn được đặt biệt danh là chuyên gia “săn” học bổng, các kỳ trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài.

    Hữu Thức trong chuyến tham quan hãng sản xuất máy bay Airbus, Pháp. Ảnh: NVCC

    Thức sang Pháp từ năm 4 theo chương trình bằng đôi của trường và hiện tại anh vừa tốt nghiệp chương trình kỹ sư tại Pháp, chuyên ngành Vật liệu tiên tiến (tức Kỹ sư hàng không nhưng chuyên về vật liệu hàng không), và bằng Thạc sĩ ngành Khoa học vật liệu, chuyên về Vật liệu công nghệ cao và phát triển bền vững. Anh cũng vừa được nhận vào chương trình tiến sĩ của Phòng thí nghiệm Cơ khí, quy trình và đổi mới, Trường Arts et Métiers ParisTech và công ty NTN-SNR (Pháp) trong ba năm tới với đề tài về sự mỏi của vật liệu.

    Tự xin visa đi Mỹ 2 tuần

    Tính đến nay, Hữu Thức từng tham gia trao đổi sinh viên ở Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Ý, Ba Lan, Síp, Canada, Nhật Bản và Pháp. Riêng tự đi du lịch, Thức đã đến Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ, Hy Lạp, Hungary, Qatar, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch và Thuỵ Điển.

    Thức kể lại, vào năm lớp 12, trước khi thi đại học, gia đình cho anh đi du lịch một chuyến Singapore - Malaysia để xả stress. Đó là lần đầu tiên anh được xuất ngoại. Thức từng rất tự tin với trình độ tiếng Anh của mình, “nhưng đi ra ngoài kia mới biết kiến thức của bản thân chỉ là một hạt cát, có rất nhiều thứ mình chưa từng thấy bao giờ”.

    Sau lần đó Thức đã ấp ủ mong muốn du học. Nhìn thấy bạn bè xung quanh được đi qua các nước, anh cũng muốn được giống vậy, nhưng việc tìm được một học bổng du học không dễ chút nào.

    Thức cho biết, anh chọn chương trình Việt-Pháp của Trường ĐH Bách Khoa và ngành Hàng không vì anh biết rất nhiều cựu sinh viên của chương trình và ngành học này có cơ hội đi nước ngoài cho những bậc học cao hơn.

    “Có một lần tôi đọc được bài phỏng vấn anh Hoàng Ngọc Cát Tân cũng là cựu sinh viên ngành hàng không sang Pháp và được làm cho hãng Airbus và bài phỏng vấn anh Phan Thế Hoàng - cựu sinh viên Hàng không Việt-Pháp với học bổng tiến sĩ ở Úc. Đó là những tấm gương mà tôi rất ngưỡng mộ. Họ đã tạo động lực để tôi cố gắng giành lấy cơ hội du học” - Hữu Thức chia sẻ.

    Tham gia các chương trình trao đổi, Thức cho biết, mục đích ban đầu của anh là muốn được đến tham quan du lịch ở đất nước đó. Nhưng một chuyến du lịch theo tour trong vài ngày lại không làm anh thấy hứng thú bằng những trải nghiệm cùng người địa phương, đặc biệt là sinh viên nước sở tại. Anh muốn tìm hiểu xem họ có gì hơn mình, có gì khác biệt trong tư duy.

    “Tôi không chỉ học hỏi được nhiều điều qua các chương trình khi làm việc và vui chơi cùng các bạn trong những chương trình trao đổi, thường là đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau, mà tôi còn biết được điểm mạnh điểm yếu của bản thân và có thêm những mối quan hệ ở khắp nơi trên thế giới” - anh bộc bạch.

    Thức cũng cho biết anh thường đi du lịch một mình mỗi khi có dịp, để tự thưởng cho bản thân sau mỗi kì học. Như lần trao đổi sinh viên ở Canada, anh tự xin visa để đi Mỹ trong 2 tuần và tận dụng một ngày quá cảnh để tham quan Đài Loan, hay trong chuyến trao đổi châu Âu năm 2018 thuộc chương trình ECORED của Trường ĐH Bách Khoa tại Ý, Ba Lan và Síp, anh tranh thủ tham quan Hungary và Hy Lạp và ghé qua Qatar trên đường về lúc quá cảnh.

    Anh nói: “Tôi cảm thấy việc tự lên lịch trình, đặt vé, tìm chỗ ở, tra cứu thông tin những nơi nên đến thăm ở mỗi nước giúp tôi tự lập hơn rất nhiều và cũng tự tin hơn qua mỗi chuyến đi”.

    Một môn học ba lần bằng 3 thứ tiếng

    Hữu Thức tham gia gia tư vấn tuyển sinh chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp của trường ĐH Bách Khoa từ Thụy Điển.

    Trao đổi ở nhiều nước, Thức cho biết có những môn anh được học lại cả 3 lần bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Cùng bài học đó, người Việt sẽ nhấn mạnh tính ứng dụng, học lý thuyết và công thức để dùng trong tính toán và công việc thực tiễn nhiều hơn. Nếu học ở Canada sẽ thiên về khả năng giải thích vấn đề một cách định tính và có nhiều thời gian làm việc nhóm. Còn ở Pháp, họ rất quan tâm đến nguồn gốc, bản chất vấn đề nên luôn dạy cách tìm ra công thức đó, công thức đó được phát triển hay suy ra từ đâu, giả thiết gì... và hướng nhiều đến việc nghiên cứu ở bậc học cao hơn, chú trọng thực hành hơn với nhiều giờ học tại phòng thí nghiệm.

    “Một điều tôi rất thích ở môi trường học nước ngoài là được học  thí nghiệm rất nhiều. Nó chiếm phần quan trọng trong điểm số của sinh viên. Việc học thực hành như vậy giúp toi hiểu rõ hơn bản chất vấn đề và ghi nhớ kiến thức lý thuyết dễ dàng hơn, cũng như chuẩn bị cho tôi đầy đủ kỹ năng để nghiên cứu khoa học sau này” - Thức cho hay.

    Tuy nhiên, với Hữu Thức, việc học ở Bách Khoa có ưu điểm là rèn luyện cho anh tính tự giác cao. Anh cũng khẳng định “chương trình đào tạo của Bách Khoa nói chung và Việt Pháp nói riêng rất sát chương trình đào tại của các nước tiên tiến”.

    Nói về ngôi trường mình vừa tốt nghiệp, Thức cho biết điều làm anh tự hào và ấn tượng nhất về Bách Khoa là những chương trình hợp tác quốc tế và những cơ hội tuyệt vời mà trường mang đến cho sinh viên.

    “Ngoài những chương trình tôi được tham gia, còn rất nhiều chường trình hay, học bổng danh giá khác, tạo điều kiện cho các bạn. Nếu thật sự nỗ lực và quyết tâm, bạn có thể trải nghiệm du học mà không lo về tài chính, thậm chí nhiều chương trình sau khi tham gia về vẫn còn dư tiền” - anh chia sẻ.

    Thức cũng nói thêm, anh từng gặp gỡ nhiều sinh viên ở các trường đại học của Việt Nam, đa số họ đều công nhận hoạt động hợp tác quốc tế của Trường ĐH Bách Khoa là hàng “top” với nhiều chương trình và mối quan hệ với các trường ở khắp nơi trên thế giới. Kiến thức ở Bách Khoa trang bị cho sinh viên cũng khá sát với nước ngoài nên sinh viên Bách Khoa có thể dễ dàng học tiếp ở các nước. Do vậy cựu sinh viên Bách Khoa có mặt ở khắp mọi nơi.

    Nhắn nhủ sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, Thức cho biết anh chỉ có một lời khuyên là hãy học ngoại ngữ thật tốt. “Không nhất thiết phải là tiếng Anh, dù là tiếng Pháp, Đức, Hàn, Nhật, Trung, Nga... cũng đều tốt cả. Vì nó sẽ là phương tiện mang đến cho các bạn rất nhiều cơ hội quý giá và đưa các bạn bay xa ra thế giới” - anh nói.

    Theo Thức, hiện tại có khá nhiều học bổng và chương trình trao đổi không chỉ của Trường ĐH Bách Khoa mà còn nhiều tổ chức khác. Tất cả chúng hoàn toàn miễn phí. Nếu mong muốn, các bạn hãy mạnh dạn tìm hiểu và đăng ký, đừng chỉ gò bó trong việc học để phí phạm những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ.

    NGUYÊN THY

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên