Hội nghị - Hội thảo

Hội thảo sử học đầu tiên về chiến tranh biên giới Tây Nam

  • 05/04/2018
  • Hơn 70 học giả, nhà nghiên cứu sử học đến tham dự Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM và Hội Khoa học lịch sử TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 5/4. Đây là hội thảo công khai đầu tiên về cuộc chiến này sau 29 năm Việt Nam đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đỡ nhân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pol Pot.

    Tại hội thảo, các bình diện về nguyên nhân, bối cảnh, tác động của cuộc chiến được giới sử học phân tích, đánh giá thẳng thắn. Phân tích nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến biên giới Tây Nam, GS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM trong phát biểu đề dẫn đã nêu đích danh Trung Quốc hậu thuẫn cho lực lượng Khmer Đỏ tấn công Việt Nam.

    “Trung Quốc coi Việt Nam thống nhất vào năm 1975 đã cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn với họ, nên tìm cách chia rẽ, lôi kéo Lào, sử dụng Khmer Đỏ làm công cụ, gây ‘chảy máu’ làm suy kiệt Việt Nam. Trung Quốc viện trợ cho Khmer Đỏ xây dựng nhà nước Camphuchia dân chủ và trang bị cho quân đội Khmer đỏ xây dựng thành lực lượng gây chiến với Việt Nam” - ông Sen nhấn mạnh.

    Trình bày quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến biên giới Tây Nam, GS.TS Võ Văn Sen cho biết “thực chất không có cái gọi là ‘vấn đề Campuchia’” vì ông cho rằng “Trung Quốc và phương Tây cố tình nhầm lẫn” hai quá trình chiến tranh và làm nhiệm vụ quốc tế của Việt Nam. Sự nhầm lần này “với những mục đích, động cơ khác nhau và để công kích, chống phá Việt Nam là chủ yếu”.

    Nhiếu ý kiến của giới sử học tại hội thảo cho rằng để hiểu sâu sắc và đúng bản chất, tác động và ý nghĩa của sự kiện này rất cần có một đề án nghiên cứu và điều tra về cuộc chiến tranh đến từng địa phương, từng làng, tỉnh ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc.

    Theo ThS Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, sách giáo khoa Lịch sử hiện hành viết quá sơ sài về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. “Đã vậy, gần 10 năm qua, Bộ GD&ĐT đã đưa phân phối chương trình giảm tải nhiều kiến thức, trong đó có kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Hệ quả của sự giảm tải này là thầy không phải dạy, trò không phải học. Và như một sự vô tình, thế hệ trẻ nhiều năm qua không hề được học, được biết về sự kiện này một cách chính thống”.

    Hội thảo thu hút sự có mặt của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia hàng đầu về lịch sử tại Việt Nam như: GS.VS.NGND Phan Huy Lê, GS.TSKH Vũ Minh Giang, PGS.TS Trần Đức Cường, nhà sử học Dương Trung Quốc…

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên