Tin tức - Sự kiện

Investigating the influence of corporate social responsibility practices on business financial performance a mediation analysis of corporate reputation - NCS. Nguyễn Khoa Trường An

  • 22/04/2022
  • Tên đề tài luận án: Investigating the influence of corporate social responsibility practices on business financial performance a mediation analysis of corporate reputation 
    Chuyên ngành: Business Administration  
    Mã số: 9340101  
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Khoa Trường An 
    Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Mai Ngọc Khương, 2. TS. Cao Minh Mẫn
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    I. Khoảng trống nghiên cứu
    Nghiên cứu này được bắt nguồn từ thực tế của nền kinh tế của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đã  có những bước chuyển đổi nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế là đi cùng với đánh đổi của xã hội và môi trường. Trong những năm gần đâu, liên tiếp có nhiều sự cố môi trường và ô nhiễm môi trường là  một trong những nguyên nhân nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong  giai đoạn dài hạn.  Dưới tác động của các vấn đề môi trường như ô nhiễm, thiên tai, tổng sản phẩm quốc nội có thể bị chịu nhiều ảnh hưởng. Doanh nghiệp (DN) đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, và các hoạt động kinh doanh của DN cũng là lý do cho  sự tồn tại của các vấn đề xã hội và các vấn đề môi trường. Các DN nghiệp cần chú trọng đến trách nhiệm của DN vì đây là cách tiếp cận hiệu quả duy nhất giúp cho DN có thể cân bằng lợi ích kinh tế và lợi ích của xã hội. Các vấn đề về quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn nơi làm việc, an toàn và sức khỏe cho khách hàng đã tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây.  Điển hình như việc xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các dòng sông và cộng đồng của Công ty Miwon, Công ty Hyundai Vinashin (Khánh Hòa), Công ty Giấy Việt Trì; ô nhiễm sông Thị Vải và các vấn đề an toàn sức khỏe như sữa nhiễm độc hay việc phân phối các thành phần độc hại và hóa chất cấm trong hàng tiêu dùng; việc sản xuất thực phẩm có chứa các chất có hại cho sức khỏe con người, đã gây ra mối quan tâm đáng kể cho các nhà quản lý doanh nghiệp và chính phủ ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, việc thiếu các thực thi trách nhiệm xã hội (TNXH) gây ra nhiều bất cập trong đời sống xã hội như sự không hài lòng của khách hàng, thiệt hại về môi trường, các hoạt động kinh doanh phi đạo đức. Lý do cho những hậu quả này có thể bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về thực hiện TNXH và lợi ích của TNXH.
    Nhìn nhận được các vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế nhanh chóng, luận án này sẽ nghiên cứu các giải pháp để cải thiện các vấn đề nêu trên. TNXH từ lâu đã được nghiên cứu rộng rãi ở các nước phát triển qua nhiều thập niên. Một quốc gia như Việt Nam với cách tiếp cận kinh tế đặc biệt: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nơi tiềm năng để nghiên cứu TNXH, nhằm tăng cường  phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế. Nghiên cứu  này  được thực với mục đích tìm hiểu và đề xuất  việc thực hiện TNXH căn cứ vào những lý do sau:
    Thứ nhất, nghiên cứu TNXH chủ yếu được thực hiện ở các nước phát triển và không có nhiều nghiên cứu được áp dụng ở các nước đang phát triển. Quan trọng hơn, các  mô hình và kết quả TNXH được nghiên cứu từ các nước phát triển nên được nghiên cứu thêm tại các nước đang phát triển để  nhằm nghiên cứu  sự đa dạng của TNXH trong các bối cảnh thể chế khác nhau.  Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về TNXH ở các nước phát triển, tuy nhiên tại các nước đang phát triển luôn có các vấn đề xã hội độc đáo, thì việc tìm hiểu việc thực thi TNXH vô cùng quan trọng.  Hơn nữa, các phương pháp tiếp cận TNXH trong môi trường kinh tế tiên tiến có thể không phù hợp với bối cảnh  của các quốc gia đang phát triển. Các nước đang phát triển và các nước phát triển không thể chia sẻ cùng một giá trị văn hóa xã hội, các giá trị tôn giáo và các chuẩn mực xã hội, điều này sẽ dẫn đến  sự khác biệt trong việc thực hiện TNXH. Do đó, thật sự cần thiết  có thêm những nghiên cứu về lĩnh vực TNXH trong một môi trường của quốc gia đang phát triển.  Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mang đầy đủ các yếu tố để có thể tìm hiểu nghiên cứu đánh giá sự liên quan của các lý thuyết TNXH trong bối cảnh cụ thể bởi vì hiện tại không có nhiều nghiên cứu bối cảnh của TNXH tại Việt Nam và Việt Nam có bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa riêng biệt.
    Thứ hai, trong nhiều năm và thông qua nhiều nhiên cứu  mối quan hệ giữa TNXH và hiệu suất tài chính (FP) luôn cho nhiều kết quả khác nhau trong đó có thể kể đến như có sự tác động tích cực, TNXH không có tác động đến  hiệu suất tài chính hay hiệu suất tài chính có tác động ngược lại đối với TNXH.  Chính vì sự thiếu rõ ràng và nhất quán trong kết quả nghiên cứu, do đó, việc nghiên cứu mối quan hệ TNXH-FP cần được tiếp tục chú trọng, đặc biệt là trong các bối cảnh khác nhau. Đây là một mối quan hệ phức tạp và việc nghiên cứu tác động trực tiếp của TNXH lên FP không đủ để giải thích sự tồn tại của mối quan hệ này. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã xác định các biến trung gian và nghiên cứu vai trò của biến trung gian trong việc  giải thích  tính phức tạp  của mối quan hệ giữa TNXH và FP, ví dụ như sự hài lòng của khách hàng, quy mô công ty, danh tiếng,... Danh tiếng của DN đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng kể từ khi các nhà nghiên cứu chú ý đến ảnh hưởng lâu dài của danh tiếng của DN đối với mối quan hệ giữa TNXH và hiệu quả tài chính. Các DN tích hợp vai trò của TNXH vào chiến lược và hoạt động kinh doanh, có thể dễ dàng đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan và tăng danh tiếng và độ phủ của DN, cuối cùng duy trì sự tồn tại và tăng trưởng kinh doanh của họ. Do đó, luận án  này được thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu liên kết TNXH-FP với vai trò trung gian của danh tiếng doanh nghiệp để làm rõ sự phức tạp của liên kết TNXH-FP.
    Thứ ba, mô hình kim tự tháp kinh điển TNXH của học giả Carroll bao gồm các khía cạnh kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện đã được nghiên cứu để kiểm tra ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, dưới sự tác động của các hoạt động kinh doanh đến môi trường trong thời đại công nghiệp phát triển mạnh mẽ, các DN cần phải chú trọng hơn vấn đề môi trường trong quá trình kinh doanh của mình. Vì thế, mô hình kim tự tháp của Carroll cần được điều chỉnh để xem xét các tác động của TNXH đến hiệu suất kinh doanh. Trong nghiên cứu này, khía cạnh môi trường sẽ được thêm vào trong mô hình (kinh tế, pháp lý, đạo đức, môi trường và từ thiện), khía cạnh môi trường sẽ đứng độc lập và được nghiên cứu tác động của nó. Việc nghiên cứu mô hình Carroll mới sẽ phù hợp hơn cho bối cảnh của một nước phát triển, mà hiếm có nghiên cứu nào nghiên cứu tác động của khía cạnh môi trường độc lập trong mô hình của Carroll.
    Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các nghiên cứu trước đây tập trung vào liên kết TNXH-FP của một ngành công nghiệp duy nhất, điều này gây ra giới hạn của tính khái quát của nghiên cứu.  Trong nghiên cứu này DN của ba ngành công nghiệp khác nhau: sản xuất, bất động sản, thương mại và dịch vụ  sẽ được nghiên cứu rõ ràng để nâng cao tính khái quát mà các nghiên cứu trước chưa được đề cập nhiều.
    II. Đóng góp của nghiên cứu
    1. Đóng góp học thuật
    Thứ nhất, luận án này là câu trả lời cho lời kêu gọi nghiên cứu trên thế giới về thực thi TNXH trong bối cảnh quốc gia đang phát triển. Nghiên cứu này góp phần hiểu rõ lĩnh vực TNXH bằng cách đóng góp vào các nghiên cứu hiện hành với dữ liệu thực nghiệm được thực hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, nghiên cứu giúp góp phần hiểu  thêm cách  thức các DN thực hiện các hoạt động TNXH tại Việt Nam và cách  thức thực thi này cho phép tổ chức hoạt động tốt hơn.  Kết quả trong nghiên cứu này có thể cung cấp một cái nhìn tổng quan về thực thi TNXH trong bối cảnh quốc gia đang phát triển; những nhà học giả và các nhà nghiên cứu có thể sử dụng kết quả trong nghiên cứu này để so sánh với những phát hiện từ các lĩnh vực khác hoặc  nghiên cứu của bối cảnh  quốc gia phát triển. Điều này góp phần vào làm sáng tỏ bức tranh thực hiện TNXH trên thế giới và giúp các học giả có thể có được cái nhìn sâu sắc về các thực thi TNXH hiện tại.
    Thứ hai, kết quả nghiên cứu này cung cấp bằng chứng để hỗ trợ lý thuyết các bên liên quan (stakeholder theory), lý thuyết hợp pháp (legitimacy theory) và lý thuyết quản lý tốt (good management theory) trong bối cảnh  quốc gia đang phát triển. Đặc biệt là lý thuyết quản lý tốt là lý thuyết mới so với hai lý thuyết kia và mới được giới thiệu để nghiên cứu TNXH và kết quả thực thi TNXH tại Việt Nam. Các lý thuyết kết hợp  với nhau và cùng hỗ trợ  giải thích và làm rõ cho mối quan hệ không nhất quán giữa thực thi TNXH và hiệu suất tài chính . Luận án đã nghiên cứu chi tiết và làm rõ mối quan hệ giữa  thực thi TNXH và hiệu suất tài chính với vai trò trung gian của danh tiếng doanh nghiệp. Sử dụng biến trung gian để giải thích mối quan hệ cũng là cách để đáp lại lời kêu gọi làm rõ mối quan hệ còn gây nhiều tranh cãi này. Nghiên cứu kiểm tra các tác động bổ sung của danh tiếng của DN đối với mối quan hệ giữa TNXH và hiệu suất tài chính để giải quyết sự phức tạp của mối quan hệ và để trả lời cho việc giải quyết vấn đề này đã được đề xuất trong nhiều nghiên cứu. Hầu hết các nghiên cứu sử dụng lý thuyết các bên liên quan, tính hợp pháp và lý thuyết quản lý tốt được thực hiện ở các nước phát triển. Quan trọng hơn, luận án này tích hợp các lý thuyết này để giải thích hiện tượng TNXH chứ không dựa vào lý thuyết đơn lẻ, việc tích hợp các lý thuyết là nền tảng để xây dựng một khung mô hình lý thuyết để  giúp việc giải thích rõ ràng hơn. Luận án giúp hoàn thành vai trò của từng lý thuyết, trong đó các lý thuyết nên được tích hợp để giải thích hiện tượng thực thi TNXH. Bằng cách này, thật dễ dàng để giải quyết sự phức tạp của một hiện tượng mà một lý thuyết duy nhất là không  đủ tính thuyết phục để giải thích  cho phù hợp. Khung mô hình lý thuyết của lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết tính hợp pháp và lý thuyết quản lý tốt đã phát triển một chuỗi logic các lập luận để giải thích mối quan hệ  không nhất quán của TNXH và hiệu suất tài chính.  
    Thứ ba, một mô hình khái niệm về các loại hình TNXH, danh tiếng của DN và hiệu suất tài chính được xây dựng để  thực hiện tham khảo và nghiên cứu  chuyên sâu trong tương lai. Mô hình nghiên cứu đã được kiểm chứng thực nghiệm bằng phương pháp định tính và định lượng góp phần vào sự hiểu biết lý thuyết về thực hiện TNXH trong bối cảnh quốc gia đang phát triển. Không giống như các nghiên cứu trước đây, mô hình kim tự tháp Carrol được sửa đổi bằng cách thêm khía cạnh  môi trường, do đó mô hình được hình thành với  năm loại thực thi TNXH kinh tế, pháp lý, đạo đức, từ thiện và môi trường. Đây cũng là một điểm mới cho nghiên cứu TNXH bằng cách nghiên cứu từng ảnh hưởng của khía cạnh TNXH đối với danh tiếng và hiệu quả tài chính của DN. Việc nghiên cứu các tác động của TNXH trong mô hình kim tự tháp Carroll đã được sửa đổi là cần thiết ở Việt Nam vì nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng và phải đối mặt với các vấn đề môi trường khác nhau song song với sự phát triển kinh tế. Mô hình nghiên cứu trong luận án cũng  góp phần là câu trả lời cho việc thiếu một mô hình  TNXH gây hạn chế trong  khả năng của những người ra quyết định.
    Cuối cùng, thay vì sử dụng phương pháp  nghiên cứu duy nhất, luận án đã sử dụng các phương pháp tiếp cận tổng hợp : phương pháp định tính và định lượng. Cách tiếp cận các phương pháp tổng hợp  dễ dàng làm rõ tính hợp lệ của thang đo và cung cấp những kết quả đáng tin cậy hơn. Kết quả thực nghiệm được thực hiện bởi phần mềm Smart PLS để cải thiện kết quả đáng kể về độ tin cậy.
    2. Đóng góp thực tiễn
    Dưới gốc độ quản lý DN: Các kết quả nghiên cứu có thể giúp những người chủ chốt ở các vị trí quản lý hiểu thêm về tầm quan trọng của thực thi TNXH và lợi ích của nó. Các nhà quản lý có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu làm tài liệu tham khảo cho các chính sách TNXH thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Việc thực thi TNXH nên được thực hiện như một mục tiêu chiến lược quan trọng do các kết quả khả quan mà TNXH đem đến. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ tồn tại cao hơn cho doanh nghiệp. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà quản lý cũng có thể đưa ra quyết định về trách nhiệm TNXH mà doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn, vì vậy DN dễ dàng đạt được thành công và kinh doanh hiệu quả và hiệu quả hơn. Hơn nữa, để cải thiện việc thực thi TNXH, các DN trong cùng một ngành có thể  cùng nhau hợp tác để thực thi TNXH đa dạng hơn với chi phí hiệu quả.
    Dưới gốc độ quản lý Nhà nước: Các kết quả nghiên cứu được coi là một nguồn tham khảo tốt cho việc hoạch định chính sách. Các cấp quản lý có thể có các chính sách khác nhau để thúc đẩy từng loại hình thực hành TNXH. Quan trọng hơn, các cấp quản lý có thể sử dụng nghiên cứu này làm tài liệu tham khảo để thiết lập các chỉ số đo lường  việc thực thi TNXH. Kết quả nghiên cứu là sự phản ánh việc thực thi TNXH điển hình hiện nay, dựa trên điều này, các cấp chính quyền có thể thừa nhận việc thực thi TNXH thực tế có thể hỗ trợ họ đưa ra các chính sách thúc đẩy thực thi TNXH. Các cấp quản lý cần tăng cường tuyên truyền để thúc đẩy thực thi TNXH và lợi ích TNXH thông qua các phương tiện truyền thông, các chương trình đào tạo, hội nghị.  Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho các doanh nghiệp về TNXH và xây dựng các quy định, chế tài để xử lý các doanh nghiệp vi phạm TNXH. Các cấp quản lý  nên là người trung gian giữa các doanh nghiệp và xã hội trong việc khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các cam kết về thực thi TNXH và xây dựng các cơ chế và chính sách TNXH của riêng họ. Các chính sách là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp và các tổ chức khác thực hiện các hoạt động của mình, và quan trọng hơn, các chính sách TNXH giúp chính quyền địa phương đạt được các mục tiêu phát triển về phát triển kinh tế và xã hội. 

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên