Tin tức - Sự kiện

Khảo sát thành phần hóa học của cây ích mẫu (Leonurus japonicus), ngải cứu (Artemisia vulgaris) và trắc bách diệp (Biota orientalis) - NCS. Nguyễn Thị Thảo Ly

  • 04/09/2021
  • Tên đề tài luận án: Khảo sát thành phần hóa học của cây ích mẫu (Leonurus japonicus), ngải cứu (Artemisia vulgaris) và trắc bách diệp (Biota orientalis)
    Ngành: Hóa hữu cơ
    Mã số ngành: 62 44 01 14
    Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thảo Ly
    Khóa đào tạo: 2013
    Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Diệu Liên Hoa, TS. Nguyễn Thị Lệ Thu
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Ích mẫu (Leonurus japonicus) và ngải cứu (Artemisia vulgaris) là hai thành phần chính của chế phẩm Cao Ích Mẫu, được bán trên thị trường dược phẩm với tác dụng chính là điều hòa kinh nguyệt. Hai loài cây này đều có tác dụng hữu ích liên quan đến các bệnh phụ nữ như bổ huyết, điều hòa kinh nguyệt; ngoài ra còn có tác dụng giảm sốt, trị đau bụng, kháng oxy hóa và kháng viêm hiệu quả. Trắc bách diệp (Biota orientalis) được sử dụng kết hợp với ích mẫu và ngải cứu trong bài thuốc dân gian trị các bệnh về máu như ho ra máu, băng huyết; còn được dùng trị bệnh gout, viêm khớp, sốt.
    Trong luận án này, thành phần hóa học của phần trên mặt đất cây ích mẫu, phần trên mặt đất cây ngải cứu và lá cây trắc bách diệp đã được khảo sát. Hoạt tính gây độc tế bào ung thư (HeLa, MCF-7) và ức chế enzym α-glucosidase của các hợp chất phân lập từ cây ích mẫu và hoạt tính ức chế enzym acetylcholinesterase của các hợp chất phân lập từ cây trắc bách diệp đã được thử nghiệm. 
    Từ phần trên mặt đất cây ích mẫu, 26 hợp chất đã được phân lập gồm 12 diterpenoid, hai sesquiterpenoid, một triterpenoid, hai steroid, hai flavonoid và bảy hợp chất phenol khác. Từ phần trên mặt đất cây ngải cứu, 11 hợp chất đã được tìm thấy, gồm năm sesquiterpenoid, năm flavonoid và một dẫn xuất của acid caffeic là ethyl caffeat. Từ lá cây trắc bách diệp, 13 hợp chất đã được phân lập, gồm sáu diterpenoid, một sesquiterpenoid, hai flavonoid và bốn hợp chất phenol. Như vậy, tổng cộng có 50 hợp chất đã được báo cáo trong luận án này.
    Kết quả thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư vú MCF-7, ung thư cổ tử cung HeLa và ức chế enzym -glucosidase trên các hợp chất phân lập từ cây ích mẫu cho thấy các hợp chất này hầu như không có hoạt tính. Kết quả thử hoạt tính ức chế enzym acetylcholinesterase trên các diterpenoid labdan phân lập từ lá cây trắc bách diệp cho thấy các hợp chất này không có hoạt tính.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Trong 50 hợp chất phân lập được từ cây ích mẫu, ngải cứu và trắc bách diệp, có 25 hợp chất lần đầu được tìm thấy từ ba loài cây này với 4 hợp chất lần đầu được tìm thấy trên thế giới là 15,16-epoxy-13,15-dihydroxylabd-8-en-7-on (IM107), 15-hydroxyleoheteronin B (IM108), acid leojaponic C (IM109) và methyl 15,16-dinor-7-oxolabd-8-en-14-oat (IM110).
    Với cây ích mẫu, 26 hợp chất đã được phân lập từ cao n-hexan và cao EtOAc, trong đó có 15 chất lần đầu được tìm thấy trong loài cây này, đặc biệt IM107-IM110 là bốn hợp chất mới chưa được công bố trên thế giới.
    Với cây ngải cứu, 11 hợp chất đã được phân lập từ cao n-hexan và cao EtOAc, trong đó có NC73 và NC74 lần đầu được tìm thấy trong loài cây này.
    Với lá cây trắc bách diệp, 13 hợp chất đã được phân lập từ cao n-hexan, trong đó 8 hợp chất là TBD69-TBD75 và TBD77 chưa được tìm thấy trong loài cây này trước đây. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về thành phần hóa học và hoạt tính ức chế enzym acetylcholinesterase của cây trắc bách diệp.
    Kết quả thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư cổ tử cung HeLa, ung thư vú MCF-7, ức chế enzym α-glucosidase và acetylcholinesterase của các hợp chất phân lập được cho thấy các hợp chất này hầu như không có hoạt tính.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Nếu có điều kiện, thử một số hoạt tính sinh học khác như kháng viêm, kháng khuẩn, kháng oxy hóa, kháng sốt rét, gây độc tế bào ung thư trên các hợp chất phân lập được và còn đủ lượng mẫu nhằm tìm kiếm các hoạt chất có khả năng trị bệnh.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên