Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Kỹ năng tự bảo vệ dành cho tân sinh viên

  • 27/09/2023
  • Sau niềm vui vỡ òa khi đậu đại học, nhiều tân sinh viên phải rời khỏi gia đình để khởi đầu cuộc sống tự lập. Đây cũng là lúc họ phải đối mặt với nhiều “chông gai” phía trước, do đó cần trang bị những kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường đại học và tham khảo thêm kinh nghiệm từ thầy cô, anh chị đi trước.

    * Phạm Thúy Liễu - sinh viên năm tư, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Không nên chịu đựng, giữ im lặng

    Vì nhà cách trường khoảng 35km nên mình đã lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại trong hai năm đầu đại học. Để tránh lỡ tuyến, mình thường theo dõi lộ trình đường đi, dự báo giờ xe chạy, điểm dừng đón xe trên ứng dụng Busmap trước khi đi học. Ngoài việc chú ý đến các tuyến xe buýt, mình nghĩ tân sinh viên nên trang bị kỹ năng tự bảo vệ vì hành vi quấy rối trên xe xảy ra khá thường xuyên.

    Mình từng bị sàm sỡ khi đi xe buýt, khi có một người đàn ông khoảng 40 tuổi ngồi bên cạnh giả vờ ngủ say rồi chạm tay vào đùi mình. Mình đã cảnh giác với người này từ đầu nên luôn phòng bị, ngồi nép vào trong. Khi bị sàm sỡ, mình đã nhấc cặp lên đập thẳng vào tay ông ta. Sau sự việc đó, mình còn đăng một bài viết lên mạng xã hội để bạn bè nâng cao cảnh giác.

    Theo mình, khi bị quấy rối trong không gian hẹp như xe buýt thì tân sinh viên không nên chịu đựng, giữ im lặng mà cần phản đối hành vi của người quấy rối, yêu cầu họ dừng lại ngay. Sau đó, các bạn hãy nhanh chóng đổi chỗ ngồi. Trong trường hợp họ tiếp tục quấy rối thì các bạn phải báo ngay với tài xế, tiếp viên xe buýt hoặc gọi 113 để báo cáo sự việc. Bên cạnh đó, tân sinh viên cũng nên bí mật ghi âm, ghi hình người quấy rối để làm bằng chứng tố cáo với cơ quan chức năng.

    Tiếp đến, khi đi xe, các bạn đừng ngủ hay nhìn vào điện thoại chằm chằm mà phải quan sát xung quanh, tìm những vị trí có thể tựa như ghế để hạn chế bị người khác chạm vào. Nếu buộc phải đứng giữa xe, sinh viên nên tìm cách che chắn những vùng nhạy cảm trên cơ thể.

    * Huỳnh Kiều Anh - sinh viên năm tư, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM

    Tìm hiểu kỹ an ninh khu trọ

    Trước khi vào đại học, mình đã tham gia các hội nhóm dành cho tân sinh viên để tham khảo kinh nghiệm thuê trọ của các anh chị khóa trước. Mình cũng tham gia các hội nhóm cho thuê phòng trọ ở khu vực mình muốn, xem xét hình phòng, địa chỉ cũng như giá thuê.

    Sau khi chọn ra vài địa chỉ phù hợp với nhu cầu, mình sẽ nhắn tin hoặc gọi điện để hẹn lịch xem phòng trực tiếp. Một mẹo mình luôn dùng để tránh bị bắt nạt hay “ép giá” là tìm người đi cùng.

    Khi lựa chọn phòng trọ, mình nghĩ tân sinh viên nên lưu ý một số yếu tố như: cơ sở vật chất trong phòng, an ninh, công tác phòng cháy chữa cháy… Ngoài ra, các bạn cũng nên chú ý hàng xóm ở khu trọ để đề phòng các đối tượng nguy hiểm. Với kinh nghiệm của bản thân, để đỡ phức tạp, mình thường ưu tiên chọn các khu trọ có người thuê chủ yếu là sinh viên.

    Để tự bảo vệ bản thân khi bước vào môi trường mới, tân sinh viên cũng nên học một số kỹ năng tự vệ cơ bản, cách dùng bình chữa cháy hay cách nhận diện đa cấp, đặc biệt là làm quen với bạn mới để giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, nguy hiểm.

    * Trần Nguyễn Trung Kiên - sinh viên năm tư, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM

    Đừng vì ham lợi mà mắc lừa

    Khi lên đại học, rất nhiều sinh viên muốn tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì các bạn sẽ rất dễ “rơi vào bẫy”. Những người lừa đảo sẽ luôn đưa ra những lời mời gọi rất hấp dẫn trên mạng xã hội để đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng của sinh viên.

    Mình chỉ làm thêm mỗi công việc gia sư nên may mắn chưa từng gặp phải trường hợp lừa đảo nào trong suốt thời gian qua. Nhưng thỉnh thoảng, mình vẫn nhận được những email, lời mời tham gia các nhóm bán hàng hoặc lướt thấy bài viết nói về cơ hội kiếm tiền nhanh chóng trên Facebook.

    Ngoài ra, mình thấy nhiều bạn còn nhận được lời mời tham gia các nhóm học tiếng Anh. Các đối tượng lừa đảo sẽ phát tờ rơi hoặc đăng bài trong các hội nhóm sinh viên về những lợi ích khi tham gia học nhóm miễn phí. Khi đã dụ dỗ được sinh viên đến học nhóm thì các đối tượng này sẽ giới thiệu về các loại thực phẩm chức năng và quy mô công ty của họ, nhằm lôi kéo sinh viên tham gia đường dây đa cấp.

    Vì vậy, khi tìm việc làm thêm, tân sinh viên cần tìm hiểu trên các nguồn uy tín và chỉ nên chọn công việc có thông tin tuyển dụng rõ ràng gồm yêu cầu công việc, mục đích, địa chỉ làm việc… Đừng vì ham lợi, kiếm tiền một cách dễ dàng mà bị lừa gạt, lôi kéo vào các đường dây đa cấp.

    * ThS Nguyễn Thành Hiệp - Bí thư Đoàn Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM

    Cần trang bị kiến thức về pháp luật

    Ở khu Đô thị ĐHQG-HCM, hồ đá được xem là một mối nguy hiểm tự nhiên. Tân sinh viên hoàn toàn có thể bảo vệ mình bằng cách tự nâng cao ý thức, tuân theo những cảnh báo của nhà trường và ĐHQG-HCM.

    Các hình thức lừa đảo công nghệ cao cũng là chiếc bẫy tinh vi mà tân sinh viên dễ rơi vào, nhất là hình thức đa cấp biến tướng. Ngay cả những sinh viên rất thông thạo về công nghệ thông tin vẫn có thể bị lừa như thường. 

    Đặc biệt, trong những năm gần đây, sinh viên còn phải đối mặt với sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội. Chính tâm lý thích giành công lý cho người khác đã khiến nhiều sinh viên không kiểm chứng mà đã vội vã chia sẻ những thông tin sai sự thật. Thậm chí, một số trường hợp còn phải chịu trách nhiệm pháp lý vì hành vi của bản thân.

    Nguyên nhân chính của hai vấn đề kể trên xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Tôi cho rằng, để đảm bảo an toàn trên không gian mạng, tân sinh viên nên tự trang bị kiến thức về pháp luật, đặc biệt là Luật An ninh mạng. Các bạn cũng nên đọc kỹ quy định của nhà trường và theo dõi các kênh tin tức của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề hay các cuộc thi tuyên truyền pháp luật để tích lũy thêm kiến thức.

    * ThS Trần Nam - Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Luôn đề cao sự an toàn của bản thân

    Khi bước vào đại học, tân sinh viên phải luôn đề cao sự an toàn của bản thân vì đây là môi trường rộng lớn, đa dạng nhưng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. An toàn về sức khỏe tinh thần, an toàn giao thông, an toàn trên không gian mạng, tránh các bẫy lừa đảo việc làm… là điều sinh viên cần đặc biệt lưu tâm.

    Việc tìm hiểu kỹ thông tin về đời sống đại học cũng là cách giúp tân sinh viên có phương án phòng vệ hoặc giải quyết vấn đề tốt hơn. Tân sinh viên có thể tham khảo thông tin trên Fanpage của trường, kênh thông tin của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, cổng thông tin điện tử của các cơ quan công an và tờ báo trực tuyến uy tín. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tham gia câu lạc bộ, đội nhóm của trường và khoa để học hỏi thêm kinh nghiệm từ anh chị đi trước.

    Khi gặp khó khăn, tân sinh viên cần chia sẻ ngay với thầy cô ở Phòng Công tác Sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên hoặc cố vấn học tập. Vốn dày dặn kinh nghiệm, thầy cô sẽ hướng dẫn các bạn cách giải quyết phù hợp, nhanh chóng nhất.

    Chẳng hạn, đối với các trường hợp sinh viên gặp khó khăn về học phí, sức khỏe tinh thần hay mất mát tài sản, Phòng Công tác Sinh viên sẽ tìm hiểu kỹ và gợi ý một số địa chỉ tin cậy để các bạn nhận sự hỗ trợ tốt nhất.

    HƯƠNG NHU - THU TRANG - THU THẢO

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên